Chiều 31/8, Công an TP Hà Nội thông tin về vụ việc phát hiện số lượng lớn sản phẩm thuốc được cho là có thể “điều trị COVID-19” nhưng lại không có xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, sáng cùng ngày, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa trên đường Đại Mỗ.
Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm hộp thuốc được cho là có thể điều trị COVID -19.
Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng điều trị COVID-19 không có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: CACC |
Thống kê cho thấy số thuốc bị thu giữ gồm hai loại: 40 viên/hộp và 10 viên/hộp. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất.
Quá trình làm việc, chủ cơ sở là ông TVA (40 tuổi, trú tại Hải Dương) không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc số thuốc trên.
Ông A. khai nhận bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuốc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng/hộp, tùy loại. Sau đó, ông A. rao bán lại trên mạng với giá gấp hai lần để kiếm lời.
Trung tá Nguyễn Thành Trung, phó đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội, cho biết lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều người đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để qua mắt lực lượng chức năng, những người này thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa.
Theo Pháp luật TPHCM