Ngoài thời gian lao động, học tập, Lê Văn Luyện nghiên cứu về những bài thuốc cổ truyền của dân tộc và tìm hiểu về cách châm cứu, bấm huyệt…
“Kính gửi Thân nhân người bị hại!
...Thật khó để cháu có thể cầm cây bút trên tay và viết những dòng chữ đầy tội lỗi của mình lên đây. Cháu đã phải suy nghĩ rất nhiều đêm, bao lần trằn trọc để quyết định viết bức thư này gửi lời xin lỗi đến ông và tất cả thân nhân gia đình ông.
…Cháu biết khi cầm bức thư này, mọi người sẽ lại căm phẫn cháu, chửi rủa thậm tệ cái thằng Lê Văn Luyện và muốn cầm dao băm vằm nó ra cho hả giận. Và cháu cũng nghĩ, mọi người sẽ vứt lá thư này đi vì khinh bỉ cháu là thằng… giết người”.
… Đó là những dòng thư đầy ăn năn, hối hận của phạm nhân đã từng gây ra vụ thảm sát kinh hoàng tại phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, làm rúng động dư luận xã hội. Chỉ vì cướp của mà Lê Văn Luyện đã ra tay sát hại vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích, cùng đứa con của họ khi mới tròn 18 tháng tuổi… Mặc dù gây ra tội ác tày trời, nhưng may mắn khi không phải nhận hình phạt cao nhất của pháp luật, bởi lúc phạm tội Luyện là người chưa thành niên, được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật Nhà nước Việt Nam.
Lê Văn Luyện đang cải tạo giáo dục tại Trại giam số 3 |
Chúng tôi đến Trại giam số 3, nằm trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An gặp phạm nhân từng được dư luận xã hội gọi với cái tên “sát thủ Lê Văn Luyện” vào giữa trưa hè chói chang nắng. Cái nắng của miền Trung thật khắc nghiệt, ngột ngạt và khó chịu đến nhường nào. Ở đây, ngoài cái nắng như đốt da, cháy thịt còn có những cơn gió Lào bỏng rát…
Mặc dù đã hơn 4 năm rồi, nhưng vẻ bề ngoài của Luyện vẫn không hề thay đổi so với thời điểm gây án … Vẫn bộ lông mày dữ tợn không lẫn vào đâu được như lần đầu tôi thấy Luyện ở phiên tòa. Vẫn cái ánh mắt sắc lẹm ném vào hư không và giọng nói cụt ngủn như “phớt” đời mang “thương hiệu” Lê Văn Luyện.
Hơn 4 năm rồi Luyện phải trả nợ cuộc đời phía sau song sắt. Ngần ấy thời gian, dư âm của vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cũng dần chìm vào quên lãng. Nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng trong đêm đẫm máu đó dường như vẫn còn nguyên trong tâm trí của phạm nhân này.
Dù đã được giải thích kỹ càng về lần gặp mặt với chúng tôi, nhưng Lê Văn Luyện vẫn tỏ ra cố chấp, không chịu hợp tác. Ngay khi vừa đặt câu hỏi, thì chúng tôi nhận được một cái nhếch mép, kèm theo cái liếc mắt đầy khó chịu. Luyện thủng thẳng nói: “Em thấy khó khăn… khó cải tạo...”. Tôi hỏi vì sao lại khó cải tạo, thì Luyện đưa ra một loạt lý do rất “đặc biệt”. Trong đó có một lý do khiến chúng tôi nóng cả mặt, đó là do “ngứa mắt” với một số phạm nhân nói xấu cán bộ, nói xấu chế độ, nên mới đánh nhau.
Để thể hiện bản tính ngông cuồng, bất cần Luyện ngồi im. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua vẫn lặng thinh, miệng vẫn ngậm chặt, hỏi gì cũng chẳng nói... Hai hàm răng cứ nghiến vào nhau, thi thoảng phát ra âm thanh ken két đến sởn “da gà”… Cả căn phòng vỏn vẹn chục mét vuông vốn đã hầm hập nóng lại càng trở nên ngột ngạt hơn… Sự căng thẳng đẩy lên đỉnh điểm khi Luyện cứ trợn trừng mắt nhìn lên trần nhà và chúng tôi tưởng phải ra về mà không thể thực hiện cuộc phỏng vấn. Thế rồi đột nhiên Luyện mở miệng.
Những ngày đầu vào trại giam, Luyện chỉ biết ngồi thu lu một chỗ mà khóc vì nhớ bố mẹ |
Y kể những điều mà bấy lâu nay đã cất kín ở trong lòng… Luyện bộc bạch, những ngày đầu vào trại giam chỉ biết ngồi thu lu một chỗ mà khóc vì nhớ bố mẹ… Nhưng cho dù có khóc cạn nước mắt đi nữa thì cũng chẳng thay đổi được số phận. Luyện từng nghĩ đến chuyện “vượt ngục” và cũng từng hành động, nhưng đều… thất bại. Không đào tẩu được, Luyện càng quẩn quanh hơn về tội ác và sự tàn độc của mình đã gây ra trong quá khứ… Đêm đêm trong giấc ngủ, y chỉ mơ thấy máu và những cảnh chém giết rùng rợn…
Luyện kể, có lần mơ thấy mình đi cướp, cầm súng đi bắn nhau, rồi bị người ta truy đuổi. Chỉ mơ đến đó thôi là Luyện bật dậy, người ướt sũng mồ hôi, mắt thao láo nhìn lên trần nhà và không thể nào ngủ tiếp được nữa…
“Lúc đấy em không có suy nghĩ gì, em như con thú, khi mới đầu vào em cũng thấy sợ cũng muốn bỏ dao xuống nhưng mà tâm trí nhưng đang muốn lấy một lý do nào đó để giết người khi nghe thấy tiếng cười của nạn nhân, lúc đấy, thú tính trong người của em nó bộc phát. Cảm giác như người ta cười khinh mình. Rồi sự việc đã xảy ra như thế..." - Lê Văn Luyện cúi gằm mặt giọng lí nhí.
Chúng tôi hỏi Luyện, về sau còn gặp những cơn ác mộng tương tự thế không? Luyện nhoẻn miệng bảo: Dạ không ạ! Từ ngày ít buôn chuyện linh tinh với phạm nhân khác và chịu khó đọc sách Kinh Phật thì em không mơ thấy những điều kinh khủng đó nữa... Cũng nhờ đọc sách Phật nhiều, nên giờ em mới hiểu ra đạo lý của cuộc sống, làm sao sống cho thanh thản, nhẹ nhàng…
Lê Văn Luyện luôn tỏ ra "cứng đầu" khi trao đổi với phóng viên |
Trong số những cuốn sách về Kinh Phật, Luyện thích và nhớ nhất một câu nói: “Lấy củi đốt trời chi cho nhọc xác”. Luyện bảo, hôm trước có một nhà báo nói với em rằng: Người ta cho một thỏi vàng, mình không nhận thì thỏi vàng đấy là của ai? Ý nghĩa của câu nói này là những lời nói đó chửi mình, mình không nhận thì lời nói đấy vẫn là của người phát ra.
Sau những câu nói đầy triết lý, Luyện trải lòng: “Em rất thích xem những bộ phim về Bác Hồ…”. Sở thích của Luyện thực sự khiến chúng tôi bất ngờ, bởi nó được phát ra từ chính cái miệng của một tội phạm từng giết người không ghê tay. Luyện bảo, ước mơ từ thở nhỏ là trở thành một người nghĩa khí, thích được là người giỏi giang.
Thế nhưng, chưa bao giờ Luyện có được sự tin tưởng của bố mẹ và cũng chưa bao giờ y nhận được một lời động viên, khích lệ nào từ những đấng sinh thành. Thay vào đó là những lời mắng chửi, khiến Luyện chán nản và có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống... “Âu cũng là lẽ thường tình, vì em đã làm mất lòng tin trong mắt bố mẹ. Nhưng nếu bố mẹ động viên em, thì có lẽ em đã sống khác và sẽ không phải khổ sở như thế này” - Luyện cay đắng nói.
Người xưa từng nói, “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”… Có lẽ trong trường hợp này rất đúng với Lê Văn Luyện, bởi giá như Luyện học hành chăm chỉ, tu luyện đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh, biết “thương người như thể thương thân”, thì đâu có ra tay sát hại cả một gia đình…? Và có trách, thì trước hết Luyện hãy tự trách mình, tự vấn lương tâm và sám hối những tội ác mà mình đã gây ra… Có như vậy thì… “đời đâu trách Luyện”, xã hội đâu có căm ghét, khinh bỉ và pháp luật cũng chẳng thể trừng trị… được Luyện?
Thôi thì mọi việc cũng đã lỡ rồi, có làm mọi cách thì cũng chẳng kéo được thời gian quay trở lại. Có nói, thì hãy nói về hiện tại, nói về tương lai và những việc làm để sửa chữa lỗi lầm, trở về cuộc sống thực, với tấm lòng hướng thiện… Và giả sử đến ngày trở về, đối diện với xã hội thì Luyện sẽ làm gì?
Câu hỏi của chúng tôi khiến y cúi gằm mặt, giọng trầm hẳn xuống: “Em chưa ạ, bây giờ em chỉ hình dung có về nhà sau đó mình xin phép bố mẹ mình đi tu. Hoặc là ở lại chăm sóc bố mẹ nếu không có ai chăm sóc. Không thì mình tìm chỗ nào trong rừng hoặc một chỗ nào đó sống một mình ở đấy cho thanh thản. Bây giờ mà được em chỉ muốn đi tu luôn thôi”.
Có lẽ, ít ai có thể tin rằng trong những ngày tháng chấp hành án phạt tù tại Trại giam số 3, ngoài thời gian lao động, học tập, Lê Văn Luyện lại nghiên cứu về những bài thuốc cổ truyền của dân tộc và tìm hiểu về cách châm cứu, bấm huyệt… Hôm chúng tôi đến, cũng là ngày mà Ban giám thị Trại giam nhận được một loạt sách y học của một vị bác sĩ tận trong An Giang gửi vào tặng cho Luyện.
Biết tin, Luyện vô cùng cảm kích trước hành động đầy tình người và sự bao dung của vị bác sĩ đó. Luyện thổ lộ, vì muốn sửa chữa những sai lầm của mình, lại thấy có nhiều người ốm đau, khó khăn, nên muốn được giúp người…
Luyện nói: “Từ khi em bị kỷ luật, cán bộ vào bảo vắt tay lên trán nằm suy nghĩ đi. Mấy ngày đầu em vẫn thấy uất ức, chả biết làm gì đi đấm tường. Mấy ngày sau nằm vắt tay lên trán nằm suy nghĩ mới biết lỗi tại mình. Sau khi ra đây gặp được anh Dương (phạm nhân cùng đội) đưa sách Phật cho em đọc, ngồi đọc sách phật em mới hiểu. Anh Dương bảo em là mày ăn chay đi, đọc sách Phật nhiều vào”.
Do được cảm hóa, giáo dục của cán bộ trại giam, Luyện đã ăn năn, hối hận về hành vi của mình. Điều này được thể hiện rõ trong lá thư Luyện viết nhiều đêm ròng gửi cho thân nhân người bị hại… Luyện tâm sự: “Đã nhiều lần cầm cây bút lên rồi lại đặt xuống vì em sợ những điều viết ra sẽ khơi lại nỗi đau của gia đình nạn nhân. Nhưng em đã viết, viết bằng tất cả sự chân thành, bằng tất cả những điều day dứt nhất. Dù biết rằng, có thể khi nhận được lá thư này của em, họ sẽ lại căm phẫn em, chửi rủa em thậm tệ và khinh bỉ em là thằng giết người, nhưng em vẫn viết để mong một lần nhận được sự tha thứ của họ”.
Kính gửi thân nhân người bị hại!
...Cháu thật sự xin lỗi! Xin lỗi vì đã gây ra đau khổ cho gia đình và làm mất đi những người thương yêu nhất của ông… Cháu xin lỗi tất cả mọi người vì những hành vi tội lỗi của mình, dù biết cháu có viết hàng ngàn vạn câu xin lỗi cũng không thể thay đổi được quá khứ đau thương ấy… Nhưng cháu viết những lời này từ trong thâm tâm của một phạm nhân đầy tội lỗi, day dứt lương tâm, khi mà hằng ngày hằng giờ không muốn nhắc và nghĩ về quá khứ kinh hoàng của mình.
… Hằng đêm, mỗi khi nhắm mắt là hình ảnh chém giết lại hiện lên trước mặt cháu… Những cơn ác mộng mô tả lại những hành vi tội ác của bản thân, như là quả báo khi mà cháu bị người khác cầm dao, cầm súng đuổi theo chém, giết. Cháu xin lỗi vì không thể nói nhiều hơn được nữa và mỗi khi tỉnh giấc vì ác mộng là người cháu là ướt sũng mồ hôi không thể nào ngủ lại được. Cứ thế ngồi nghĩ cho đến sáng, tại sao mình lại đi giết người và sao mình lại nhẫn tâm đến vậy?
… Cháu xin lỗi vì lúc đó cuống quá, cháu không thể nào kiểm soát được bản thân mình nữa. Cháu như con chó dại vậy, thấy người là lao đến cắn… Cháu rất ân hận bản thân mình tại sao lại không học hành cho đến nơi đến chốn, mà lại đi tụ tập đàn đúm, lêu lổng để rồi đi hại người khác, khiến gia đình người ta tan cửa nát nhà và cả gia đình cháu cũng vướng vào vòng lao lý.
… Cháu hận bản thân cháu. Nhiều lần cháu đã nghĩ “mày nên chết đi Luyện ạ, sống trên đời chỉ mang cái nhục về cho gia đình và những nỗi đau cho người khác. Mày không đáng có mặt trên cõi đời nữa”. Mỗi lần nghĩ như vậy thì những câu hỏi “Mày chết đi thì người ta có sống lại được không? Mày có thể làm cho bố mẹ mày vui hơn khi họ mất đi đứa con mà họ yêu thương?...
… Những ý nghĩ ấy cứ xoay tròn ở trong đầu cháu. Và nếu cháu chết đi mà có thể làm cho cô, chú và em sống lại thì cháu xin được chết, dù cái chết đó thế nào cháu cũng xin chịu…
… Bây giờ cháu đang sống nhờ Đảng và Nhà nước đã khoan hồng độ lượng tha chết cho cháu, và đang giáo dục cháu để sau này là người có ích cho xã hội. Cháu hứa cháu sẽ cải tạo tốt để sửa chữa, để đánh đuổi con quỷ trước đây đã ngự trị, điều khiển cháu. Cháu sẽ làm hết sức mình để trở thành một con người lương thiện.
… Cuối thư, cháu ngàn lần xin lỗi và mong ông hãy tha thứ cho cháu
Theo VOVGT