- Bắt cóc trẻ em đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại với các bậc cha mẹ. Đáng báo động, số vụ bắt cóc trẻ em ngày càng gia tăng với thủ đoạn vô cùng tinh vi và khó lường…

Chấn động những vụ bắt cóc trẻ em

Mới đây, vào khoảng 19h ngày 7/11, tại khu vực ngõ 64 đường Tây Trà thuộc phường Quang Trung, quận Hoàng Mai, khi cháu Vũ Văn T (3 tuổi) đang chơi với anh họ ở trước cửa nhà thì bất ngờ bị người đàn ông bế lên xe rồi rồ ga chạy rất nhanh.

Bố cháu T cho biết, khi bắt cóc cháu bé, người đàn ông đã để lại một tờ giấy với nội dung: “Muốn nhận lại con thì đưa 20 triệu đồng…” kèm theo số điện thoại. Bố cháu T lập tức gọi điện theo số điện thoại trên mảnh giấy mà chúng để lại, nhưng chỉ liên hệ được 1 lần thì tắt máy.

{keywords}

Kẻ lạ mặt nhắn tin đòi tiền chuộc.

Đến khoảng 19h30 cùng ngày, kẻ lạ mặt đã nhắn tin yêu cầu bố cháu T buộc tiền vào dây chun và thả xuống gầm cầu Thanh Trì đồng thời sang khu vực trụ sở Công an phường Sài Đồng, Long Biên để nhận con.

Trước đó, nhiều vụ bắt cóc trẻ em với thủ đoạn vô cùng tinh vi khiến dư luận bàng hoàng.

Năm 2014, câu chuyện về thủ đoạn vờ va vào những phụ nữ đang đèo con nhỏ trên đường, gây tai nạn rồi “ẵm” em bé đi mất của bọn lưu manh được chia sẻ trên mạng khiến các mẹ vô cùng bức xúc.

Vào ngày 14/6/2014, chị L. (Hà Đông) đang đèo con nhỏ (bé trai 3 tuổi) đi trên đường thì bị 1 kẻ lướt xe máy qua, cố tình huých vào tay chị nhiều lần khiến chị ngã ra đường và bất tỉnh. Ngay sau đó, một người đàn ông khác đi xe máy qua, cúi xuống bế thốc đứa bé lên rồi phóng đi luôn.

Anh T.V.H – chồng chị L. kể lại, cũng may anh rời nhà sau vợ vài phút nên khi đến đó, anh phát hiện chị đang nằm mê man dưới đất. Biết vợ gặp sự chẳng lành, anh hốt hoảng định bế vợ đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng anh chợt nhớ ra đứa con nên kêu to lên: "Con tôi đâu rồi?". Lúc ấy, chị bán hoa quả ở gần đó cũng chạy tới và bảo anh có một người đàn ông bế con anh phóng đi về phía Bưu điện Hà Đông.

Anh H. vội vàng tăng ga đuổi theo. Cũng may, đến cầu Am, anh đã đuổi kịp người đàn ông đó. Thấy bố, bé trai khóc nức nở. Anh H. giận dữ quát: "Ông mang con tôi đi đâu?", thì người đàn ông đó ngập ngừng: "Tôi định đưa cháu đến đồn Công an". Vì ruột gan rối bời, anh H. vội bế đứa con quay xe trở lại đưa vợ đến Bệnh viện 103 cấp cứu.

Câu chuyện bé gái bị bắt cóc tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng khiến nhiều người bàng hoàng.

Khoảng 10h ngày 13/12/2014, bé Nguyễn Thanh Hằng (4 tuổi) đang chơi cùng bé trai Đào Bá Uy (9 tuổi) tại nhà văn hóa thôn Hữu Trung, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì thì bất ngờ 1 người phụ nữ đi xe máy, bịt kín mặt phi tới bế cháu Hằng lên xe. Uy kéo Hằng lại nhưng bị người phụ nữ này đánh. Hoảng sợ, Uy chạy về nhà báo với người thân.

{keywords}

Cháu Hằng trong vòng tay người thân.

Một nhân chứng đã chụp được bức ảnh nghi phạm đi xe máy hiệu Jupiter màu xanh không biển số chở theo cháu Hằng. Sau 1 ngày điều tra, các trinh sát Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) phát hiện cháu Hằng đang bị giữ tại một khu tập thể ở phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội.

Cách đó không lâu, một vụ bắt cóc với chiêu làm quen qua mạng khá tinh vi gây xôn xao TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Theo đó, đối tượng Huỳnh Ngọc Minh Trang (17 tuổi) làm quen chị T.H.Hằng (20 tuổi, sống ở phường Quang Vinh, TP Biên Hòa) qua mạng xã hội. Trang tâm sự với chị Hằng rằng mình bị sảy thai phải giấu gia đình chồng. Người phụ nữ trẻ tuổi sau đó thường xuyên đến nhà thăm hỏi chị Hằng, đặc biệt là lúc chị hạ sinh con gái.

Khi đã tạo được niềm tin và trở nên thân thiết hơn, ngày 22/11/2014, Trang cùng Trương Thị Ngọc Oanh (54 tuổi) đến nhà chị Hằng.Trang giới thiệu với chị Hằng bà Oanh là mẹ ruột của mình, sau đó trình bày mong muốn mượn con vì mẹ chồng từ quê sắp vào thăm cháu nội.

Thương người bạn quen qua mạng, chị Hằng đồng ý với điều kiện chị phải ở gần bé để quan sát. Để tạo niềm tin, Trang thuê 2 phòng ở khách sạn, một phòng cho chị Hằng ở, phòng còn lại là điểm hẹn mẹ chồng gặp mặt.

Đợi một lúc không thấy Trang mang con sang, chị Hằng đi tìm phát hiện “bạn thân” đã đưa con đi đâu mất. May mắn nhờ sự giúp đỡ của lực lượng cảnh sát và tổng đài taxi, chị Hằng tìm thấy con ở một khách sạn khác, Trang và bà Oanh bị bắt giữ.

Cũng là “bạn thân”, Bùi Thị Yến Linh (SN 1982, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) đến nhà chị Trần Thị Thu Hoa xin nghỉ nhờ rồi lẻn vào phòng ngủ bế con mới 2 tháng tuổi của chị Hoa bỏ trốn.

Vụ việc xảy ra vào đầu tháng 9 năm 2014. Sau khi bắt cóc con của bạn, Linh đến Bà Rịa - Vũng Tàu thuê nhà trọ nghỉ lại.

Sau đó, sợ bị phát hiện, người phụ nữ này bỏ cháu bé trong phòng trọ rồi biến mất. Cháu bé được người dân báo lên cơ quan công an và giao lại cho gia đình chị Hoa.

Rúng động nhất trong năm 2014 là trường hợp Lê Thị Bích Trâm (25 tuổi) bắt cóc bé sơ sinh trong BV Quận 7, TP HCM.

{keywords}

Lê Thị Bích Trâm tại cơ quan điều tra.

Chiều 8/1/2014, đóng vai là người nhà bệnh nhân, Trâm lê la vào một phòng hậu sinh và phát hiện sản phụ Nguyễn Thị Minh Tâm vừa hạ sinh bé trai. Xin ngủ nhờ qua đêm cạnh giường sản phụ Tâm, sáng 9/1/2014, lợi dụng lúc chị Tâm vào phòng vệ sinh rửa bình sữa cho con, Trâm nhanh tay bế bé trai ra bắt xe ôm tẩu thoát.

Với sự vào cuộc của lực lượng trinh sát công an, qua phác họa chân dung kẻ bắt cóc được đăng tải trên báo chí, 4 ngày sau đó, Trâm mang đứa trẻ ra đầu thú. Tuy nhiên, đến tháng 3/2014, sau quá trình điều tra làm rõ nhiều nghi vấn, cơ quan CSĐT quận 7 xác nhận mục đích Trâm bắt cóc bé trai nói trên không phải vì sẩy thai mà để... bán.

Kỹ năng dạy trẻ để tránh bị bắt cóc

Trước vấn nạn bắt cóc trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên hình thành cho con trẻ "kỹ năng tự vệ". Dưới đây là những nguyên tắc bảo vệ con bạn trước nguy cơ bị bắt cóc:

{keywords}

Bố mẹ nên chuẩn bị cho con những kĩ năng trước khi ra đường hoặc đến trường.

- Hãy sử dụng mật khẩu: Khi cho trẻ đi học hoặc gửi trẻ, cha mẹ hãy đưa ra một mật khẩu cho bé. Chỉ bố hoặc mẹ và người nào hay đón bé biết được mật khẩu này. Nếu người đón không nói được mật khẩu thì bé hãy ngay lập tức chạy và cầu cứu sự trợ giúp từ những người xung quanh.

- Trong trường hợp bé bị người lạ lôi đi, dạy bé cần kêu khóc thật to để được giúp đỡ. Nhớ số điện thoại nhà hoặc cha mẹ là điều cha mẹ cần thiết phải dạy con.

- Hãy dạy trẻ nói “không” với quà bánh, truyện tranh, tiền bạc, lời rủ đi công viên,... của người lạ.

- Nâng cao nhận thức của trẻ: Dạy trẻ đi với đám đông, nhớ số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát, hãy nhớ ghi lại biển số xe của kẻ lạ mặt, luôn luôn cảnh giác với những chiếc xe lạ hoặc bất cứ ai đang theo dõi trẻ.

- Hãy “giới hạn những người tin cậy” cho trẻ biết, đó chính là: Cha mẹ, ông bà, thấy cô, anh chị trong gia đình. Hãy hướng dẫn trẻ là ngoài những người này ra, nếu có bất kỳ ai khác đề nghị chở trẻ đi đâu, làm gì (mở cửa nhà,..) thì hãy nói “không”, bỏ chạy và tìm đến những người tin cậy để nói lại việc vừa xảy ra.

- Dạy trẻ tự phòng: Không nhất thiết là cho trẻ tham gia một lớp học võ thuật, bạn có thể dạy trẻ những "phản kháng đơn giản" khi có người lạ tiếp cận như: đá vào những chân, đầu gối và vùng nhạy cảm của kẻ lạ. Bạn hãy dạy con bạn dùng hết sức hét thật to: "Cô/chú không phải mẹ/bố của tôi" để tạo sự chú ý của những người xung quanh và có cơ hội để bé chạy đi.

- Hãy dạy trẻ tìm đến những nơi có thể giúp đỡ như: quầy thông báo tại siêu thị; đồn công an… mỗi khi đi siêu thị hoặc đi ngang qua những nơi giúp trẻ có thể nhận diện đó là đồn công an.

Thu An (Tổng hợp)