Với chiêu bài “lợi nhuận cao” cùng với biển hiệu, hình ảnh, giấy tờ nhập nhèm mượn danh Bộ Quốc phòng, công ty đa cấp Liên kết Việt đã chiếm đoạt của hàng nghìn nạn nhân ở Hải Phòng số tiền lên tới vài chục tỷ đồng.
Nhập nhèm biển hiệu
Nửa năm trước, bà Nguyễn Thị H. (66 tuổi, trú quận Hồng Bàng) được người quen giới thiệu tham gia vào mạng lưới đa cấp của công ty Liên kết Việt chi nhánh tại 260 Văn Cao, Hải Phòng. Phía ngoài trụ sở này treo biển hiệu Tập đoàn thiết bị y tế BQP. Bên trong treo những giấy chứng nhận ghi rõ Bộ Quốc phòng, kèm theo những tấm hình sĩ quan quân đội cao cấp. Khi bà có mặt, trong hội trường đã có hơn 50 “đối tác” đang tham dự hội thảo hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Trụ sở của Liên kết Việt ở Hải Phòng. |
Tất cả chăm chú lắng nghe người thuyết trình thao thao chia sẻ về dự án kinh doanh siêu lợi nhuận. Theo đó, công ty này hoạt động theo mô hình nhị phân, mỗi người tạo 2 nhánh (cặp), một người có thể tham gia nhiều mã. Tham gia mã đầu với mức 8,6 triệu đồng để mua các sản phẩm máy ozone, đông trùng hạ thảo, dưỡng cốt vương, bổ não vương sẽ được tri ân tới 409 triệu đồng, tùy thuộc vào doanh thu bán hàng.
Ngoài ra, nếu phát triển được hệ thống cấp dưới, cứ 1 cặp thì được hưởng 300 nghìn đồng. Khi mua hoặc mở được 20 cặp mã được lên VIP 1 được hưởng hoa hồng 20 triệu đồng. Phát triển tiếp 20 cặp được lên VIP 2, 20 cặp nữa lên VIP 3, mỗi cấp hưởng hoa hồng 20 triệu đồng. Ở cấp VIP 3 phát triển được 30 cặp được lên VIP 4 vẫn được hoa hồng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, khi người nào ở mức VIP 4 thì được bổ nhiệm cấp phó phòng được hưởng lương cứng.
Ham kiếm lời, bà H. đồng ý ký hợp đồng và bỏ ra khoảng 40 triệu đồng tham gia 7 “mã”. Sau vài lần được hưởng tiền tri ân, tiền hoa hồng thì cơ quan chức năng vào cuộc, những người có trách nhiệm của chi nhánh ở Hải Phòng mất tăm, không ai chi trả nữa.
Ông H.V.B, trú quận Hồng Bàng, cho biết ông tham gia vào chi nhánh Liên kết Việt tại Văn Cao, Hải Phòng từ cuối năm 2014. “Lúc đầu tôi thấy “siêu lợi nhuận” cũng nghi ngờ sợ lừa đảo nhưng nhìn các tờ giấy chứng nhận rồi hình ảnh các yếu nhân mang quân phục nên không còn hoài nghi gì cả”- ông B. nói.
Ông B. đã bỏ ra gần 100 triệu tham gia 11 mã. Ban đầu, hàng tháng người ta tổ chức lễ tri ân trả hoa hồng cho các “đối tác”. Nhưng được một thời gian thì bắt đầu dây dưa, không chi trả hoa hồng nữa. Đến tháng 11/2015 thì chi nhánh này chính thức “sập”. Hàng nghìn “đối tác” đã bỏ tiền ra “đầu tư” mới ngã ngửa ra bị lừa.
Ngoài khu vực Văn Cao, từ đầu năm 2015 tại khu vực thôn 8, xã Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên) cũng xuất hiện một chi nhánh của công ty Liên kết Việt. Ông Hoàng Phú Dũng, Trưởng thôn 8 xã Thiên Hương, cho hay dân thôn 8 đã từng nếm quả đắng từ đa cấp nên không ai tham gia. Chỉ có người ở nơi khác tới, có cả xe ô tô biển ngoại tỉnh. Hằng ngày tại chi nhánh này có vài chục người, thậm chí cả trăm người từ khắp nơi đến tham dự hội thảo. Tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao nên tháng 9/2015 thì chi nhánh này ngừng hoạt động, rất nhiều người dân đã bị dính lừa.
Hàng nghìn người bị lừa
Ông H.V.B. cho biết, từ cuối năm 2015, ông cùng một số người đã liên hệ với các bị hại để thuê luật sư khiếu nại đòi tiền. Ông B. đã liên hệ với các “nhóm trưởng” để thống kê số tiền thiệt hại. Mấy ngày nay, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin trùm lừa đảo Lê Xuân Giang cùng bộ sậu bị bắt, hàng loạt nạn nhân của công ty đa cấp Liên kết Việt đã liên hệ với ông để đưa ra con số thống kê số tiền bị chiếm đoạt.
Theo ông B., đến cuối ngày 25/2, đã có gần 80 “nhóm trưởng” đại diện cho khoảng 3 nghìn nạn nhân đã thống kê bằng văn bản số tiền bị chiếm đoạt. Tổng số tiền bị chiếm đoạt thống kê được tới thời điểm này đã lên tới hơn 54 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nào ít nhất cũng có vài chục người với số tiền bị lừa vài trăm triệu đồng trở lên. Có nhóm lên tới vài trăm người với số tiền bị lừa tới vài tỷ đồng. Ông B. cho biết đây mới là con số thống kê ban đầu, danh sách nạn nhân sẽ còn nối dài, số tiền bị chiếm đoạt sẽ còn cao hơn nữa.
Ông N.V.C., một cán bộ nhà nước nghỉ hưu ở quận Đồ Sơn đứng đầu trong danh sách nạn nhân bị lừa với số tiền tới hơn 7 tỷ đồng. Trong số này, có hơn 2 tỷ đồng là tiền gom góp của gia đình ông C., số còn lại là ông đi mời chào người thân, bạn bè bỏ ra tham gia.
Ông C. cùng với các nạn nhân đang tiếp tục tập hợp thêm số người bị lừa nhằm thuê luật sư kiện đòi tiền. Tuy nhiên, ông C. không mấy tin tưởng có thể đòi lại được tiền. “Kiện thì cứ kiện nhưng những kẻ lừa đảo bị bắt rồi thì chúng tôi chẳng còn hy vọng gì đòi được tiền”- ông C. nói.
(Theo Tiền phong)
Sự thật chùa trên nóc chung cư 30 tầng ở Hà Nội