Câu chuyện địa chính trị định hình thời đại của chúng ta ngày nay là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh trải khắp toàn cầu. Hải quân Trung Quốc điều lực lượng khắp các tuyến đường biển lớn.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh tháng 10/2019. Ảnh: Xinhua |
Theo tạp chí Foreign Affairs, các động thái ngày càng quả quyết của Bắc Kinh mới nhìn qua tưởng như biểu hiện của sức mạnh và tham vọng ngày càng lớn. Song, chúng thực tế lại phản ánh sự bất an, lo lắng của Trung Quốc khi chứng kiến giai đoạn suy giảm phát triển kinh tế kéo dài đầu tiên trong một thế hệ qua và hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Các điều kiện kinh tế của Trung Quốc liên tục xấu đi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tốc độ tăng trưởng của nước này đã giảm một nửa và nhiều khả năng sẽ giảm sâu hơn trong những năm tới khi các ảnh hưởng của nợ nần, chủ nghĩa bảo hộ, sự cạn kiệt tài nguyên cũng như tình trạng già hóa dân số nhanh chóng bắt đầu phát tác.
Các khó khăn kinh tế sẽ khiến Trung Quốc trở thành một đối thủ ít khả năng cạnh tranh hơn về dài hạn nhưng lại là mối đe dọa lớn hơn đối với Mỹ ngày nay. Khi các cường quốc đang lên phải hứng chịu sự giảm tốc phát triển như vậy trong quá khứ, họ trở nên "mạnh tay" hơn. Trung Quốc dường như đang tiến theo con đường đó.
Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
Tháng 3/2007, thời kỳ đỉnh cao của sự bùng nổ phát triển kinh tế kéo dài nhiều năm, Thủ tướng Trung Quốc khi đó Ôn Gia Bảo đã có một cuộc họp báo ảm đạm khác thường. Ông Ôn Gia Bảo cảnh báo, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã trở nên "không ổn định, không cân bằng, thiếu sự đồng bộ và không bền vững".
Cảnh báo dường như đã tiên lượng chính xác những gì sắp đến. Trong những năm sau đó, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính thức của Trung Quốc đã giảm từ 15% xuống còn 6%, chậm nhất trong vòng 30 năm. Nền kinh tế của nước này đang trải qua giai đoạn giảm tốc dài nhất trong thời kỳ hậu Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Tốc độ tăng trưởng 6% vẫn có thể được coi là ngoạn mục nếu đem so với nền kinh tế Mỹ vẫn còn loay hoay mắc kẹt với tỉ lệ chỉ khoảng 2%. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tin rằng tốc độ tăng trưởng thật sự của Trung Quốc chỉ bằng gần một nửa con số công bố chính thức.
Hơn thế nữa, tăng trưởng GDP không nhất thiết khiến đất nước trở nên giàu có hơn. Nếu một quốc gia chi hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, GDP của nước đó sẽ tăng lên. Song, nếu những dự án như vậy không tạo được cầu nối đến đâu thì khối tài sản của đất nước đó sẽ không thay đổi hoặc thậm chí là suy giảm.
Để tích lũy của cải, một quốc gia cần tăng năng suất của họ, một biện pháp thực sự đã giảm ở Trung Quốc trong thập kỷ qua. Trên thực tế, mọi tăng trưởng GDP của Trung Quốc đều bắt nguồn từ việc chính phủ bơm vốn vào nền kinh tế. Một số nhà kinh tế lập luận, nếu trừ đi phần chi tiêu kích thích tăng trưởng của chính phủ, nền kinh tế Trung Quốc có thể không tăng trưởng chút nào.
Các dấu hiệu tăng trưởng không hiệu quả rất dễ phát hiện. Trung Quốc đã xây dựng hơn 50 "thành phố ma", những khu đô thị rộng lớn với các văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại và sân bay trống rỗng. Trên khắp cả nước, hơn 20% các ngôi nhà vẫn để trống. Công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp quan trọng lên tới 30%: các nhà máy không hoạt động và hàng hóa thối rữa trong các nhà kho.
Các tòa chung cư đang được xây dựng ở tây bắc Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Tổng thiệt hại từ tất cả những lãng phí như trên rất khó kiểm đếm, nhưng chính phủ Trung Quốc ước tính rằng họ đã chi ít nhất 6 ngàn tỷ USD vào "các đầu tư kém hiệu quả" trong giai đoạn 2009 -2014. Xét về số liệu tuyệt đối, nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm trở lại đây và hiện vượt quá 300% GDP của nước này. Không có quốc gia lớn nào từng tạo ra khoản nợ "khủng" nhanh đến như vậy trong thời bình.
Nghiêm trọng hơn, các tài sản từng thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đi lên đang nhanh chóng biến thành các món nợ phải trả. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, Trung Quốc đã mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và các thị trường nước ngoài. Nước này gần như tự cung tự cấp về lương thực, nước và các nguồn năng lượng, cũng như có được cơ cấu nhân khẩu học tuyệt vời nhất lịch sử, với tỉ lệ công dân từ 65 tuổi trở lên so với người trưởng thành trong độ tuổi lao động là 1/8.
Hiện tại, Trung Quốc đang mất dần sự tiếp cận công nghệ và các thị trường nước ngoài. Nước trở nên trở nên khan hiếm. Trung Quốc đang nhập khẩu lương thực và năng lượng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác do suy giảm nguồn tài nguyên tự nhiên của đất nước. Do chính sách một con, Trung Quốc cũng sắp trải qua cuộc khủng hoảng lão hóa dân số tồi tệ nhất lịch sử khi họ dự kiến sẽ mất 200 triệu người lao động và người tiêu dùng trẻ trong khi tăng thêm 300 triệu người cao niên trong 3 thập niên tới.
Bất kỳ quốc gia nào từng tích lũy nợ, suy giảm năng suất hoặc già hóa dân số ở mức gần với tình trạng của Trung Quốc hiện nay đều mất ít nhất một thập kỷ tăng trưởng kinh tế hầu như bằng 0. Trung Quốc sẽ đối phó với sự suy thoái sắp tới như thế nào?
Các tiền lệ lịch sử
Giới quan sát chỉ ra rằng khi các cường quốc đang phát triển nhanh chóng cạn kiệt động lực kinh tế, họ thường trở nên gai góc hơn. Giới lãnh đạo những nước này sẽ sốt sắng tìm kiếm các cách thức khôi phục sự tăng trưởng ổn định. Lịch sử cho thấy vô số tiền lệ. Trong hơn 150 năm qua, gần 12 cường quốc trên thế giới từng trải qua thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng và tiếp sau đó là sự suy thoái kéo dài. Không nước nào trong số này lặng lẽ chấp nhận điều đó.
Khi Mỹ sụt giảm mạnh sự tăng trưởng vào cuối thế kỷ 19, Washington đã đối phó bằng cách dùng bạo lực đàn áp các cuộc biểu tình của người lao động trong nước, đồng thời bơm mạnh đầu tư và xuất khẩu sang Mỹ Latinh và Đông Á, sáp nhập lãnh thổ ở đó và xây dựng một lực lượng hải quân hùng hậu để bảo vệ các tài sản xa xôi.
Nhật Bản và Đức cũng hứng chịu khủng hoảng kinh tế trong những năm giữa thế chiến. Cả hai đã chuyển sang chế độ độc tài và tiếp tục hung hăng chiếm đoạt các tài nguyên cũng như đè bẹp các đối thủ nước ngoài.
Câu hỏi đặt ra ở đây không phải liệu một cường quốc đang gặp khó khăn có mở rộng ra nước ngoài hay không, mà là sự mở rộng ấy sẽ diễn ra dưới dạng thức thế nào. Câu trả lời phụ thuộc một phần vào cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu, vào độ mở của các thị trường nước ngoài cũng như độ an toàn của các tuyến giao thương quốc tế.
Nếu hoàn cảnh cho phép, một cường quốc đang giảm tốc phát triển có thể khôi phục đà tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư và thương mại hòa bình, như Nhật Bản đã cố gắng làm sau khi hết phép màu kinh tế hậu chiến tranh vào những thập niên 1970. Song, nếu con đường đó bị đóng lại, cường quốc có thể phải thúc đẩy xâm nhập vào các thị trường nước ngoài hoặc dùng sức mạnh giành lấy các nguồn lực quan trọng như Nhật Bản đã làm trong những năm 1930.
Nền kinh tế toàn cầu ngày nay cởi mở hơn so với các thời đại trước, nhưng sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu cùng cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng đe dọa Trung Quốc tiếp cận các thị trường và tài nguyên nước ngoài. Với lí do chính đáng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại kỷ nguyên "siêu toàn cầu hóa" (hyperglobalization) giúp nước này trỗi dậy đã kết thúc.
Cấu trúc nền kinh tế bên trong một quốc gia cũng sẽ góp phần định hình phản ứng của nước đó trước sự suy thoái. Chính phủ Trung Quốc đang nắm trong tay nhiều doanh nghiệp lớn của đất nước và những doanh nghiệp này tác động đáng kể đến chính sách. Vì lí do đó, Bắc Kinh sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ các công ty khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài và giúp họ chinh phục các thị trường ngoài nước khi lợi nhuận trong nước cạn kiệt.
Rắc rối phía trước
Các hành vi gần đây của Trung Quốc là phản ứng kiểu kinh điển trước sự bất ổn kinh tế. Hồi những năm 1990 và những năm đầu của thế kỷ này, khi nền kinh tế của đất nước phát triển bùng nổ, Trung Quốc tuyên bố với thế giới về "sự trỗi dậy hòa bình" của họ thông qua hội nhập kinh tế và các quan hệ ngoại giao thân thiện. Song, tình hình hiện nay đã khác.
Chính phủ đã tăng gấp đôi chi tiêu an ninh trong nước trong thập kỷ qua. Bắc Kinh đổ lỗi các bất ổn, chẳng hạn như sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2015 và các cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2019 cho sự can thiệp của phương Tây.
Trung Quốc đã vươn dài cánh tay của mình ra nước ngoài trong suốt thời kỳ này, tăng gấp 3 lần đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng gấp 5 lần cho vay nước ngoài trong một nỗ lực đầy tham vọng nhằm giành lấy các thị trường và nguồn lực cho các công ty Trung Quốc. Về mặt quân sự, trong một thập kỷ qua, Bắc Kinh cũng đưa vào biên chế hoạt động số tàu chiến còn nhiều hơn tổng số chiến hạm của toàn bộ lực lượng Hải quân Anh.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng điều hàng trăm tàu thuyền và máy bay hoạt động tấp nập tại các tuyến đường biển quan trọng ở châu Á. Họ cũng cho xây dựng bất hợp pháp các tiền đồn quân sự trên Biển Đông và thường xuyên sử dụng các biện pháp trừng phạt trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Nếu tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục suy giảm hơn nữa trong những năm tới, Bắc Kinh có thể tăng gấp đôi những gì đã làm trong thập kỷ qua.
Nhà phân tích Michael Beckley cho rằng, Mỹ rõ ràng đã cảm thấy mối đe dọa từ một nước Trung Quốc bất an. Theo ông, khi phép màu kinh tế của Trung Quốc chấm dứt và "giấc mơ Trung Hoa" gặp nhiều thách thức, Washington cần ngăn chặn sự bùng phát giận dữ của Bắc Kinh thông qua kết hợp cẩn thận các biện pháp răn đe, trấn an và giảm thiểu tổn thất. Cách này có vẻ không hấp dẫn nhưng được tin là khôn ngoan và hiệu quả hơn so với các lựa chọn khác.
Tuấn Anh