Bilibili là một nền tảng livestream nổi tiếng ở Trung Quốc chuyên cung cấp những nội dung xoay quanh anime cho người dùng. Thế nhưng, cậu bé Vita, streamer 8 tuổi sống ở Thượng Hải, lại sử dụng nó như một lớp học online về lập trình chứ không hề liên quan gì đến hoạt hình Nhật Bản cả. Kênh stream của cậu hiện đã sở hữu 60.000 lượt theo dõi, hàng triệu lượt xem chỉ sau 3 tháng hoạt động. Công việc của cậu thì cũng đơn giản: Mỗi ngày online để dạy cho người xem về lập trình.
Đối tượng học viên của Vita rất đa dạng, thường là những cô cậu học sinh lớn tuổi hơn, và thậm chí có cả người lớn nữa. Trong những buổi stream của mình, cậu nhóc tài năng này thường giảng dạy rất chậm rãi, kiên nhẫn, đi từng bước từng bước để mọi người có thể nắm vững những kiến thức cơ bản cũng như thực hành nhuần nhuyễn. Ứng dụng mà Vita sử dụng có tên Swift Playgrounds do Apple phát hành.
Vita cùng bố đã sáng lập nên kênh stream triệu view về lập trình, hiện đã sở hữu 60.000 người theo dõi chỉ sau 3 tháng hoạt động.
Cậu chia sẻ: “Lập trình thực sự không hề dễ dàng một chút nào, nhưng nó cũng không khó khủng khiếp như mọi người lầm tưởng. Trong quá trình dạy, đôi khi em cũng cố ý gõ sai vài dòng code, như một cách để minh họa cho mọi người thấy những sai lầm cơ bản thường gặp phải và cách khắc phục chúng. Chia sẻ kiến thức với mọi người cũng giúp em học thêm được nhiều điều mới”.
Đúng là không thể phủ nhận tài năng cũng như những lý tưởng mà Vita đang theo đuổi, nhưng đối với Trung Quốc thì xu hướng này cũng không còn quá lạ lẫm nữa. Rất nhiều gia đình đã cho con em mình theo học các khóa lập trình từ trước khi đi học tiểu học. Họ tin rằng những kiến thức, kĩ năng liên quan đến công nghệ thông tin sẽ giúp các con có một tương lai tươi sáng hơn, trong bối cảnh nền kĩ thuật, công nghiệp của nước nhà đang ngày càng phát triển.
Đó chính là lý do vì sao gia đình Vita đã đầu tư cho cậu theo học bộ môn này từ rất sớm. Bố cậu, anh Zhou Ziheng, cũng là người giúp đỡ rất nhiều trong quá trình xây dựng và duy trình kênh stream trên Bilibili. Là một biên dịch viên tự do chuyên phụ trách mảng sách khoa học và công nghệ, anh Zhou rất hiểu tầm quan trọng của lập trình trong tương lai, và quyết định dạy con viết code khi cậu mới 5 tuổi.
Anh cho biết: “Trước đây tôi đã từng học lập trình rồi, thế nên tôi cho rằng việc dạy con viết code từ khi còn nhỏ là một điều hết sức bình thường. Khi Vita 4 tuổi, tôi cùng con chơi những trò chơi liên quan đến lập trình, sử dụng những icon màu sắc, vui nhộn để thay thế cho những dòng code khô khan. Sau khi thấy con vừa hứng thú, lại vừa chơi tốt, tôi quyết định dạy con viết code thật luôn”.
Bố là người truyền cảm hứng cũng như giúp đỡ Vita rất nhiều trong quá trình học lập trình.
Bước ngoặt bất ngờ đến vào mùa hè vừa qua, khi Vita sửa code thành công cho phiên bản cập nhật của một ứng dụng mà chính bố cậu cũng “vò đầu bứt tai” suốt mấy ngày mà không nghĩ ra. Anh Zhou liền gợi ý cho con quay video quá trình viết lại đoạn code đó, và thế là ý tưởng về một kênh streaming chuyên chia sẻ kiến thức về lập trình ra đời.
Sau hơn 3 tháng hoạt động, kênh stream của 2 bố con Vita đã phần nào nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người xem trên Bilibili. Đa số họ đều tỏ ra bất ngờ cũng như nể phục khả năng lập trình và kĩ năng giảng dạy của Vita khi tuổi đời còn rất trẻ. Có người thậm chí còn đùa rằng: “Hồi bằng tuổi cậu nhóc này, tôi mới chỉ biết bật tắt máy tính mà thôi”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư cho lĩnh vực chế tạo robot và trí tuệ nhân tạo (AI). Theo kế hoạch phát triển AI năm 2017, các khóa học viết code, lập trình cần được đưa vào giảng dạy ngay từ bậc tiểu học và trung học cơ sở. Năm 2018, Trung Quốc đã xuất bản cuốn sách giáo khoa bộ môn AI đầu tiên trong lịch sử, tỉnh Chiết Giang thậm chí còn đưa môn lập trình vào kì thi đại học.
Nếu phụ huynh không có chuyên môn về code, họ có thể gửi con em vào những học viện, công ty lập trình - hiện đang phát triển như vũ bão cả về số lượng lẫn chất lượng tại Trung Quốc. Đây là những lựa chọn hợp lý, đặc biệt là đối với những gia đình trung lưu đang mong muốn con em mình được trang bị kiến thức và kĩ năng tốt nhất.
Theo ước tính của Analysys, thị trường giáo dục lập trình cho trẻ em tại Trung Quốc được định giá hơn 1 tỉ USD trong năm 2017 và có thể cán mốc hơn 5 tỉ USD trong năm 2020. Ông Pan Gongbo, quản lý trung tâm đào tạo lập trình Tongcheng Tongmei ở Bắc Kinh cho biết: “Bộ môn lập trình được đưa vào giảng dạy trong trường công ở Trung Quốc khá muộn so với các quốc gia phát triển khác. Vì thế, những trung tâm bên ngoài sẽ là giải pháp bù đắp cực kỳ thích hợp”. Được biết, học viên trẻ nhất tại trung tâm này mới chỉ có 3 tuổi mà thôi.
Với những học viên dưới 6 tuổi (tức là còn chưa đi học tiểu học), trung tâm sẽ sử dụng chương trình học đặc biệt, bao gồm rất nhiều hoạt động như chơi xếp hình Lego để truyển tải kiến thức một cách tự nhiên và dễ nhớ nhất. Ông Pan khẳng định trẻ em 6 - 7 tuổi hoàn toàn có thể bắt đầu học viết code một cách bài bản được rồi: “Đừng bao giờ đánh giá thấp tốc độ tiếp thu kiến thức của trẻ. Trong một số khóa học ở trung tâm tôi, các em thậm chí học còn nhanh cả người lớn nữa đấy”.
Các trung tâm, học viện đào tạo lập trình đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Ví dụ như trường hợp của Ji Yingzhe, học viên 10 tuổi, hiện đã theo khóa Python được nửa năm. Trước đó, cậu nhóc này đã học một lớp lập trình robot cơ bản dài hạn, mà theo cậu đánh giá là quá đơn giản: “Các câu lệnh, dòng code đã được biết sẵn hết rồi. Nhiều vụ của em chỉ là sắp xếp lại chúng mà thôi”.
Phụ huynh của Ji quyết định cho con đi học lập trình vì cậu bé dành quá nhiều thời gian để chơi điện tử. Bên cạnh đó, họ cũng đặt ra luật mới: Cậu chỉ được phép chơi những trò chơi mà do chính cậu tạo ra. Hiện tại, Ji đã gần hoàn thành phiên bản đơn giản hóa của tựa game chống cổng đình đám Plants vs Zombies.
Trở lại với Vita, hồi tháng 11 vừa qua, cậu đã tham gia một cuộc thi lập trình cho học sinh tiểu học, được tổ chức bởi Hiệp hội Công nghiệp Máy tính Thượng Hải. Để chuẩn bị cho cuộc thi này, cậu đã dành ra 2 tháng để học viết code theo ngôn ngữ C++. Cùng với sự giúp sức của bố, Vita đã 1 mạch đi thẳng đến vòng chung kết với tư cách là thí sinh nhỏ tuổi nhất.
Về kế hoạch trong tương lai, anh Zhou khẳng định vẫn sẽ ủng hộ lựa chọn của con, và luôn nhắc nhở con nên khiêm tốn, nhìn nhận vào thực tế thay vì mơ mộng bay bổng: “Tôi vẫn thường nói với con rằng những gì con làm được hiện nay là rất tốt, nhưng vẫn chưa phải thành tựu quá to lớn. Đây mới chỉ là bước chân đầu tiên trong thế giới lập trình mà thôi”.
Dù sao thì đối với 1 cậu bé 8 tuổi, việc có hàng nghìn fan theo dõi và lắng nghe mỗi ngày vẫn là một trải nghiệm cực kì thú vị: “Lập trình là một quá trình dài hơi chứ không thể hấp tấp một sớm một chiều. Nhưng nếu muốn, bạn có thể download ứng dụng Swift Playgrounds và bắt đầu ngay từ hôm nay”.
Theo abacusnews