Bà Bachelet kêu gọi các bên liên quan ở Libya kiềm chế và tránh gây ra đổ máu. Quan chức này khuyến cáo, các cuộc tấn công vào dân thường tại quốc gia châu Phi này có thể dẫn tới những tội ác chiến tranh.

{keywords}
Lực lượng trung thành với Chính phủ GNA được Liên Hợp Quốc công nhận đang chuẩn bị vũ khí, đạn dược để phản kích phe đối lập. Ảnh: Reuters

Libya đã rơi vào vòng xoáy bạo lực, bất ổn chính trị và tranh giành quyền lực kể từ khi nhà cầm quyền lâu năm Muammar Gaddafi bị lật đổ và giết hại vào năm 2011. Hiện tại, hai phe phái chính trị lớn nhất đang nắm quyền song hành tại quốc gia này là Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez Al-Sarraj đóng đô ở Tripoli, được Liên Hợp Quốc công nhận và chính quyền ở miền đông đất nước, được tổ chức Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar ủng hộ.

Khủng hoảng leo thang khi tướng Haftar ngày 4/4 ra lệnh cho các tay súng LNA tiến hành đánh chiếm thủ đô Tripoli nhằm thống nhất Libya dưới sự kiểm soát của lực lượng này.

BBC dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, khoảng 47 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc giao tranh quanh Tripoli 3 ngày qua. Gần 2.800 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Song, rất đông người khác vẫn còn bị mắc kẹt trong vùng chiến sự và không được tiếp cận các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp.

Liên Hợp Quốc ngày 8/4 đã lên án việc các tay súng LNA không kích sân bay quốc tế Mitiga, sân bay duy nhất còn có khả năng hoạt động ở Tripoli.

Nhiều chính phủ trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ lo ngại, đồng thời kêu gọi các phe phái tại Libya giải quyết xung đột bằng các biện pháp ngoại giao. Mỹ yêu cầu phe của Tướng Haftar ngừng tấn công và ngồi vào bàn hòa đàm với GNA. Trong khi đó, Nga phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài.

Tuấn Anh