Ngư Thủy là xã bãi ngang của huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Nhờ các mô hình sinh kế hỗ trợ cho các hộ nghèo đúng cách, không ít hộ tại đây đã viết đơn xin thoát nghèo. Hộ gia đình bà Trần Thị Thi, ở thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy, là một trong số đó.
Bà Thi có 5 đứa con, chồng mất sớm, gánh nặng gia đình đè lên vai người phụ nữ này. Trước hoàn cảnh đó, xã Ngư Thuỷ quyết định hỗ trợ bà 14 triệu đồng, tạo điều kiện cho bà tham gia tập huấn và xây dựng mô hình nuôi gà lai chọi với quy mô 200 con/năm.
Người phụ nữ này không đơn độc khi thực hiện mô hình bởi luôn có sự hỗ trợ tích cực của chị em phụ nữ trong thôn, trong xã. Khi kinh tế gia đình dần ổn định, bà tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.
Tại xã Ngư Thủy, việc hỗ trợ cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo không dàn trải, cào bằng theo một công thức mà được triển khai trên cơ sở thường xuyên rà soát thực tế để có phương án phù hợp. Xã chú trọng xây dựng mô hình sinh kế bền vững gắn với phát triển kinh tế biển; tuyên truyền, vận động bà con xuất khẩu lao động, tìm việc làm...
Bình quân mỗi năm, xã xây dựng 2 mô hình kinh tế cho các hộ nghèo; phối hợp với các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà cho 2-3 hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Hiện nay, xã đang triển khai hỗ trợ bò giống cho 71 hộ nghèo, cận nghèo nhằm tạo sinh kế để các hộ vươn lên thoát nghèo.
Tại xã Kim Thủy, thực hiện công tác giảm nghèo, xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con đẩy mạnh phát triển sản xuất. Người dân được vận động trồng rừng, bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Lãnh đạo xã linh hoạt vận dụng các nguồn vốn để hỗ trợ bà con phát triển các mô hình sinh kế theo hướng thiết thực, hiệu quả và xây dựng công trình phúc lợi, nhà ở cho người dân. Một số nơi thiếu đất sản xuất, địa phương vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, đi xuất khẩu lao động...
Từ năm 2023 đến nay, từ các nguồn hỗ trợ, 91 hộ nghèo, cận nghèo tại xã Kim Thủy được hỗ trợ tiền mua bò giống; trên 130 hộ nghèo thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề (với mức 10 triệu đồng/hộ); trên 100 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ làm nhà ở... Đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn xã Kim Thủy còn 494 hộ, giảm 100 hộ (chiếm 7,62%) so với đầu năm 2022. Phấn đấu đến cuối năm 2024, xã tiếp tục giảm thêm 90 hộ nghèo.
Toàn huyện Lệ Thủy cuối năm 2023 còn có gần 1.900 gia đình thuộc diện hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo là 4,47%. 23/26 xã, thị trấn tại huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%. Phấn đấu đến cuối năm 2024, số hộ nghèo của huyện giảm về còn 1.520 hộ, chiếm tỷ lệ 3,59%. Với hộ cận nghèo, cuối năm 2023 huyện còn 1.452 hộ, chiếm tỷ lệ 3,43%, dự kiến đến cuối năm 2024 giảm xuống còn 1.271 hộ, chiếm tỷ lệ 3%.
UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tổng nguồn lực huy động, bố trí cho thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 (không bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước chi cho các chính sách giảm nghèo thường xuyên) cho huyện Lệ Thủy là 53 tỷ đồng.
Huyện ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; duy tu, bảo dưỡng...
Từ nguồn vốn của Chương trình, năm 2024, huyện đã và đang triển khai đầu tư và duy tu bảo dưỡng 11 công trình giao thông, giáo dục tại 2 xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc. Bên cạnh đó, huyện cũng đang triển khai thực hiện 6 mô hình gồm nuôi bò lai sinh sản, nuôi gà lai chọi, chăn nuôi bò cái lai sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi ngan đen thương phẩm… Tổng cộng có 184 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia.
Tại huyện này, 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh; 100% người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu phù hợp, được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, 100% lượt học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo; 100% người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ mua thẻ BHYT…