Ngày 20/1, Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết sẽ liên minh  cùng 6 ngân hàng, gồm: Công thương Việt Nam (Vietinbank), Bản Việt (Viet Capital Bank), Á Châu (ACB), Phát triển TP.HCM (HDB), Bảo Việt (BVB) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nhằm phát hành thẻ chíp tín dụng và thẻ ghi nợ nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành. Dự kiến, các thẻ này sẽ ra mắt chính thức vào ngày 25/1.

Các thẻ tín dụng nội địa nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình/thấp, cung cấp công cụ chi tiêu tiêu dùng dựa trên tín chấp. Thẻ mới với công nghệ và tiêu chuẩn đồng nhất được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đẩy lùi tín dụng đen; nâng cao tính bảo mật, an toàn cho chủ thẻ...

Tính năng nổi trội của thẻ tín dụng nội địa là chủ thẻ chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên tới 55 ngày (các thẻ tín dụng thông thường 45 ngày). Với thẻ tín dụng nội địa, chủ thẻ được giao dịch trong hạn mức cho phép, hạn mức giao dịch sẽ do ngân hàng phát hành thẻ quy định.

{keywords}
 

Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa còn có thể thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán qua Internet, các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, chủ thẻ có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước, tại Hàn Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan,… 

Đặc biệt, hình thức giải ngân qua thẻ tín dụng nội địa có các mức phí rẻ hơn so với thẻ tín dụng quốc tế. Cụ thể, đối với các giao dịch thanh toán tại đại lý, cửa hàng chấp nhận thẻ, phí giao dịch sẽ ở mức từ 1,1-1,3% giá trị giao dịch, thấp hơn so với các thương hiệu thẻ khác. Còn với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1-2% giá trị giao dịch (mức thu tối thiểu từ 10.000-20.000 đồng) cũng thấp hơn rất nhiều so với các thẻ tín dụng quốc tế đang phát hành trên thị trường (hiện ở mức 4%).

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS, cho biết khác biệt của thẻ tín dụng nội địa mới là có khả năng hoạt động trên mạng lưới tất cả  ngân hàng, còn thẻ tín dụng nội địa cũ chỉ thực hiện trên mạng lưới chấp nhận thanh toán, rút tiền tại ATM hoặc tại quầy của từng ngân hàng.

Ông Minh cho biết, tại các quốc gia phát triển, thẻ tín dụng nội địa chiếm phần lớn và sức sống thẻ tín dụng nội địa rất tốt. 

Số liệu của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho thấy, từ năm 2017-2020, tổng số lượng thẻ tín dụng nội địa do các ngân hàng phát hành (chưa tuân theo Tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa của NHNN) giảm 10% về số lượng thẻ đang lưu hành (thẻ đang hoạt động giảm, thẻ “ngủ đông” tăng) và giảm 36% về số lượng phát hành mới.  

Ngược lại, tổng doanh số sử dụng thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng 25%. Trong đó, tổng doanh số thanh toán thẻ tăng trưởng 132%, tổng doanh số rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng nội địa tại ATM giảm 1%. Những con số trên cũng thể hiện đúng định hướng của NHNN về giảm rút tiền mặt tại ATM, tăng giao dịch thanh toán.

Anh Tuấn