Ngày trước, tôi không biết vì sao mẹ chồng và em chồng lại không có cảm tình với tôi. Bây giờ thì tôi đã biết, nguyên nhân đơn giản chỉ vì họ tự cho họ cái quyền không cần có cảm tình.

Ngày mới về làm dâu, tôi vẫn còn đơn giản, có sao nói vậy, mẹ chồng tôi kể với mọi người, làm đứa em chồng tôi đứng sau cười thoả mãn: “Con ấy tồ lắm”.

Sau mấy năm trời vâng dạ, không bao giờ dám cãi nửa lời, tôi đã “đóng đinh” trong đầu mẹ chồng tôi một nhận xét mà cứ hễ gặp ai, bà cũng nói ra: “Con vợ thằng Hùng (là tôi) chả biết cái gì, bảo ba cũng ừ, bảo tư cũng gật”. 

Về sau, mỗi lần có công việc, tôi nhẹ nhàng nêu ý kiến, chọn lựa ngôn từ cẩn trọng, nói năng thưa gửi dè dặt, không chạm tự ái của bất cứ ai thì bà lại đưa ra nhận xét tiếp theo: “Con ấy bây giờ giả dối lắm, nói năng khin khít từng chữ một không ai bắt bẻ được. Gớm, tôi thì nhà quê nhà mùa, cứ đơn giản xuề xoà thôi chứ cái kiểu ấy nhà tôi không theo được”. 

Tôi nghe thấy hết mà chỉ biết lặng yên, về nhà cứ thở dài sườn sượt.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Nhưng cô em chồng mới gọi là đáng mặt “giặc Ngô”. Cứ hễ sang nhà tôi là chê. Chị dâu sinh mổ, đau mệt, rồi bận bịu cháu nhỏ, ngay cả những ngày cháu ốm nằm viện, cô cũng không được lời hỏi thăm bao giờ, không nhờ cô giúp được việc gì. Nhưng chê bai tôi thì kinh khủng. 

Mẹ chồng tôi bảo, cô quan tâm đến cháu lắm, cô nhắc nhở mẹ cháu phải sạch sẽ vào, phải gọn gàng lên, tác phong phải nhanh nhẹn lên, thu xếp cho hợp lý. Cô dặn, cho cháu ăn đủ chất, cô bảo uống thuốc thì phải đúng giờ, phải dỗ cháu đừng để cháu uống thuốc xong rồi lại nôn ra. 

Cô nhắc mẹ cháu tập trung chăm cháu, hôm trước thấy mẹ cháu chăm con ốm vẫn đăng ảnh con lên facebook là cô giận. Cô nhắn lại là mấy nay đi qua thấy cháu lại gầy, mẹ cháu xem lại chế độ dinh dưỡng đi, không biết thì hỏi cô, cô bảo cho...

Mấy nay nghe tiếng bà mẹ chồng bên ấy đang trách em chồng tôi không biết nuôi con, đứa trẻ béo phì mà 12 tháng rồi không lẫy, không ngồi thẳng được, còn mẹ nó đi suốt không chăm con cái, cứ về nhà là lại quát osin không chịu nhồi con ăn. 

Mẹ chồng tôi bị “chạm nọc”, lại chạy sang nhà “tâm sự” với tôi: “Cô nó giỏi lắm, đảm đang cái gì cũng biết đấy, nhưng mẹ chồng bên ấy quê mùa dốt nát lại hay đồng bóng, làm khổ cô, cô khóc suốt, phải biết thương cô, mẹ cháu phải nhớ mua quà 20/10 cho cô khỏi tủi... 

Ơ kìa mua thì phải hỏi ý cô xem cô thích gì, chứ mua về không dùng được thì vứt đi à?... Ơ thế mấy nay gọi điện hỏi cô chưa? Khổ, chị dâu chả biết cái gì, việc gì cũng phải nhắc mới làm, nhà người ta thì mẹ chồng, em chồng còn được nhờ chứ nhà này thì...”.

Chê bai trách móc tôi thế, chứ hễ việc gì cũng đến nhà tôi. Em chồng đi học tại chức, mẹ chồng qua xin cho em mấy kỳ học phí. Bố chồng tôi nằm viện, chồng tôi là anh cả phải lo. 

Tôi hoàn toàn không tính toán đến chuyện chia chác hay tranh chấp gì với em chồng nhưng mẹ chồng tôi thì cứ ráo: “Sau này cái gì cũng của các con”. Nhưng sau hôm bố chồng tôi mất, mẹ chồng tôi dặn kỹ: “Nếu mẹ nằm xuống mà không dặn lại, thì các con cứ nhớ, mẹ rất công bằng, trai gái như nhau, cái nhà này của em một nửa”.

Tôi bạc mặt vừa làm việc văn phòng vừa lo buôn bán, vì tôi có cửa hàng tạp hoá trong chợ huyện. Mười năm trời, tôi chu cấp đến khi chồng tôi bảo vệ xong luận án tiến sĩ, thì vợ chồng gắng gượng chuyển nhà ra thành phố cho con cái có cơ hội học hành. 

Vốn liếng khó khăn, tôi dự định bán ngôi nhà dưới quê đi để góp lại mua chung cư thì mẹ chồng tôi dợm: “Để bán rẻ cho cô nó với, có thương cô nó không? Đi làm dâu ở chung ở đụng, mẹ chồng hành hạ”. 

Tôi không hiểu mẹ chồng tôi gọi thế nào là bán rẻ, cả ngôi nhà trị giá tỷ bạc chỉ bán có 500 triệu mà em chồng còn nợ 3 năm nay chưa trả được đồng nào. Tôi nhắc em chồng thì mẹ chồng hét lên: “Tao cắn lưỡi chết ngay bây giờ đấy, cho chúng mày bán nhà tao đi mà lấy tiền chứ, đừng đòi con tao nữa”. 

Chồng tôi thì tốt tính, xuề xoà, thực lòng anh thương tôi nhưng cũng không nói được mẹ và em. Mà chính tôi cũng không muốn đẩy chồng mình vào thế bí, mâu thuẫn với gia đình bên nội.

Tôi nghe người ta bảo, con dâu là người mà kiếp trước đã nợ nhà chồng. Không biết, món nợ của tôi lớn đến đâu và trả đến đâu rồi...

(Theo Dân Trí)