Sự khởi đầu với xe đạp
Năm 1895, Václav Laurin - một thợ khóa và Václav Klement - một người bán sách có chung niềm đam mê đi xe đạp đã gặp nhau và mong muốn sản xuất xe đạp của riêng họ. Yêu cầu là những chiếc xe đạp phải được làm từ những vật liệu tốt nhất hiện có, chất lượng cao, bền nhưng giá cả phải chăng.
Cả hai bắt đầu khởi nghiệp tại một cửa hàng sửa chữa nhỏ lấy tên là Laurin & Klement ở Mladá Boleslav với 5 nhân viên. Chỉ 1 năm sau, họ đã cung cấp ra thị trường 5 mẫu xe đạp Slavia do 21 nhân viên chế tạo. Nhưng đây chỉ là sự khởi đầu của vô số mô hình và dịch vụ mới cho khách hàng trong những năm tiếp theo.
Tiến bước sang xe máy
Đến năm 1899, sau 4 năm bán xe đạp, hai nhà sáng lập công ty đã quyết định thay thế sức mạnh bàn đạp bằng một động cơ xăng nhỏ gọn và muốn biến những chiếc xe đạp trở thành xe gắn máy.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm, ông Laurin đã trở thành người đầu tiên trên thế giới tìm được vị trí lý tưởng đặt động cơ ở phần dưới của khung xe. Ở thời điểm đó, khách hàng có thể lựa chọn giữa hai thiết kế cung cấp công suất là 1,2 hoặc 1,74 mã lực.
Bước nhảy từ 2 bánh lên 4 bánh
Trong thời kỳ hoàng kim của kỷ nguyên xe máy Laurin & Klement, công ty quyết định tạo nên một sự thay đổi mang tính cách mạng khác, đó là sản xuất ô tô. Chiếc xe ô tô đâu tiên nhẹ nhàng nhưng đầy tốc độ có tên L&K Voiturette A được ra đời vào năm 1905, trang bị động cơ 2 xi-lanh 1.0L có thể đạt tốc độ tối đa 40 km/h.
Giống như những các sản phẩm xe 2 bánh, mẫu xe ô tô đầu tiên của họ bán rất chạy cả trong và ngoài nước. Ngay sau đó, đội ngũ kỹ sư của công ty đã thiết kế thêm các mẫu động cơ 4 xi-lanh và 8 xi-lanh. Kể từ đó, những chiếc xe ô tô mang thương hiệu L&K đã đạt được hết thành công này đến thành công khác, cả về doanh số và những chiến thắng trên đường đua.
Nhờ đó, thương hiệu L&K đã nhanh chóng trở thành một biểu tượng lớn nhất trong lĩnh vực ô tô của Đế chế Áo-Hung.
Tên gọi Skoda ra đời
Sau hai thập kỷ mở rộng, hoạt động của công ty bị ảnh hưởng bởi những hậu quả của Thế chiến thứ nhất và sự sụp đổ của các thị trường truyền thống, bao gồm cả trong nước, vốn bị thu hẹp từ một đế chế với 53 triệu dân thành Cộng hòa Tiệp Khắc với dân số chỉ bằng 1/5 so với trước đó.
Hơn nữa, hoạt động sản xuất trong nhà máy còn bị tê liệt do hỏa hoạn. Những yếu tố này đã dẫn đến quyết định của ban lãnh đạo là tìm đối tác chiến lược.
Năm 1925, Laurin & Klement được Skoda Works - một trong những công ty chế tạo máy và vũ khí lớn nhất ở Trung Âu mua lại, đánh dấu hình thành một quan hệ đối tác cùng có lợi. Mũi tên có cánh trong logo Skoda tượng trưng cho tốc độ và sự tiến bộ.
Từ năm 1927 đến năm 1929, các dây chuyền sản xuất hàng loạt đã được áp dụng, cho phép các bộ phận cấu thành có thể được sử dụng trên nhiều phương tiện và được chuyên môn hóa cao, các nhân viên được yêu cầu tập trung vào một công việc cụ thể.
Dây chuyền sản xuất hiện đại nhất ở Tiệp Khắc được lấy cảm hứng từ các công ty của Hoa Kỳ và dành cho những thế hệ ô tô Skoda mới. Sự chuyển đổi có tầm nhìn xa và triệt để của công ty Skoda đã giúp công ty tránh được cuộc khủng hoảng tài chính Phố Wall lan rộng từ Mỹ sang châu Âu. Vài năm sau, Skoda thậm chí còn thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách mạnh mẽ hơn.
Đến năm 1934, Skoda chuyển sang sử dụng hệ thống khung gầm dạng xương sống thay cho dạng xát xi rời. Nhờ thiết kế mới tiên tiến này, trọng lượng xe đã giảm đáng kể, tiết kiệm hàng trăm kilogram vật liệu, mang lại nhiều lợi ích như tiêu thụ nhiên liệu ít hơn, lốp mòn chậm hơn, xử lý tốt hơn và giá bán rẻ hơn.
Những dòng xe được áp dụng hệ thống khung xe dạng xương sống này gồm có Skoda Popular, Rapid, Favorit và Superb. Kiểu treo phụ thuộc khiến bánh xe luôn nhảy lên khi đi qua bề mặt đường xấu đã được thay bằng hệ thống treo độc lập mà giờ đã trở thành tiêu chuẩn trên các mẫu xe hiện đại ngày nay của hãng.
Từ sở hữu tư nhân thành công ty nhà nước
Năm 1945, sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2, Skoda bị quốc hữu hóa ở Tiệp Khắc, nhiều bộ phận bị tách ra khỏi công ty. Từ 1/1/1946, công ty được đổi tên gọi là AZPN (viết tắt của tên gọi Công ty nhà nước sản xuất động cơ). Tất cả các quyết định quan trọng về đầu tư, sản xuất, định giá và các vấn đề quan trọng khác đều do nhà nước thực hiện.
Năm 1952 đánh dấu một trong những thay đổi lớn nhất trong công nghệ sản xuất của AZPN. Đó là tạo ra một cấu trục khung xe gần giống với kiểu khung liền khối như trên các mẫu xe ngày nay. Nó lần đầu tiên được áp dụng trên Skoda 1200 và được đánh giá tạo ra nội thất rộng hơn trước.
Đến năm 1964, thiết kế cổ điển với động cơ đặt trước và truyền động bánh sau đã được Skoda thay thế bằng một thiết kế “Tất cả ở phía sau” đơn giản, nhỏ gọn và nhẹ hơn nhiều.
Do đó, không gian dưới mui xe sẽ được sử dụng để hành lý. Đồng thời cách thiết kế này giúp cho xe dễ dàng leo dốc trên đường tuyết. Và Skoda 1000 MB ra đời. Thiết kế động cơ đặt sau vẫn được sản xuất cho đến năm 1990.
Cách mạng về hệ truyền động
Sau hơn 20 năm sử dụng triết lý thiết kế “Tất cả ở phía sau”, đến năm 1987 có thể được xem như một cột mốc thay đổi mang tính cách mạng trong lịch sử của công ty. Với thiết kế hiện đại, mẫu xe Favorit mới đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng tại những thị trường khó tính nhất nhờ chuyển sang sử dụng kiểu động cơ và hệ truyền động ở bánh trước.
Mẫu xe này còn mở đường cho một số lượng lớn các mẫu xe có thiết kế thân xe và động cơ kiểu này như Forman hay Pick-up. Đây là kết quả của sự phát triển của chính công ty và sự hợp tác với Porsche cũng như các studio thiết kế Bertone của Ý.
Favorit rất phổ biến ở Tiệp Khắc và các quốc gia Đông Âu. Xe cũng bán chạy ở Tây Âu, đặc biệt là ở Anh và Đan Mạch do được coi là giá rẻ, chắc chắn và đáng tin cậy. Tuy nhiên, Favorit vẫn bị cho là kém giá trị so với các ô tô Tây Âu đương thời. Skoda Favorit tiếp tục được bán cho đến khi mẫu mới Felicia được giới thiệu vào năm 1994. Nhưng giai đoạn cuối thập niên 80 và 90 là thời điểm khó khăn cho hãng xe này do những bất ổn về chính trị.
Hợp tác cùng Volkswagen
Năm 1989, sự sụp đổ bức tường Berlin đã đánh dấu sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội tại các nước ở Đông và Trung Âu, tạo ra những thay đổi cơ bản về xã hội. Nền kinh tế chỉ đạo được quản lý tập trung của Tiệp Khắc bị loại bỏ và quá trình tư nhân hóa dần được định hình.
Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu bắt đầu chuyển đổi công ty quốc doanh thành công ty đại chúng và Skoda đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Volkswagen - nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu lúc bấy giờ. Lễ ký kết đã diễn ra vào ngày 16/4/1991.
Những thành tựu và dấu ấn của Skoda sau khi về tay Volkswagen ra sao? Hãy cùng đón đọc phần 2 "Skoda đã phát triển như thế nào dưới thời Volkswagen?"