Nếu đang tìm mua tivi (TV) cao cấp, bạn có thể lạc vào “ma trận” các từ viết tắt: 4K, 8K, UHD, HDR… Tất cả các nhà sản xuất lớn như Sony, Samsung, LG… - đều dùng chúng cùng hàng loạt thuật ngữ tiếp thị khác như UltraBlack hay Motionflow XR. Tuy nhiên, hai công nghệ duy nhất bạn nên quan tâm khi mua TV cao cấp chính là OLED (Organic Light Emitting Diode: đi-ốt phát sáng hữu cơ) và QLED (Quantum-Dot Light Emitting Diode: đi-ốt phát sáng chấm lượng tử).
Chúng nghe giống nhau nhưng là hai công nghệ khác nhau hoàn toàn. Một điều khá thú vị là cho tới hiện tại, Samsung là công ty lớn duy nhất không bán TV OLED, còn LG Display của tập đoàn LG là công ty duy nhất sản xuất tấm nền OLED cho TV. Vì lý do này, LG Display đang cung ứng tấm nền OLED cho nhiều thương hiệu TV khác như Panasonic, Sony, Grundig, Phillips, Metz, Loewe, Skyworth, Changhong, Haier, Konka và sắp tới là Xiaomi. Nói cách khác, Samsung là “đội QLED”, còn LG và phần còn lại của thị trường là “đội OLED”.
Ảnh minh họa: Internet |
OLED và QLED: Cách gọi “na ná” nhưng hoàn toàn khác biệt
Đánh giá về TV OLED khá tốt và phần lớn chuyên gia đều nhất trí chúng là những TV tốt nhất từng được sản xuất với chất lượng hình ảnh gần như hoàn hảo và kiểu dáng đẹp mắt. LG đang phát triển công nghệ TV OLED tiếp theo. Gần đây, hãng còn trình diễn mẫu TV cuộn lại được màn hình 65 inch.
Nếu như thiết kế TV OLED cơ bản dùng RGB OLED (3 đi-ốt với 3 màu cơ bản đỏ, xanh lá, xanh dương) để tạo ra mỗi “điểm ảnh” (pixel) (tương tự thiết kế dùng trong màn hình OLED di động có mặt trên các smartphone Samsung, Apple), LG Display lại chọn cách tiếp cận khác. Đó là WRGB (hay WOLED-CF), dùng tất cả bóng đi-ốt hữu cơ màu trắng rồi dùng tấm lọc màu tương tự LCD để tạo ra ba màu cơ bản. Công nghệ WRGB do Kodak phát triển và nay do LG Display sở hữu dễ sản xuất hơn và có thể sản xuất số lượng lớn dù vẫn có một số nhược điểm kỹ thuật. Nó cho phép LG trở thành công ty đầu tiên thực sự sản xuất tấm nền TV OLED thương mại.
TV Sony dùng tấm nền OLED của LG. Ảnh: Internet |
Theo OLED-info, công nghệ OLED có nhiều điểm ưu việt hơn công nghệ LCD. Chúng bao gồm độ tương phản cao hơn (màu đen tối hơn do khi điểm ảnh tắt, nó không tạo ra ánh sáng, còn màn hình LCD đèn nền luôn bật, khó đạt được màu đen tuyệt đối); tỷ lệ làm tươi (refresh rate) cao hơn dẫn tới màn hình OLED có thể tắt và bật nhanh hơn; tiêu thụ điện thấp hơn; linh hoạt hơn (nhiều kiểu dáng: truyền thống, cong, bẻ cong, cuộn); góc xem tốt hơn.
LG Electronics cho biết đã bán được hơn 5 triệu TV OLED kể từ khi bắt đầu cung ứng ra thị trường năm 2013. Doanh số LG TV OLED tiếp tục tăng và trung bình bán được 100.000 thiết bị mỗi tháng. Theo một số báo cáo, LG Electronics đã yêu cầu LG Display cung cấp 2,5 triệu tấm nền TV OLED trong năm 2020. Báo cáo kinh doanh mới nhất của LG Electronics tiết lộ công ty đạt doanh thu 3,9 nghìn tỷ won từ bán TV và dòng sản phẩm OLED giúp tăng lợi nhuận.
LG Eletronics là hãng TV OLED dẫn đầu thế giới nhưng không phải duy nhất. Tính tới năm 2019, có 15 thương hiệu đang bán TV OLED, bao gồm Sony, Panasonic, Philips, Skyworth, Hisense. Xiaomi vừa công bố kế hoạch ra mắt TV OLED trong quý I/2020, dùng tấm nền của LG Display. Năm nay, dự kiến LG Display sản xuất được 4 triệu tấm nền TV OLED. Công ty đang nhanh chóng gia tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do chi phí sản xuất giảm, khối lượng tăng, chắ chắn TV OLED sẽ đánh chiếm thị phần từ các TV công nghệ khác.
TV Samsung QLED. Ảnh: Samsung |
Trong khi đó, QLED lại là công nghệ độc quyền do Samsung phát triển. TV QLED vẫn dùng đèn nền LED thông thường nhưng bổ sung lớp nền chấm lượng tử (quantum) giữa đèn nền và tấm nền LCD, tăng độ sáng và khả năng hiển thị màu sắc. Đó là lý do vì sao Samsung gọi công nghệ này là QLED (quantum LED) Lớp nền này cấu thành từ nhiều hạt siêu nhỏ, mỗi chấm cho khả năng hiển thị màu sắc riêng biệt và chính xác. Hiểu một cách đơn giản, QLED là biến thể của LCD/LED, dẫn truyền ánh sáng dựa vào hệ thống đèn nền LED.
Một số ưu điểm của QLED so với màn hình LCD truyền thống là độ sáng vượt trội, màu sắc chính xác, độ tương phản cao hơn, màu sắc hình ảnh bảo toàn từ mọi góc nhìn. Nhược điểm của QLED giống với LCD là do dùng đèn nền, màu đen không trung thực và độ tương phản kém hơn OLED.
Samsung nằm trong hiệp hội QLED Alliance, chỉ có 3 thành viên. Hai hãng còn lại là Hisense và TCL. Samsung sở hữu bản quyền cụm từ QLED TV, do đó nếu nhà sản xuất khác muốn dùng công nghệ chấm lượng tử, họ phải xin giấy phép của Samsung.
Bí mật chưa được bật mí về Samsung và OLED
Một điều thú vị không nhiều người biết chính là trong quá khứ, có hai hãng sản xuất tấm nền TV OLED, một là LG và cái tên còn lại chính là… Samsung. Tại CES 2013, Samsung đã mang tới mẫu TV OLED để trình diễn. Cũng trong năm này, công ty chi đậm để tiếp thị mẫu TV – giá bán lẻ khoảng 10.000 USD cho model 55 inch – cho giới siêu giầu. Một trong những chương trình quảng bá là bữa tiệc dành cho cư dân One Hyde Park – khu nhà ở đắt tiền nhất thế giới, tọa lạc tại Luân Đôn (Anh).
Tuy vậy, tới năm 2015, Samsung ngừng sản xuất TV OLED và nói rằng thị trường chưa sẵn sàng với giá bán của công nghệ này. Thay vào đó, họ tập trung vào phát triển màn hình tinh thể lỏng (LCD) và cải tiến bằng công nghệ chấm lượng tử. Đây là nước cờ sai lầm vì ngày nay, TV OLED đang chiếm ưu thế trên thị trường TV cao cấp và giá sản phẩm cũng giảm mạnh so với trước.
OLED hay QLED tốt hơn
Theo Popular Mechanics, OLED có chất lượng hình ảnh và độ tương phản tốt hơn QLED. Đặc biệt, OLED cho mùa đen tuyệt đối, quan trọng khi cảnh trên TV diễn ra vào buổi tối hay ánh sáng yếu. Đó là vì mỗi điểm ảnh OLED có thể tắt hoàn toàn nên không có ánh sáng. Trong khi đó, đèn LED không bao giờ tắt nên họ phải dùng màu xám đậm mô phỏng màu đen. Bạn có thể thấy rõ sự khác biệt khi xem cảnh đêm. Chẳng hạn, đầu năm nay, nhiều khán giả của phim Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) than phiền họ không thể thưởng thức trọn vẹn màn đánh đấm trong tập “The Long Night” nhưng người dùng TV OLED không gặp vấn đề như vậy.
Do mỗi điểm ảnh OLED tự điều khiển, chúng có thể thay đổi màu sắc nhanh chóng. Đây cũng là điều cần thiết khi chơi game, xem thể thao, phim hành động. Bên cạnh đó, OLED cung cấp góc xem rộng hơn và vì không có màn hình LCD, bản thân TV cũng mỏng hơn, dễ treo lên tường hơn.
QLED hợp với căn phòng nhiều ánh sáng. Ảnh: Internet |
Về phần mình, QLED có độ sáng tốt hơn nhờ vào bộ lọc chấm lượng tử. Vì thế, TV QLED tốt hơn đối với các căn phòng nhiều ánh sáng như phòng khách nhiều cửa sổ. TV QLED cũng rẻ hơn.
Nhìn chung, rất khó để đánh giá OLED hay QLED tốt hơn bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tuy vậy, khách hàng sẽ là những nhà phê bình công tâm nhất. Theo Reuters, nhìn vào đánh giá trên mạng của cả TV QLED và OLED sẽ thấy TV OLED của Sony và LG được hâm mộ nhờ chất lượng hình ảnh, đặc biệt là màu sắc chân thực, độ phân giải cao, thiết kế hấp dẫn, giá hợp lý. Tất nhiên, nó không đồng nghĩa Samsung QLED TV không có người ủng hộ. Chất lượng hình ảnh và giá đã giảm nhưng chúng thường không phải lựa chọn hàng đầu của giới chuyên môn.
Năm 2018, Ross Young, CEO hãng nghiên cứu màn hình Display Supply Chain Consultants nhận xét cú nhảy của TV OLED trên phân khúc cao cấp là kết quả trực tiếp từ chất lượng hình ảnh nổi bật.
Nguồn tin thân cận của Reuters tiết lộ Samsung quyết định dựa vào công nghệ LCD thay vì OLED là vì tham vấn Văn phòng chiến lược – một bộ phận đã bị giải tán của tập đoàn. Văn phòng gợi ý tập trung vào LCD sẽ có lãi hơn OLED. Vấn đề là cùng thời gian này, LG đã phát triển quy trình sản xuất màn hình OLED hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Samsung trả lời Reuters rằng nguyên nhân lớn nhất họ không làm TV OLED là vấn đề “burn-in” màn hình và kết luận OLED không phù hợp với màn hình lớn vì có thể rút ngắn tuổi thọ sản phẩm khi sản xuất ra hình ảnh quá sáng. Ngược lại, LG nói trên website burn-in hoàn toàn có khả năng xảy ra trên bất kỳ màn hình nào và họ đã giải quyết được vấn đề bằng công nghệ.
Cuộc chiến OLED – QLED vẫn đang diễn ra căng thẳng và chưa có hồi kết. LG và Samsung liên tiếp công kích công nghệ của nhau tại mọi thị trường. Nếu đang muốn mua TV cao cấp, OLED là lựa chọn hàng đầu, trừ khi bạn muốn chi ít tiền hơn nhưng có TV to hơn hay muốn đặt TV trong căn phòng nhiều ánh sáng. Khi đó, hãy chọn QLED.