Vẫn e ngại khách phía Nam
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tại buổi tiếp công dân cuối tuần qua, cho hay, sau khi tổ chức thành công hai tour đi Cần Giờ, Củ Chi tri ân lực lượng tuyến đầu, du lịch TP đang khảo sát mở rộng sản phẩm tour như đường thủy ở quận 5, quận 7 trong tháng 10. Từ tháng 11 trở đi, TP.HCM sẽ mở rộng đưa khách du lịch đi các tỉnh.
“Chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo một số địa phương, như Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Tỉnh đã thống nhất nhận khách từ TP.HCM tiêm 2 đủ mũi vắc xin, trước khi đi có xét nghiệm âm tính, đến sân bay đi thẳng lên Hà Giang, không phải cách ly”, bà cho biết.
Tại buổi tọa đàm về du lịch an toàn do Hội Lữ hành Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức mới đây, ông Hồ Đức Phú, Giám đốc chi nhánh Hanoitouisrt tại TP.HCM, cũng cho biết, các tour đi Đông Bắc, Tây Bắc rất được ưa chuộng vào dịp cuối năm.
Ruộng bậc thang lúa chín vàng ở các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc rất hấp dẫn du khách |
Tuy nhiên, doanh nghiệp lữ hành phía Nam cũng không dám triển khai bởi lo ngại dọc đường đi gặp bất trắc. Chẳng hạn, Hà Giang đồng ý và rất nhiệt tình đón khách, nhưng muốn đến Hà Giang thì phải qua Tuyên Quang. Giả sử khi đoàn đến Tuyên Quang, tỉnh lại không cho qua với lý do đang có dịch, doanh nghiệp phải xử lý như thế nào. Nếu quay lại sẽ thiệt hại lớn.
Do đó, ông Phú cho rằng, các đơn vị lữ hành phía Nam rất cần có thông tin chính thống và đồng bộ từ các địa phương thì mới có thể triển khai tour, cung cấp sản phẩm cho khách. Hiện nay, do dịch bệnh nên kết nối hai miền đứt đoạn. Ông lo lắng, nhiều đối tác tin cậy trước đây công ty từng hợp tác, nay đã dừng hoạt động. Công ty không nắm được sản phẩm nào đang triển khai, địa phương nào đưa khách đến được, cơ sở nào cung cấp dịch vụ an toàn, đủ điều kiện hoạt động.
Các địa phương có gây khó dễ gì không, đặc biệt khi một số tỉnh vẫn có tâm lý e ngại khách miền Nam là băn khoăn của vị giám đốc này.
Đó là chưa kể, kết quả xét nghiệm PCR chỉ có giá trị trong 72 giờ cũng khiến các doanh nghiệp lo ngại. Lý do là bởi, khi tiến hành test đã mất 1 ngày, phía lữ hành và khách du lịch chỉ còn 2 ngày, nếu thời gian tour dài hơn thì khách có phải test lại không, làm ở đâu? Bởi, xét nghiệm lại thì rất tốn kém, giá tour đội lên cao.
Cần xác nhận từ các địa phương
Việc có nơi sẵn sàng đón khách, có nơi chưa khiến các doanh nghiệp du lịch bị động, chưa thể triển khai các chương trình tour do chưa biết kế hoạch của địa phương như thế nào và không có luồng xanh để khách di chuyển.
Đơn cử tại Phú Thọ, khách ngoại tỉnh đến đây ngoài tiêm đủ vắc xin, xét nghiệm PCR âm tính vẫn phải cách ly 7 ngày. Hay tới thời điểm này, Yên Bái chưa có chủ trương mở cửa đón khách, Tuyên Quang cũng không có ý kiến gì,... thì việc triển khai các tour Đông Bắc, Tây Bắc mùa du lịch cao điểm tới đây rất khó khả thi.
Từ tháng 11 trở đi, TP.HCM sẽ mở rộng đưa khách du lịch đi các tỉnh (ảnh minh họa) |
Tại Lào Cai, quy định mới nhất của địa phương này là với khách đến từ vùng có nguy cơ rất cao (như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam) sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày, với khách đến từ vùng có nguy cơ cao cũng phải cách ly 7 ngày tại nhà. Đó là với khách đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh không quá 6 tháng. Riêng người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vẫn cách ly 14 ngày.
Bà Lê Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, nhìn nhận, sau 5 tháng nằm im, nay khởi động lại các DN cần có sự chuẩn bị và phương án đảm bảo chắc chắn. Nhà chức trách đã có quy định về tiêu chí an toàn với khách đi máy bay, du lịch cũng có thể tham khảo để áp dụng.
Trước mắt, khó có thể mở rộng tour đại trà, mà chỉ áp dụng với khách đến từ vùng an toàn, đã tiêm đủ liều vắc xin. Với các điểm đến an toàn, cần có xác nhận của các địa phương trong việc sẵn sàng tham gia. “Nếu không thì mọi việc ta bàn, mọi kế hoạch đưa ra gia đều không thực hiện được do vướng mắc trong thực tế”, bà Thảo nói.
Do đó, quan trọng nhất là các DN du lịch rất mong có được thông tin xác nhận của địa phương trong việc mở đón khách ngoại tỉnh, các điều kiện và tiêu chí an toàn kèm theo, để phía lữ hành biết còn tính toán tổ chức. Và đã làm thí điểm phải đảm bảo thành công để nhân rộng ra cho các địa phương, doanh nghiệp khác.
Theo bà Phạm Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Đức Minh, để tổ chức được tour thời điểm này là rất khó khăn. Khâu chuẩn bị càng kỹ càng bao nhiêu càng giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và đơn vị tổ chức bấy nhiêu. Chính vì vậy, trước khi bán sản phẩm đến khách, nên có một nhóm các DN đi khảo sát trước và đồng lòng thí điểm bán một sản phẩm tour.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho rằng, khôi phục du lịch trong bối cảnh “sống chung với dịch” là xác định có thể vẫn xuất hiện một số F0. Vì thế, du lịch phải đảm bảo 5 nội dung an toàn: thị trường an toàn, tuyến điểm an toàn, chuỗi dịch vụ an toàn, tổ chức và điều hành an toàn, kiểm soát tour an toàn. Trước mắt, cần xây dựng 1-2 tuyến điểm an toàn, duy trì thường xuyên là thành công.
Bảo An
Nơi đóng, nơi mở dân đi du lịch kiểu gì để qua chốt
Hàng chục địa phương công bố mở cửa đón khách du lịch từ tháng 10, song, một số tỉnh thành vẫn im lìm. Việc di chuyển khó khăn khiến các tour khó triển khai, khi "đùng một cái", địa phương tuyên bố đóng cửa nếu xuất hiện ca F0.