Mới đây, một quản lý cấp cao tại một công ty IT tại Mỹ đã phải hầu tòa với tội danh chiếm đoạt hơn 6 triệu USD tài sản của công ty - thông qua việc tạo một công ty ma chuyên về công nghệ để lừa tiền công ty thông qua các dịch vụ ma. Tuy nhiên, mặc dù đã có những thủ đoạn tinh vi cũng như rất cẩn thận xóa dấu vết, cuối cùng hung thủ lại bị chính metadata của Microsoft Word vạch trần.
Cụ thể, tay quản lý này tên là Hicham Kabbaj, hiện nay 48 tuổi, đã từng làm việc cho công ty IT tại Manhattan, Mỹ. Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt hơn 6 triệu USD của công ty, Kabbaj sẽ phải đối diện với mức án lên tới 20 năm tù giam. Phiên tòa xét xử chính thức sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Theo như thông tin điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 5 năm 2019, lợi dụng sự tin tưởng của công ty, Kabbaj đã chiếm đoạt hơn 6 triệu USD công quỹ thông qua hoạt động mua bán các sản phẩm và dịch vụ ma.
Cụ thể, vào năm 2015, Kabbaj đã tạo ra một công ty ma tên Interactive System - một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ IT. Công ty này, trên giấy tờ, đảm nhận việc cung cấp vật tư và dịch vụ cho nạn nhân của Kabbaj, bao gồm 16 server cùng với hệ thống tường lửa. Bên cạnh đó là chi phí bảo trì hàng tháng cho các dịch vụ mạng tại công ty.
Tuy nhiên, thực tế là chẳng có bất kỳ dịch vụ nào được công ty ma nói trên cung cấp, và toàn bộ chi phí đều chảy hết vào túi riêng của Kabbaj.
Mặc dù đã rất cẩn thận che giấu dấu vết phạm tội của mình, gã quản lý gian manh này vẫn bỏ sót 4 hóa đơn dưới dạng file .doc của Microsoft Word trên tổng số 52 hóa đơn trong suốt 4 năm. Và phần metadata của những file Word này, dưới mục tác giả, đề tên của Hicham Kabbaj.
Tháng 9 năm 2019, lực lượng điều tra đã tìm ra bằng chứng cho các sai phạm của Kabbaj, nhờ đó buộc gã quản lý gian manh này phải ra trước vành móng ngựa.
Hiện tại, để được giảm án, Kabbaj đã chấp nhận trả lại cho công ty tổng số tiền mình đã chiếm đoạt là 6.051.453 USD, cùng với đó là hai căn hộ tại Florida và New Jersey - tất cả đều là tài sản gã có được từ chiêu trò lừa đảo này.
Thế mới thấy, dù chiêu trò lừa đảo có cẩn thận và tinh vi đến đâu, đôi khi vẫn tồn tại những kẽ hở hết sức khó ngờ - mà trong trường hợp này chỉ đơn giản là một dòng metadata hết sức nhỏ nhoi của Microsoft Word.
Theo GenK