Trong công cuộc bảo tồn tiếng Việt, đưa văn hóa Việt tỏa sáng và phát triển, nhiều lớp học tiếng Việt kết hợp truyền tải văn hóa Việt đã được mở ra ở lãnh thổ Liên bang Nga. Những thanh, thiếu niên người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4 ở đây ngày càng ý thức hơn trong việc học và gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ.
Hà Ngọc Khánh Linh (SN 2004) quê gốc ở Hà Nội. Cô có khả năng đọc thông, viết thạo và giao tiếp trôi chảy 3 ngôn ngữ Anh – Nga – Việt. Linh cho biết, cô luôn cố gắng gìn giữ, tập luyện nói tiếng Việt từ khi còn nhỏ. Hiện, cộng đồng tại Nga có các chương trình dạy tiếng Việt cho con em kiều bào. Các lớp học này giúp gắn kết mọi người với quê hương và cũng là cách để tiếng Việt được lưu truyền đến thế hệ sau ngày càng mạnh mẽ, bền bỉ.
“Trừ khi đi học, phần lớn thời gian ở nhà và đi chơi, em hay sử dụng tiếng mẹ đẻ. Các bạn em cũng có nhiều người Việt Nam. Điều đó càng giúp em có cơ hội sử dụng ngôn ngữ Việt nhiều hơn. Một số bạn bè quốc tế ở trường đại học muốn biết về tiếng Việt, em cũng hay dạy họ một số câu giao tiếp cơ bản và một số phong tục truyền thống. Khi sang các nước, tiếng Việt và văn hóa Việt là cách để xác định bản dạng của mình. Thế hệ trẻ như chúng em cần có trách nhiệm nhiều hơn nữa trong công cuộc bảo tồn tiếng Việt. Chúng ta có thể hội nhập với thế giới nhưng không thể hòa tan và mai một đi những nét đẹp của dân tộc”.
Cũng giống như Khánh Linh, cô gái Lê Thanh Trang (SN 2004) nói tiếng Việt rất tốt. Trong cuộc thi “Tìm kiếm tài năng tiếng Việt” năm 2023, Thanh Trang khiến giám khảo và khán giả bất ngờ khi thể hiện ca khúc "Về quê”.
Trang chia sẻ, đây là sân chơi tiếng Việt bổ ích giúp em và các bạn nâng cao trình độ tiếng Việt của mình, đồng thời rèn luyện thói quen sử dụng tiếng Việt nhiều hơn trong đời sống thường ngày, đặc biệt là với ông bà, cha mẹ, bạn bè khi trở về nước mình sinh sống. Từ đó, các em sẽ truyền cảm hứng, niềm đam mê học tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào, đặc biệt là các em nhỏ thế hệ sau; coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng giữ gìn và phát huy bản sắc và ngôn ngữ dân tộc, khẳng định vai trò đồng hành với đất nước của tuổi trẻ kiều bào.
Thanh Trang có nhiều kỷ niệm và hoạt động ý nghĩa với bạn bè gốc Việt nhân dịp trở về Việt Nam.
“Em chọn bài “Về quê” như một lời tri ân đến Tổ quốc và gửi gắm tâm tư tình cảm của bố mẹ, ông bà cũng như cộng đồng người Việt ở Nga, luôn hướng về Việt Nam. Mỗi người, mỗi gia đình, một hoàn cảnh phải xa xứ để học tập, làm ăn… nhưng trong tim mọi người luôn yêu Việt Nam, yêu gốc gác bản xứ của mình. Bản thân em là thế hệ sau, sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng nhờ tình cảm của bố mẹ dành cho đất nước Việt Nam nên em đã nói được tiếng Việt, hiểu được cội nguồn của mình. Em đi đến đâu, nghe thấy ai giới thiệu là người Việt Nam, cảm thấy rất ấm lòng và hạnh phúc”, Thanh Trang tâm sự.
Trong chuyến về Việt Nam năm nay, Đinh Thị Hồng Ánh (SN 2003) đã cùng các bạn của mình đến nhiều địa điểm nổi tiếng. Đặc biệt là làng Sen quê Bác (Nghệ An) và khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Đây cũng là quê nội, quê ngoại của Ánh.
Mặc dù sinh ra tại đất nước khác, lớn lên sử dụng hoàn toàn tiếng Nga trong giao tiếp, học tập nhưng Ánh vẫn nói được tiếng Việt, nhất là chất giọng ấm áp, thân thương của mảnh đất miền Trung anh hùng.
Về thăm mảnh đất bố mẹ mình “chôn rau, cắt rốn”, nghe câu chuyện xúc động về Bác Hồ và sự hy sinh oanh liệt của 10 cô gái thanh niên xung phong, Hồng Ánh đã không kìm được lòng mà bật khóc.
“Trước đây em có tìm hiểu về cuộc đời của Bác Hồ bằng tiếng Nga ở nước Nga. Hôm nay, nghe cô hướng dẫn viên kể chuyện, em vô cùng xúc động. Nước mắt em cứ trào ra. Em rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Bác Hồ đã có rất nhiều công lao với đất nước Việt Nam. Vì việc nước, Bác Hồ đã không gặp được người thân, không thể về chịu tang anh trai được", Hồng Ánh nói.
Hồng Ánh cho biết thêm, cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga có đủ cả người miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi vùng miền có một chất giọng khác nhau nhưng đều là tiếng Việt thân thương. Tuy nhiên, khi về miền Trung, nghe các cô, các chú nói, cảm xúc của em rất khó tả, trào lên sự xúc động, cảm giác như mình đã được về nhà. “Tổ quốc cho em cả hình hài, tiếng nói. Tất cả đã giúp em có thêm động lực, quyết tâm hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của quê hương”, Hồng Ánh nói.
Trong chuyến hành trình đi dọc dải đất hình chữ S, Hồng Ánh và các bạn còn ghé thăm Thành cổ Quảng Trị với cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6/1972 - 16/9/1972). Đó là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Hồng Ánh đã tham gia đêm thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn. “Mỗi lần nhắc đến miền Trung, mẹ hay dạy cho em đoạn thơ: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi, mãi ngàn năm”. Em thuộc lòng đoạn thơ đó và rất mong ngóng được một lần về dòng sông Thạch Hãn thắp nén nhang, tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ đã nằm xuống mặt trận đỏ lửa năm nào”, Hồng Ánh kể.
Theo cô gái này, dạy thơ ca tiếng Việt cho con cũng là cách mẹ cô giúp con nuôi dưỡng, khơi gợi tình yêu Tổ quốc và học tiếng Việt được tốt hơn.
Bùi Đức Anh (SN 2004) đang là sinh viên ngành toán học của trường đại học danh tiếng ở Liên bang Nga. Đức Anh thường cùng bố mẹ tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam nên năm 2023, có dịp trở về Tổ quốc, chàng trai trẻ đã cùng các bạn của mình ghé thăm làng trẻ em SOS ở Thanh Hóa và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Bình.
Nhờ khả năng nói tiếng Việt lưu loát, Đức Anh dễ tạo được thiện cảm với các em nhỏ. Đức Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề học tập của các em. Chàng trai sinh năm 2004 bày tỏ: “Em mong muốn sẽ quay lại đây vào một dịp gần nhất, làm được nhiều việc giúp các em hơn”.
Đức Anh cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, sẽ dành 2 năm quay về Việt Nam hoạt động thiện nguyện, tích lũy kinh nghiệm và thực hiện những dự định dạy học cho em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi.
Chia sẻ về việc học tiếng Việt, Đức Anh kể, ngay từ nhỏ em đã nhận thức được nguồn cội của mình nên thích học tiếng Việt. “Gia đình chính là cái nôi văn hóa, truyền tải ngôn ngữ mẹ đẻ tốt nhất. Bố mẹ em rất quan tâm đến vấn đề này, ngoài yếu tố môi trường gia đình, bố mẹ cho em tham gia các dự án xã hội, gặp gỡ người Việt Nam để tăng khả năng giao tiếp tiếng Việt”, Đức Anh nói.
Những bạn trẻ kể trên đều là những thế hệ sau sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng mang trong mình lòng tự tôn dân tộc lớn lao. Tiếng mẹ đẻ không chỉ giúp họ tỏa sáng, vươn xa mà còn là sợi dây giúp họ liên kết, gắn bó Tổ quốc thân yêu.