Cảnh tượng người dân xếp hàng ở các siêu thị, vơ vét giấy vệ sinh trên các kệ hiện đang phổ biến ở Australia, bất chấp việc nhà chức trách địa phương khẳng định nước này không khan hiếm mặt hàng nói trên.

{keywords}
 
{keywords}
Người dân Australia đổ xô tới các siêu thị để mua giấy vệ sinh với số lượng lớn. Ảnh: BBC

Tại Sydney, thành phố lớn nhất Australia, tình trạng nghiêm trọng đến mức một chuỗi siêu thị buộc phải ra quy định hạn chế mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 4 bịch giấy vệ sinh. Cảnh sát hôm 4/3 thậm chí được gọi đến giải quyết xô xát khi một khách hàng đã dùng dao trong lúc cãi vã về giấy vệ sinh với những người mua khác.

{keywords}
Các kệ trưng bày giấy vệ sinh trống trơn tại một siêu thị ở Sydney. Ảnh: BBC

Trên mạng xã hội, các từ khóa "bê bối giấy vệ sinh" và "khủng hoảng giấy vệ sinh" trở nên thịnh hành nhất trong ngày 4/3. Giá rao bán các cuộn giấy vệ sinh trên các trang mua sắm trực tuyến cũng được đẩy lên cao chót vót, trong khi nhiều thính giả đã tham gia các cuộc thi trên sóng phát thanh để giành phần thưởng là những bịch giấy vệ sinh 3 lớp.

Truyền thông Australia thậm chí cho đăng tải thông tin về một số vụ trộm giấy vệ sinh ở các nhà vệ sinh công cộng ở nước này trong 48 giờ qua.

Đáng nói, việc "sốt" giấy vệ sinh không chỉ xảy ra ở Australia mà còn xuất hiện ở những "điểm nóng" về dịch Covid-19 khác như Nhật, Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc) và thậm chí cả một số nơi tại Mỹ.

{keywords}
 
{keywords}
"Cơn sốt" mua giấy vệ sinh ở Hong Kong. Ảnh: CNN

Theo BBC, tình trạng người đổ xô đi mua giấy vệ sinh bắt đầu ở Australia cuối tuần vừa qua, khi nước này có thêm nhiều ca dương tính với virus corona chủng mới và ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, Australia có tổng cộng 50 người nhiễm Covid-19 với 2 trường đã tử vong.

Các chuyên gia tâm lý học tiêu dùng cho rằng, hành vi vơ vét giấy vệ sinh khi dịch bùng phát hoàn toàn "phi lý" và là bằng chứng rõ ràng nhất cho "tâm lý bầy đàn" bị kích động bởi nỗi sợ hãi do thông tin lan truyền cả trên các phương tiện truyền thông chính thức và mạng xã hội. Giáo sư Nitika Garg thuộc Đại học New South Wales gọi đây là hội chứng "sợ bị bỏ rơi" (FOMO).

Theo bà Garg, ở nhiều nước châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc, người dân có động cơ lớn hơn để đổ xô đi mua giấy vệ sinh, vì tồn tại luồng quan điểm cho rằng giấy vệ sinh có thể dùng đa năng, thay thế cho giấy ăn và là nguyên liệu làm khẩu trang tự chế khi khan hiếm khẩu trang y tế đạt chuẩn.

Tuy nhiên, ở Australia, khủng hoảng giấy vệ sinh có thể bắt nguồn từ lí do hơi khác. Người dân địa phương đã quen tích trữ hàng tiêu dùng khi đối mặt với một thảm họa tự nhiên sắp đến, chẳng hạn như cháy rừng hay bão lớn. Song, khi dịch Covid-19 bùng phát, một tình huống mọi người không rõ sẽ kéo dài bao lâu và nghiêm trọng đến mức nào, họ muốn chuẩn bị sẵn sàng hơn cho những nguy cơ tồi tệ nhất.

Một chuyên gia khác về người tiêu dùng, tiến sĩ Rohan Miller thuộc Đại học Sydney tin, hiện tượng phản ánh lối sống của một xã hội đô thị hóa, khi mọi cư dân không quen với sự khan hiếm và luôn muốn mình sống trong điều kiện sinh hoạt tiện lợi nhất. Họ coi giấy vệ sinh là thứ tối thiểu để duy trì điều đó.

Tuấn Anh