Quyết liệt phát triển văn hóa – du lịch
Lai Châu có vị trí địa lý nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên Phủ, có các quốc lộ (QL) 4D, QL32, QL 12 và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai nối Lai Châu với Hà Nội – Điện Biên – Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc); có hệ thống đường thủy Sông Đà và các hồ lớn tại các công trình thủy điện như: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát và hiện nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đến khảo sát để nghiên cứu xây dựng các khu điểm du lịch lòng hồ (như khu vực lòng hồ trung tâm xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn…); có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Động Tiên Sơn, thác Tác Tình huyện Tam Đường, động Pu Sam Cap Thành phố Lai Châu, núi Đá Ô tại Sìn Hồ, đặc biệt tại khu vực xã Nùng Nàng gần động Pu Sam Cáp đã có Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến khảo sát, nghiên cứu để xây dựng khu du lịch tâm linh.
Cánh đồng Mường Than (Lai Châu). Ảnh minh họa. |
Với chuỗi hệ thống hang động độc đáo, khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ của cao nguyên Sìn Hồ, nguồn tài nguyên rừng đa dạng sinh học với thảm thực vật phong phú và nền văn hóa đa sắc màu của 20 dân tộc, trong đó có 04 dân tộc chỉ Lai Châu mới có.
Những nét độc đáo của các phiên chợ vùng cao như: chợ San Thàng, chợ Dào San, chợ Mường So...; nhiều lễ hội đặc sắc, truyền thống của các dân tộc như: Lễ hội Gầu tào, Tú Tỉ, Nàng Han, Xòe Chiêng… Với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực phong phú của 20 dân tộc anh em là những tiềm năng, thế mạnh để khai thác, phát triển du lịch văn hóa.
Những năm gần đây, tỉnh Lai Châu rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh phát triển văn hóa – du lịch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đồng thời đưa ra các chính sách mở rộng cửa thu hút đầu tư một cách mạnh mẽ.
Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh đã có nhiều giải pháp, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, đưa ngành du lịch trở thành mũi nhọn trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Động Pu Cam Sap. |
Hàng loạt các sự kiện với quy mô lớn được diễn ra, nhằm quảng bá du lịch và giới thiệu sản vật địa phương đến du khách cả nước.
Tháng 4/2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM năm 2021 nhằm cụ thể hóa các nội dung tại chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện địa phương.
Từ đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và giá trị tài nguyên du lịch tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn đáp ứng được nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Song song, tiếp tục đẩy mạnh kết nối du lịch giữa Lai Châu với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Tây Bắc trong trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý; đổi mới hình thức xúc tiến quảng bá, thu hút, kêu gọi đầu tư; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và mở rộng thị trường khách đến với Lai Châu và các tỉnh Tây Bắc mở rộng thời gian tới.
Nhiều tour du lịch hấp dẫn đã được hình thành và phát triển rất nhanh trong những năm gần đây, nhờ cảnh quan thiên nhiên, sản vật đặc trưng, văn hóa đa dạng. Nông nghiệp - nông thôn Lai Châu cũng được đánh giá là một trong những sản phẩm du lịch đầy tiềm năng, nếu được quan tâm khai thác sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho Lai Châu và làm phong phú cho các tour du lịch trên cung đường Tây Bắc Việt Nam.
Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới
Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh sẵn có, Lai Châu đã và đang nỗ lực rà soát, đánh giá thực trạng cũng như những tồn tại, hạn chế của du lịch nông thôn để tìm ra những giải pháp, tạo động lực cho du lịch nông thôn phát triển.
Năm 2018, Lai Châu đã lựa chọn, triển khai thí điểm mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại 3 xã: Khun Há, Hồ Thầu (huyện Tam Đường), Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ).
Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng đắn, mở ra triển vọng cho các tỉnh, thành phố, trong đó có Lai Châu đối với phát triển kinh tế - xã hội. Người dân ở nông thôn thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mình, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung ứng dịch vụ để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Vẻ đẹp của bản làng người H'Mông ở Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu). Ảnh minh họa. |
Sau khi triển khai, các mô hình đã được đánh giá là đem lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân. Các địa phương được lựa chọn thí điểm đều có sự phát triển vượt bậc, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Các bản du lịch nông thôn kiểu mẫu phải đảm bảo các tiêu chí cụ thể như: có cơ cấu kinh tế rõ nét, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng. Vườn cây, ao cá, chuồng trại phải được quy hoạch, áp dụng công nghệ tiến tiến, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), an toàn vệ sinh thực phẩm, có giá trị kinh tế cao.
Có cơ sở dịch vụ ăn uống và bán quà lưu niệm cho du khách. Có nhà ở mang bản sắc văn hóa của cư dân bản địa và các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đội văn nghệ phục vụ khách thăm quan, có chỗ ở cho khách lưu trú, quy ước thôn bản phải thiết thực, bền vững. Đặc biệt phải thu hút và làm hài lòng khách đến thăm quan, du lịch.
Phong trào xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng đang là sự lựa chọn hiệu quả của nhiều bản có thế mạnh du lịch ở Lai Châu.
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng đắn. Ảnh minh họa. |
Cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện đã tạo sự đồng thuận và ý thức tự vươn của người dân.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo đà cho công tác giảm nghèo ở địa phương.
Xu hướng gần đây, du khách rất thích đến với các làng bản Tây Bắc của Việt Nam, trong đó có Lai Châu. Bởi họ thích được trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hít thở khí hậu rất trong lành, mát mẻ.
Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích từ việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển du lịch cộng đồng. Để thu hút du khách, nhiều bà con đã trồng chậu hoa, cây cảnh dọc các con đường trong bản, rất mộc mạc, đơn sơ nhưng mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc ở Tây Bắc.
Một điển hình cho việc phát triển du lịch cộng đồng thành công là Bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu) cách thành phố Lai Châu 30km.
Trước những năm 90, Sin Suối Hồ từng là bản nghèo nhất Phong Thổ, tỉ lệ người nghiện cao, cuộc sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Người dân chủ yếu sinh sống bằng làm nương, rẫy, quanh năm vẫn đói nghèo.
Năm 1995, các cấp chính quyền địa phương nhận thấy tiềm năng về du lịch nên bắt tay giúp bà con gây dựng kinh tế, từng bước thoát nghèo.
Mọi người tích cực trồng trọt, tăng gia sản xuất. Sự thay đổi lớn nhất là khi con đường vào bản dài 5km được đổ bê tông. Bà con cải tạo vườn tạp, trồng hoa bên đường nội bản và những vị trí thuận lợi. Đồng thời, đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: mít, bưởi da xanh, hồng xiêm, nhãn… vào trồng, định hướng nếp ăn nếp ở cho bà con. Cùng với đó, nâng cao nhận thức về y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh, tạo sự đồng thuận đoàn kết trong các tầng lớp Nnân dân.
Ban đầu, du khách đến đây, chỉ một số hộ làm du lịch tự phát, manh mún. Con đường hoàn thiện, du khách đến đây đông hơn nên việc phát triển du lịch dần mang tính chuyên nghiệp, quy mô.
Điểm đặc biệt ở đây là người dân xây dựng mô hình tự cung tự cấp lương thực. Thịt bò, thịt lợn, thịt gà đến rau cỏ hoàn toàn tự canh tác và trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các loại gia vị như chanh, ớt, quất cũng tự trồng tại hộ gia đình.
Năm 2015, Sin Suối Hồ được tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận Khu Du lịch cộng đồng và đạt Nông thôn mới.
Cuối năm 2018, bản đã thành lập Hợp tác xã Sin Suối Hồ gồm 12 hộ gia đình tham gia nhằm liên kết, phát triển du lịch.
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam và được Hiệp hội Du lịch Việt Nam bình chọn là "Làng du lịch Cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam năm 2019".
Hay xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng bản Nà Ún thành bản nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch theo lộ trình. Đến nay, dù chưa được quy hoạch đồng bộ, đầu tư nhiều nhưng bước đầu đã mang lại cho vùng đất này hướng đi mới.
Giai đoạn 2021-2025, theo kế hoạch Nà Ún được Nhà nước đầu tư hỗ trợ hệ thống cấp nước sinh hoạt, đường sản xuất, bãi đỗ xe, điểm dừng chân khu vực suối nước nóng, xây dựng nhà vệ sinh nơi công cộng, hộ gia đình, chuồng trại chăn nuôi gia súc, nâng cấp nhà văn hóa bản gắn với nhà trưng bày sản phẩm… Trước tiềm năng, cơ hội đề án mang lại, người dân bản Nà Ún rất vui mừng phấn khởi, các hộ gia đình đóng góp công sức tôn tạo nhà văn hóa bản, trồng các loại hoa tô điểm thêm vẻ đẹp cho bản. Tự nguyện góp tiền mua thêm 30 cột điện, đường dây, bóng thắp sáng với số tiền hơn 30 triệu đồng…
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, là khoảng thời gian khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Tỉnh Lai Châu luôn đặt quyết tâm cao nhất hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, khai thác hiệu quả các điểm du lịch, tỉnh cũng chú trọng đến công tác an toàn dịch, tuyên truyền tới mọi người dân không chủ quan, lơ là và luôn nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống dịch bệnh.
Xuân Anh