Gặp lại Lê Lý Tưởng vào ngày cuối của năm 2016, trong dịp Kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Đào tạo Chất lượng cao – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE). Gương mặt sáng và nụ cười tinh nghịch của em đã khiến cả buổi lễ lặng đi bởi chính câu chuyện của mình.

Nỗi đau hai tuổi

Mẹ Tưởng ra đi ngày em vừa tròn hai tuổi. Căn bệnh ung thư quái ác không chỉ cướp mất người mẹ của đứa trẻ lên 2, mà còn tất cả tiền bạc, nhà cửa đều ra đi để chạy chữa cho mẹ.

Cha đi bước nữa, đứa em phải vào trại mồ côi, ngoại bán hàng rong, vất vả suốt ngày mà vẫn chưa đủ để nuôi đứa cháu. Cậu nhóc những năm tháng ấy chỉ biết cố gắng học, hy vọng đậu vào đại học để có thể thoát được cái nghèo, sau này còn lo cho ngoại và em.

Được quý nhân phù trợ

Rồi Lê Lý Tưởng đậu vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM – ngôi trường đã chắp cánh cho bao ước mơ vươn xa, nhưng Tưởng vẫn chưa quyết có nên đi học hay không bởi trăn trở với bao niềm lo toan về học phí, về cơm áo gạo tiền như bao học trò nghèo khác.

{keywords}
Lê Lý Tưởng - người thứ ba từ trái sang

Bỗng một hôm, một ông đứng tuổi người Pháp đến thăm trại mồ côi Hoa Mẫu Đơn nơi em nhỏ của Tưởng đang tá túc. 

Nghe kể về hoàn cảnh của em, ông muốn giúp nên về tận quê thăm gia đình. Nhận ra ông ngoại của Tưởng từng là người quen thời chiến tranh, ông hứa giúp đỡ toàn bộ học phí và khuyên nên theo chương trình Chất lượng cao nếu Tưởng quyết tâm theo học.

Cánh cửa vào đại học đã được mở ra, nhưng để bước vào đâu chỉ có học phí là đủ. 

Tiền ngoại bán rong chỉ đủ nuôi hai bà cháu khi sống ở quê nghèo. Bây giờ, sống để học được ở Sài Gòn đâu phải là điều đơn giản. Tiền ăn, nhà trọ, đi lại… mọi thứ đều đắt đỏ. Ngoại đã già, ai sẽ lo cho ngoại mỗi khi trái gió trở trời? 

Và rồi, như một người đàn ông phải đưa quyết định dũng cảm trong những thời điểm quan trọng của cuộc đời mình, chàng trai 18 tuổi đã thuyết phục ngoại vào Sài Gòn sống với mình.

Cuộc sống 4 năm đại học khó khăn nhiều hơn tưởng tượng của một cậu bé 18 tuổi. Không nhà, không phương tiện học tập, không tiền ăn... Tưởng nhận tất cả mọi việc làm thêm từ sửa điện, sửa ống nước đến sửa máy lạnh, máy giặt đến làm thuê, chạy bàn… để lo tiền ăn, tiền ở cho ngoại và mình.

Gặp cô giáo tốt bụng

Môn đầu tiên của học kỳ 1 đại học của Tưởng là môn “Nhập môn Kỹ sư Điện điện tử” do PGS.TS Trần Thu Hà giảng dạy. Ngay buổi học đầu tiên, cô yêu cầu sinh viên viết một essay bằng tiếng Anh giới thiệu về bản thân và cuộc sống của mình. Để có bài nộp, Tưởng đã tốn mấy chục ngàn, không phải để mua bài, mà là để ra tiệm Net, tra từ điển, viết bài luận, kể hết về cuộc mưu sinh đầy gian truân của mình và gửi cô.

Biết được hoàn cảnh của cậu học trò hiếu học nhưng cuộc sống khó khăn, cô Hà đồng cảm và đã giúp Tường và ngoại có chỗ ở miễn phí ở khu phòng trọ của nhà cô chỉ với điều kiện coi ngó nhà trọ dùm cô.

Chiếc máy tính ‘thừa kế’

Chiếc máy tính là bạn đồng hành và cần thiết cho những ai học đại học nhưng đối với cậu học trò nghèo, tiền ăn còn chưa đủ thì máy tính thời đó chỉ là ước mơ xa vời. 

Nhưng thật may mắn, ngày đó thầy Nguyễn Bá Hải (người sau này phát minh ra mắt thần cho người khiếm thị) được học bổng của Hàn Quốc nên sang lại cho cô Hà chiếc máy tính để lấy tiền đi học.

Và Tưởng đã may mắn được cô Hà cho ¨kế thừa¨ tài sản ấy - món đồ giá trị nhất đối với em lúc bấy giờ. (Có lẽ cũng nhờ cái tâm và cái đức như vậy, cô Hà dù bị ung thư nhưng phát hiện và điều trị kịp thời nên đã khỏe mạnh. Đúng là ông trời luôn phù hộ cho những ai có tâm, có đức - NV)

Mọi khó khăn cũng đã qua đi, ngày tốt nghiệp rồi cũng đến và Tưởng đã được tuyển dụng vào Công ty Robert Bosch Engineering & Business Solutions sau khi trải qua các vòng phỏng vấn đầy khó khăn. Hai bà cháu lam lũ ngày nào giờ đã có cuộc sống ổn định hơn.

Không giấu được vẻ tự hào, Tưởng khoe với chúng tôi vừa mua được miếng đất nhỏ cho mình. Chàng trai năm ấy không quên cảm ơn thầy Tâm, thầy Phú, thầy Cường, thầy Phúc, cô Hà… những thầy cô đã dìu dắt, nâng đỡ em suốt 4 năm đại học.

Tưởng cũng không quên nhắn nhủ với thế hệ đàn em đang học: dù có khó khăn đến đâu cũng phải giữ vững niềm tin vào bản thân mình và không quên mang đến những năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh.

Lê Lý Tưởng giờ đây đã trưởng thành. Sự thành công của em cũng chính là món quà rất lớn và niềm vui đối với các thầy cô của ngôi trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thân yêu này– những người đã và đang dõi theo bước chân em, của một cậu bé thông minh, đầy nghị lực và hơn hết, Tưởng cho chúng ta thấy sức mạnh kỳ diệu của niềm tin vào chính năng lực của mình.

  • Theo Đỗ Dũng - Yến Hoa (Giáo dục - Thời đại)