Kể từ khi ra đời năm 2008 đến nay, cơ chế UPR đã góp phần không nhỏ trong việc hiện thực hóa tinh thần của Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế (UDHR) và Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên (VDPA), theo đó mọi người đều có quyền được sống trong phẩm giá, được tôn trọng, bảo đảm và thụ hưởng đầy đủ các quyền con người. Đây cũng là những nội hàm, giá trị cốt lõi mà Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 đã khởi xướng và cùng 12 nước khác thúc đẩy Hội đồng Nhân quyền mới đây thông qua Nghị quyết số 52/19 kỷ niệm 75 năm UDHR và 30 năm VPDA, với 121 nước đồng bảo trợ tại tất cả các khu vực.
Trong suốt quá trình tham gia Cơ chế UPR, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, với tỷ lệ chấp thuận khuyến nghị ngày càng tăng, lên tới hơn 83% tại chu kỳ III, cao hơn mặt bằng chung của các quốc gia khác. Xuyên suốt quá trình UPR, Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm 04 nguyên tắc: (i) việc thực hiện các khuyến nghị UPR luôn gắn với tổng thể chủ trương, chính sách và nỗ lực của Việt Nam về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (ii) tăng cường gắn Báo cáo UPR với thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị đã chấp thuận, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong hoàn thiện các khuôn khổ chính sách, pháp luật về quyền con người; (iii) đẩy mạnh sự tham gia rộng rãi, xây dựng của các bên liên quan; (iv) chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế.
Hôm 24/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc do Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.
Khẳng định nỗ lực, cam kết và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đã được chấp thuận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định, đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của thế giới với nhiều thách thức nổi lên như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, an ninh lương thực, xung đột vũ trang ảnh hưởng lâu dài về mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, thậm chí đẩy lùi quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại nhiều quốc gia và đặt ra những trở ngại chưa từng có đối với việc đảm bảo các quyền con người cơ bản.
Trong khoảng thời gian này, Việt Nam đã hết sức nỗ lực triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III được chấp thuận, đặc biệt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, giảm nghèo đa chiều bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Những kết quả này đã được các nước, các tổ chức quốc tế và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc đánh giá cao.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, Việt Nam rất coi trọng tiến trình UPR và luôn bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên liên quan trên nguyên tắc minh bạch, hợp tác, đối thoại thực chất và xây dựng. Đồng thời, tiến trình UPR không chỉ là cơ hội để rà soát tiến độ thực hiện các khuyến nghị, đánh giá các thành tựu mà quan trọng là xác định những lĩnh vực cần được cải thiện, rút ra những bài học kinh nghiệm.
Với chu kỳ IV, Việt Nam dự kiến sẽ nộp Báo cáo quốc gia lên Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm 2024 và Hội đồng Nhân quyền sẽ thông qua kết quả rà soát với Việt Nam tại Khóa họp 57 (tháng 9/2024), trên cơ sở đó mong muốn các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để hoàn thành Báo cáo UPR đúng tiến độ với chất lượng cao nhất.
Tại Hội thảo, bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế UPR, đánh giá cao cam kết của Việt Nam.
Quyền Điều phối viên thường trú đánh giá cao vai trò tiên phong của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và phát triển bền vững đã được các cơ quan của Liên hợp quốc ghi nhận, gần đây nhất là trong chuyến thăm Việt Nam của Báo cáo viên Đặc biệt về quyền phát triển vào đầu tháng 11/2023, cũng như sáng kiến và vai trò chủ trì của Việt Nam trong việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nghị quyết “Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna” vào đầu năm 2023.
Việt Nam có những kinh nghiệm điển hình khi tham gia UPR, cần tiếp tục phát huy, đặc biệt là có các Kế hoạch tổng thể triển khai các khuyến nghị UPR được chấp thuận. Bà Ramla Khalidi khẳng định các cơ quan phát triển Liên hợp quốc, nhất là UNDP sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình UPR nói riêng và tăng cường bảo đảm quyền con người nói chung quyền con người ở Việt Nam.