Ông Nguyễn Công Cường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội (HAMI), chia sẻ với Báo VietNamNet một số nét chính trong hoạt động xuất khẩu của các thành viên HAMI.
Doanh nghiệp công nghiệp chủ lực đều hướng ra thị trường thế giới
- Hành trình ra thị trường thế giới của các doanh nghiệp thành viên HAMI có những dấu ấn nổi bật nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Cường: Dù chỉ có chưa đến 100 hội viên nhưng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp HAMI đạt tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng giá trị sản xuất, sản lượng công nghiệp của Thủ đô. Rất nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ như MISA,... và nhiều thương hiệu quốc gia như Rạng Đông, Nutricare, May 10, Sơn Hà, Sunhouse...
Đặc thù của HAMI là không có doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, nhiều doanh nghiệp đã hơn 70 năm tuổi. Các doanh nghiệp đều có tinh thần hướng ra thị trường quốc tế.
Các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực đều được người tiêu dùng đánh giá cao tại thị trường nội địa. Nhiều sản phẩm được thị trường nước ngoài đón nhận.
Chúng tôi tự hào khi Top nhà xuất khẩu đá nhân tạo lớn nhất thế giới có hội viên của HAMI, đó là Vicostone - từng đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đá nhân tạo cao cấp gốc thạch anh.
- HAMI đã có hỗ trợ gì giúp các thành viên vươn ra thị trường thế giới, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Việt Nam có vị trí địa chính trị thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, là cửa ngõ kết nối giữa các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN khác.
Với sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc, Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm kiếm sự ổn định, chi phí sản xuất thấp hơn.
Việc tận dụng vị trí địa lý này, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi thế lớn hơn trong việc tiếp cận và mở rộng chuỗi cung ứng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp HAMI đang là nhà cung ứng cho các tập đoàn lớn như Samsung, Apple và các thương hiệu xe hơi quốc tế. Họ đã đầu tư vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của các đối tác toàn cầu.
Tuy nhiên, quản trị doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một thách thức lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một chiến lược dài hạn.
Thời gian qua, HAMI có nhiều chương trình, bước đi cụ thể để giúp doanh nghiệp hội viên tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như đề xuất chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, giúp các doanh nghiệp thành viên chuyển đổi sang sản xuất xanh, sạch, phát triển bền vững, phù hợp với xu thế thế giới.
HAMI đang hợp tác với một loạt tổ chức quốc tế ở Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản...
Chúng tôi thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài để mở rộng quan hệ giao thương về các lĩnh vực như môi trường, công nghệ sản xuất mới,... và tìm kiếm thị trường mới giúp các doanh nghiệp hội viên.
Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh
- Ông đánh giá thế nào về mức độ ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp HAMI để nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Sự bùng nổ của công nghệ 4.0, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT), đã và đang thay đổi cách thức vận hành của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ số để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất quản lý và giảm chi phí. Tự động hóa trong sản xuất và sử dụng các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh (SCM) giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng đáp ứng nhanh với các biến động trên toàn cầu.
Thực tế, VinFast, Samsung tại Việt Nam... đã ứng dụng hiệu quả công nghệ hiện đại vào quản trị và sản xuất, từ đó tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Xác định ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp HAMI đã xây dựng hẳn chiến lược, kế hoạch cụ thể cho việc áp dụng khoa học công nghệ; hợp tác với rất nhiều tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp khác để tự động hóa dây chuyền sản xuất, vận hành nhà máy thông minh... Mọi người đều thừa nhận ứng dụng công nghệ giúp kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Điển hình như Rạng Đông, sau khi áp dụng sản xuất thông minh, quản trị hiện đại và các giải pháp sản xuất xanh, công ty đã đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng hơn so với giai đoạn trước khi chuyển đổi số. Những thay đổi này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Đâu là những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ?
Năm qua kinh tế bắt đầu hồi phục, song vẫn còn ảnh hưởng từ thời Covid-19, khiến không ít doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn về vốn và nhân lực, khó tìm kiếm thị trường mới.
Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp gặp phải vấn đề tăng giá thành sản phẩm, trong khi thị trường chưa chấp nhận mức giá cao như thế.
Hiệp hội đã hỗ trợ hội viên bằng cách kết nối, nói chuyện với các ngân hàng về các khoản vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp quyết tâm chuyển đổi công nghệ số và xanh, cần lượng vốn nhất định để mua sắm trang thiết bị mới, hướng tới sản xuất xanh và phát triển bền vững.
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ số tại HAMI như MISA, Base Enterprise, FPT Software, GMO-Z.com RUNSYSTEM đang hỗ trợ hiệu quả các hội viên chuyển đổi số với ưu đãi giảm 20-30% giá sản phẩm và giải pháp công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
- Ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp HAMI trong hoạt động đưa sản phẩm Việt ra thế giới?
Mới đây, HAMI đã thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại, tăng cường khả năng kết nối trên thế giới phẳng cho sản phẩm công nghiệp Việt thông qua hoạt động thương mại điện tử.
Doanh số xuất khẩu hàng năm của các doanh nghiệp thành viên HAMI đạt khoảng 2 tỷ USD.
Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp Việt ngày càng đoàn kết, tập hợp thành một khối đủ mạnh khi tiến ra thị trường thế giới.
Dự kiến HAMI sẽ liên kết các sản phẩm của hội viên thành 8 ngành nghề xuất khẩu chủ lực để tăng hiệu quả chào hàng, giới thiệu ra nước ngoài. Qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp HAMI đạt 20-30%/năm.
Cần nhấn mạnh thêm lần nữa, việc liên kết và hợp tác với các đối tác quốc tế là yếu tố cốt lõi để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng mối quan hệ với các đối tác chiến lược trên toàn cầu để không bỏ phí cơ hội phát triển.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP và EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế, giúp giảm thuế và gia tăng khả năng cạnh tranh. Một số doanh nghiệp chủ lực đã tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại để mở rộng xuất khẩu sản phẩm ra nhiều thị trường ngoại.
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, năng lực của các doanh nghiệp Việt cần được cải thiện liên tục để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình sản xuất, phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có khả năng cung cấp hàng hóa đạt chuẩn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các đối tác quốc tế.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ.