- Dự thảo luật Báo chí sửa đổi đã nêu những quy định mới liên quan mạng xã hội, trang thông tin điện tử.
Trình dự thảo luật Báo chí sửa đổi trước QH hôm nay, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh việc sửa luật là để triển khai thi hành Hiến pháp 2013, đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền tiếp cận thông tin của báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; bảo đảm báo chí tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Hoàng Long |
Mục đích sửa đổi cũng do luật Báo chí hiện hành đã thực hiện được 16 năm, trong khi báo chí VN đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho hay, báo chí đã tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Nhưng mặt chưa được đáng lo ngại là một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật; xu hướng “thương mại hoá”; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục.
"Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định.
Ông cũng chỉ ra thực tiễn hoạt động báo chí có nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề kinh tế báo chí, tên gọi và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí...
Điều chỉnh nội dung mạng xã hội
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết một trong những điểm mới của dự thảo luật Báo chí sửa đổi là bổ sung các quy định đảm bảo quyền tự do báo chí.
Cụ thể, công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí; công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng và truyền dẫn trên môi trường mạng.
"Việc quy định báo chí, nhà báo, công dân có quyền tiếp cận thông tin, biểu đạt thông tin, tham gia giám sát, phản biện xã hội là đảm bảo thực hiện quyền của công dân theo Hiến pháp 2013", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Một điểm mới khác là phạm vi điều chỉnh, quy định tổ chức và hoạt động báo chí; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.
"Điều này thể hiện luật điều chỉnh hoạt động báo chí, đảm bảo quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo quy định của Hiến pháp 2013, điều chỉnh cả những tổ chức, cá nhân đưa các thông tin có nội dung vi phạm điều cấm của dự thảo luật này lên trang thông tin điện tử và mạng xã hội", Bộ trưởng cho biết.
Theo đó, dự thảo luật bổ sung các nội dung bị cấm thông tin trên báo chí: Lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
Các thông tin bị cấm khác là những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới mà chưa được kết luận, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
Dự thảo luật cũng cấm thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân.
Bên cạnh đó là các thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.
Đặc biệt, dự thảo luật cấm đăng, phát các thông tin nói trên không chỉ trên báo chí, mà trên cả truyền thông xã hội, trang thông tin điện tử thông tin có tính chất báo chí.
Dự thảo luật Báo chí sửa đổi sẽ được các ĐBQH thảo luận tại tổ ngày 14/11 và tại hội trường ngày 26/11.
Chung Hoàng