Trong bài diễn văn nói về hiện trạng hành tinh ta đang sống, tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa lời lên án hành động gây chiến của con người với môi trường, đồng thời ông hối thúc mọi người tiến hành “hòa giải với tự nhiên”. Thì cũng là lẽ tự nhiên thôi, đây là cuộc chiến không đem lại kết cục tốt cho chúng ta. Thậm chí có thể coi chuỗi những hành động tàn phá môi trường là hành động tự đào mồ chôn tương lai nhân loại.
“Chúng ta đang đối mặt với một đại dịch gây nhiều thiệt hại, việc nóng lên toàn cầu đạt kỷ lục mới, hệ sinh thái suy thoái tới mức thấp mới và rồi xuất hiện cả những bước đi lùi trong nỗ lực toàn cầu nhằm phát triển một cách công bằng, bao quát và lâu đài”, ông Guterres phát biểu tại Đại học Columbia, phố New York.
“Nói một cách ngắn gọn, hiện trạng hành tinh đang không nguyên vẹn”.
Hai báo cáo mới, một từ Tổ chức Khí tượng học Thế giới và một từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, chỉ rõ ràng rằng ta đang tiến ngày một gần tới thảm họa khí hậu. Tổng thư ký LHQ không ngại ngần nêu những thiệt hại ta đã và đang gây ra cho Trái Đất, đồng thời cảnh báo các nước sẽ mất đi cơ hội mà đại dịch Covid-19 đang trao cho ta: đây là lúc nhìn nhận lại đâu là ưu tiên hàng đầu để hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
“Nhân loại đang gây chiến với tự nhiên. Đây là hành động tự sát. Tự nhiên luôn phản kháng - và hiện nó đã và đang phản kháng với ngày một mạnh và dữ dội hơn”, ông Guterres nói. Chúng ta đang chứng kiến đa dạng sinh học biến mất, các loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, hoang mạc đang lan ra ngày một rộng mà rừng xanh lại đang dần biết mất.
“Cá các đại dương đang bị đánh bắt quá nhiều, mà làn nước thì bị rác thải nhựa bóp nghẹt. Nước hấp thụ carbon dioxide khiến biển bị acid hóa. Các rặng san hô nhạt màu dần và đang chết”, Tổng thư ký LHQ tiếp tục.
“Ô nhiễm không khí và nước đang khiến 9 triệu người phải bỏ mạng mỗi năm - nhiều hơn 6 lần thiệt hại về người gây ra bởi đại dịch hiện tại. Và với việc người và gia súc xâm lấn ngày một sâu vào môi trường sống của động vật tự nhiên và phá vỡ không gian hoang dã, chúng ta có thể thấy ngày một nhiều những virus và yếu tố gây bệnh lây lan từ động vật sang người”.
Nguy cơ từ băng tan
Báo cáo mới công bố của Tổ chức Khí tượng học Thế giới cho thấy năm 2020 này đang trên đà trở thành một trong 3 mốc thời gian nóng nhất lịch sử ghi lại được; cái nóng khắc nghiệt tới mức che mờ khả năng làm mát bầu khí quyển của hiện tượng La Niña.
Khu vực nóng đáng chú ý nhất là miền bắc Châu Á, với vùng Siberia có nhiệt độ trung bình cao hơn 5 độ C so với mức cân bằng mọi năm. Nhiệt độ nước biển đạt kỷ lục, với 80% số vùng đại dương trải qua ít nhất một đợt sóng nhiệt trong năm 2020. Báo cáo cho thấy mức biển băng Bắc Cực trong hai tháng 7 và 10/2020 chạm mốc thấp nhất trong lịch sử. Trong khi đó, ngày 16/8/2020, Thung lũng Chết ở California nóng tới 54,4 độ C; đây là là nhiệt độ cao nhất được ghi lại trong 80 năm trở lại đây.
Ông Guterres không mấy vui mừng khi nhận định cháy lớn, lũ lớn, bão lớn đang “dần trở thành thứ ‘bình thường’ mới”.
Mức carbon dioxide trong không khí đang ở mức cực cao và vẫn tiếp tục tăng, cho dù việc cách ly xã hội thời Covid-19 đã làm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính sinh ra từ hoạt động giao thông, giao thương và sản xuất. Mức methane và nitro oxide trong khí quyển vẫn cao hơn thời tiền công nghiệp, trong khi đó các chính sách giảm biến đổi khí hậu vẫn chưa ngã ngũ, chưa đủ sức đối mặt với những thử thách biến đổi khí hậu đặt ra.
Hậu quả của cuộc chiến không cân sức giữa con người và hành tinh đang cản trở nỗ lực xóa bỏ nghèo đói, đảm bảo an ninh lương thực của LHQ. Tuy nhiên, Tổng thư ký Guterres nhận định ta chưa mất tất cả.
“Để tôi nói rõ: hoạt động của con người chính là khởi nguồn của bậc thang dẫn xuống cảnh hỗn loạn. Nhưng điều đó cũng có nghĩa hành động của con người cũng sẽ hóa giải được vấn đề đó”, ông Guterres nhận định. “Gìn giữ hòa bình với tự nhiên chính là nghĩa vụ định hình thế kỷ 21. Đây phải là ưu tiên số một của bất kỳ ai, sinh sống tại bất cứ đâu”.
Ở thời các nước đều đang tìm kiếm cách giảm thiểu thiệt hại đại dịch, đây là lúc “bật công tắc xanh” và chuyển biến nền kinh tế thế giới sang một dạng mới duy trì được lâu dài hơn, với sự hậu thuẫn bởi công nghệ năng lượng tái tạo. Đó sẽ là di sản chúng ta để lại cho thế hệ sau.
“Hồi phục từ Covid và hồi phục hành tinh có thể trở thành hai mặt của một đồng xu”, ông Guterres nói.
Hướng tới trung tính carbon
Ông Guterres chỉ ra 3 ưu tiên để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu:
- Đạt được trung tính carbon trong vòng 3 thập kỷ tới.
- Dồn nguồn lực tài chính vào đúng chỗ nhằm thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: giới hạn mức nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C.
- Tập trung nỗ lực và tiền bạc vào nỗ lực tìm ra những đột phá mới, giúp thế giới thích nghi với biến đổi khí hậu và những thay đổi khác trong tương lai.
Theo nhận định của Tổng thư ký LHQ, thời gian gần đây xuất hiện những “dấu hiệu đáng lo ngại” cho thấy nhiều nước lợi dụng tình hình khủng hoảng trong đại dịch để đẩy lùi các kế hoạch bảo vệ môi trường, bên cạnh đó là nới lỏng quy định về khai thác tài nguyên. Ông cho rằng phải hành động ngay trước khi quá muộn.
“Không một hành động vì khí hậu nào tách biệt khỏi bức tranh toàn cảnh hành tinh. Mọi thứ đều có liên kết với nhau, đều là những điểm chung toàn cầu và cũng là thể trạng tốt toàn cầu”, ông Guterres nói.
“Tự nhiên nuôi ta ăn, cho ta mặc, giải tỏa cơn khát của ta, tạo ra oxy cho ta hô hấp, định hình văn hóa và lòng tin và chính nó tạo nên nhân dạng ta. Đáng lẽ 2020 là một ‘siêu niên’ mà ta dành cho Tự nhiên. Thế rồi đại dịch lại mang tới một kế hoạch khác.
“Giờ ta phải tận dụng năm 2021 để tập trung giải quyết về những vấn đề cấp bách liên quan tới hành tinh này”.
Tháng Năm tới, các nước sẽ nhóm họp tại Côn Minh, Trung Quốc để soạn ra kịch bản hành động nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, giảm tốc độ tiến trình tuyệt chủng của các loài.
“Đa dạng sinh học không chỉ là thế giới động vật hoang dã đáng yêu và đáng mến; đó là tấm lưới sự sống đang tồn tại và đang nhớ từng nhịp”, ông Guterres nói, nhấn mạnh vào việc ta cần nỗ lực bảo tồn sự sống hơn, bên cạnh đó đưa ra những chính sách hạn chế khai thác tài nguyên quá mức.
Trong năm 2021, chính quyền các nước sẽ tham gia một loạt những hội nghị về bảo vệ môi trường biển, hệ thống giao thông tiên tiến, cơ chế sản xuất lương thực sạch, quy hoạch các khu dân cư mới và phục hồi hệ sinh thái. Tổng thư ký LHQ cho rằng đây là “hàng loạt những cơ hội giúp ta dừng việc phá hoại và bắt đầu quá trình hồi phục”.
Ông Guterres nói thêm về việc tôn trọng những kiến thức mà những cộng đồng dân cư bản địa có trong tay. Họ quản lý, duy trì tới 80% độ đa dạng sinh học trên đất liền. Sống bám tự nhiên từ thuở lọt lòng, họ hiểu về vẻ đẹp cũng như sự thịnh nộ của Đất Mẹ hơn ai hết.
Tổng thư ký còn nói thêm về những vai trò trọng yếu của phụ nữ trong xã hội mới, nói rằng họ là những người nhận nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, nhưng vẫn vững tay nắm giữ vai trò hậu phương của nền nông nghiệp.
Kết lại bài diễn thuyết, ông Guterres hối thúc chính quyền các nước thực hiện những luận điểm mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã nêu, hướng tới một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn bao giờ hết.
Trong khi Trái Đất đang đứng trước thử thách lớn và cả những cơ hội lớn, ta không thể hành động chậm chạp trong tiến trình bảo vệ chính tương lai của nhân loại.
Theo GenK