Tốt nghiệp ĐH Webster, Mỹ với hai tấm bằng cử nhân ngành Khoa học, tài chính và Nghệ thuật, quản lý, kỳ thủ Lê Quang Liêm cho rằng không cần phải bỏ đam mê này mới có thể làm tốt đam mê kia. 

Liêm cho biết trong thời gian sẽ vẫn tiếp tục đi song song hai con đường cờ vua và tài chính.

{keywords}
Lê Quang Liêm vừa tốt nghiệp ĐH Webster (Mỹ) hồi tháng 5/2017. Ảnh: NVCC

PV: Được biết trong thời gian học ở ĐH Webster, Liêm vẫn thường xuyên tham gia các giải đấu cờ vua quốc tế và trong khu vực. Liêm đã sắp xếp thời gian như thế nào giữa việc học và việc luyện tập, thi đấu?

- Lê Quang Liêm: Lịch làm việc chung trong tuần của tôi là từ thứ Hai đến thứ Năm dành cho học chuyên môn, còn lại 3 ngày cuối tuần dành cho việc luyện tập cờ vua.

Các trường ở Mỹ nhìn chung rất coi trọng hoạt động thể thao. Ở trường của Liêm, thể thao được nhà trường chú trọng như thế nào? Những sinh viên chơi thể thao có nhận được chính sách, ưu đãi gì đặc biệt không?

- Nhiệm vụ chính của tất cả sinh viên trong các trường đại học ở Mỹ là phải hoàn thành việc học tập bằng năng lực thực sự của mình chứ không có bất kỳ sự ưu tiên nào khác. Mặc dù là đội trưởng đội tuyển cờ vua của trường, nhưng tôi vẫn phải hoàn thành đầy đủ bài tập của các giáo sư giao, phải tham dự đầy đủ các kỳ thi và không có bất kỳ ưu tiên nào khác. Do đó, tôi phải có kế hoạch phân bố và sử dụng thời gian hợp lý thì mới có thể đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ như vậy. 

Thuận lợi khi học tập tại Mỹ là các giáo sư luôn linh động giải quyết cho việc thi trước/sau vài ngày so với kế hoạch nếu mình có yêu cầu riêng. Điều này giúp tôi dễ dàng sắp xếp lịch để hoàn thành bài thi, bài tập đúng thời hạn quy định.

Liêm có thể chia sẻ về những hoạt động ngoại khóa mà bạn đã tham gia trong và ngoài trường đại học?

- Tôi tham gia vào Đội tuyển cờ vua của ĐH Webster từ năm 2013, và đã cùng đồng đội chiến thắng trong giải tranh ngôi vô địch đồng đội của các trường ĐH Mỹ liên tục suốt 4 năm, từ năm 2013 - 2017. Tôi là Đội trưởng đội tuyển cờ vua trường ĐH Webster từ năm 2014 - 2017. Ngoài ra, tôi tham gia giải cờ vua tại Mỹ mang tên “Giải triệu phú” năm 2015 và đoạt hạng á quân.

{keywords}

Lê Quang Liêm từng giành học bổng toàn phần của ĐH Webster. Ảnh: NVCC

Về hoạt động chuyên môn, tôi đã tập hợp một số sinh viên ngành Tài chính, thành lập CLB Tài Chính và Đầu tư trực thuộc ĐH Webster. Tôi được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch CLB này. CLB thường xuyên tổ chức các sinh hoạt định kỳ hàng tháng, mời một số chuyên gia nổi tiếng đến nói chuyện với sinh viên, tạo môi trường cho các sinh viên ngành tài chính được tiếp cận với hoạt động thực tế. Ngoài ra, tôi cũng từng tham dự hội nghị chuyên ngành tài chính (Sohn Investment Conference) năm 2016 ở New York để mở mang thêm kiến thức.

Học một lúc 2 chuyên ngành với khối lượng bài vở bằng 2 sinh viên – tại sao Liêm lại có quyết định “tham” như thế?

- Tài chính là lĩnh vực tôi đam mê từ lâu. Trước khi du học Mỹ, tôi đã từng là sinh viên ngành Tài chính của Trường ĐH Sài Gòn. Ngoài ra, tôi nghĩ ngành Quản trị cũng hay và có thể giúp ích cho sự nghiệp sau này.

Bạn thấy sự khác biệt như thế nào giữa môi trường học tập, cách học, cách dạy giữa trường học Mỹ và Việt Nam?

- Điểm khác nhau cơ bản nhất là khả năng tự học và phương pháp học tập. Ở Mỹ, các giáo sư chỉ giới thiệu các kiến thức cơ bản được cập nhật mới nhất theo thực tế phát triển của thế giới, còn sinh viên phải tự tìm tài liệu để đọc là chính, nhưng khối lượng bài tập phải làm tại nhà để nộp thì rất nhiều mà nếu thiếu kiến thức thì không thể làm được. Điều này buộc sinh viên phải thường xuyên ‘update’ kiến thức và các xu hướng mới nhất liên quan đến chuyên ngành học của mình. Thời gian tự học nhiều gấp đôi, gấp ba thời gian lên lớp nghe giáo sư hướng dẫn.

{keywords}

Lê Quang Liêm sở hữu bộ sưu tập giải thưởng đáng nể: Vô địch thế giới và châu Á nội dung cờ chớp năm 2013, vô địch giải Aeflop mở rộng 2010, 2011 và 3 lần vô địch giải cờ vua quốc tế HDBank (2013, 2015, 2017).

Học sinh, sinh viên Mỹ có nhiều người chơi cờ vua như Liêm không?

- Ở trường Webster có khá nhiều bạn sinh viên, giáo sư thích và thường xuyên chơi cờ vua. Nhìn chung, cờ vua ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ và châu Âu, đặc biệt là trong môi trường học đường. Tuy chưa thể so được với các môn như bóng đá, bóng rổ… nhưng hiện nay nhiều trường đại học ở Mỹ cũng rất quan tâm phát triển môn cờ này.

Ngoài những cái “được”, cờ vua có lấy mất của Liêm điều gì không?

- Tôi không nghĩ về những lựa chọn của mình theo kiểu so sánh "được - mất". Tôi nghĩ rằng ai cũng có những đam mê và thế mạnh riêng, vì vậy chỉ cần mình cố gắng hết sức cho những mục tiêu của bản thân là được rồi.

Ở Việt Nam, thể dục là một môn phụ. Theo bạn, có cần thay đổi tư duy này và thay đổi lại vị trí của môn Thể dục? Nếu có thì việc làm cụ thể là gì?

- Tôi xin phép không trả lời câu này.

Đã có bằng về tài chính, quản trị, Liêm có định tìm một công việc lâu dài trong ngành này không?

- Tôi vừa hoàn thành kỳ thi CFA, một chứng chỉ hành nghề của giới phân tích tài chính có giá trị toàn cầu. Sắp tới, tôi sẽ tham gia thi đấu một số giải cờ vua trước khi tìm một việc làm phù hợp để trải nghiệm những gì mình đã thu thập trong thời gian qua.

Cảm ơn Liêm đã dành thời gian cho Vietnamnet.

  • Nguyễn Thảo (thực hiện)