"Công tác thanh tra, kiểm tra năm nào cũng diễn ra, nhiều đoàn thanh tra lắm, nhưng vẫn chỉ khen là nhiều. Quả thật khó nói lắm, không thanh tra kiểm tra thật, đi đến đó lễ rồi khen nhau", ông Tô Văn Động, GĐ Sở VHTT nói về công tác lễ hội năm 2017.
Sáng 24/2 tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL tổ chức cuộc họp sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu tất cả các đại diện Sở, ban ngành các địa phương tham gia nêu cụ thể, đi thẳng vào những mặt còn tồn tại, những bất cập, trách nhiệm của ai, cụ thể.
"Chúng ta phải rút ra được bài học gì, kinh nghiệm gì để trong công tác quản lý lễ hội từ nay đến hết mùa lễ hội tốt hơn. Rút ra kinh nghiệm bài học trong việc tổ chức quản lý, kể cả quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, cộng đồng dân cư. Cố gắng chấn chỉnh tồn tại hạn chế hiện nay và phát huy điển hình gương mặt tốt. Đi thẳng vào vấn đề không chung chung", ông Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ.
Nêu đúng bản chất lễ hội, cần thì cấm hết
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ cho rằng, năm nay vấn đề cướp phết ở lễ hội Hiền Quan có nhiều tiến bộ, nhiều mặt được chứ không hẳn là những vấn đề báo chí nêu.
"Lễ hội ở Hiền Quan có rất nhiều nội dung, màn cướp phết là màn cuối cùng. Trước kia lễ hội này chỉ là quy mô làng xã, nay tăng lên cấp vùng, số lượng người tham dự gấp 10 lần so với trước, chúng tôi cũng tăng cường lực lượng an ninh. Tôi đề nghị nêu đúng bản chất vấn đề, bản chất của lễ hội này. Màn giơ tay lên là ký hiệu của các trai làng báo hiệu cho nhau để có thể cướp được phết chứ không phải là hành vi giơ tay để đánh nhau. Báo chí đôi khi chụp được bức ảnh như vậy, đưa lên trên trang báo, nhiều người không tham gia lễ hội tưởng là đánh nhau thật và từ đó tạo dư luận không tốt", ông Thủy lý giải.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Phan- Quyền GĐ Sở VHTT&DL Tuyên Quang kêu khó cho những người làm công tác quản lý văn hóa, nhất là mùa lễ hội sẽ phải "mất ăn mất ngủ". "Tỉnh chỉ có một phòng Thanh tra gồm 3 người nhưng có mấy chục lễ hội, địa bàn khó khăn, các lễ hội của các dân tộc được làm rất tốt. Không diễn ra tiêu cực.
Tỉnh đã nhận mức phạt 7,5 triệu đồng vì chọi trâu, tỉnh rất quyết liệt chứ không bao che. Tuy nhiên, phải nghiên cứu điều chỉnh như thế nào chứ cương quyết với các lễ hội có yếu tố thương mại thì cũng khó. Như với chọi trâu Tuyên Quang khi đang diễn ra mà yêu cầu dừng là không thể, bởi tâm lý đám đông lúc đó nên buộc phải làm nốt vì nếu dừng lại thì nguy hiểm, có khi tới tính mạng. Căn cứ vào danh mục lễ hội, có phân tích khoa học đàng hoàng nếu có cấm chọi trâu thì cấm trên toàn quốc chứ không có chuyện nơi này cấm, nơi kia thành di sản được", ông Phan phát biểu.
Cảnh phát lộc ở Chùa Hương gây phản cảm mùa lễ hội 2017 |
Ông Phan cũng cho rằng nhiều người muốn ăn thịt trâu chọi bởi nhiều yếu tố như việc chăn nuôi, thức ăn cho trâu chọi đặc biệt, thịt thơm ngon... thì việc chọi xong giết mổ cũng là đương nhiên. "Trước con trâu là đầu cơ nghiệp, nhưng giờ cũng khác rồi, nó cũng chỉ là hàng hóa đơn thuần. Trâu chọi đặc biệt thì bán với giá 1 triệu đồng/kg cũng là hợp lý. Ai có nhu cầu thì mua thôi đó là cơ chế thị trường, có điều mình phải tìm hướng nào cho hợp lý", Quyền GĐ Sở VHTT&DL Tuyên Quang nói thêm.
Năm nào cũng thanh tra, toàn khen là chính
Đứng về phương diện quản lý lễ hội trên địa bàn Hà Nội, ông Tô Văn Động, GĐ Sở VHTT Hà Nội cho rằng, Hà Nội có 1200 lễ hội, sau Tết diễn ra được 2/3 số này nhưng ngoài việc làm được thì vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là những tồn tại mang tính truyền thống, phải giải quyết từ từ, có nguyên nhân khách quan, chủ quan, các cấp các ngành phải vào cuộc cùng văn hóa.
"Năm nào cũng tổ chức, năm nào cũng chấn chỉnh, năm nào cũng thanh tra kiểm tra, nhưng nó vẫn có những tồn tại. Công tác thanh tra, kiểm tra năm nào cũng diễn ra, nhiều đoàn thanh tra lắm, nhưng vẫn chỉ khen là nhiều. Có năm, anh em báo cáo có đoàn thanh tra cũng to lắm về thanh tra, xong làm lễ dâng hương, xong khen công tác tổ chức tốt, đến lượt chúng tôi về chê họ lại bảo các anh thanh tra khen tốt, sao chúng tôi chê? Quả thật khó nói lắm, không thanh tra kiểm tra thật, đi đến đó lễ rồi khen nhau", ông Tô Văn Động nêu vấn đề.
Để giải quyết vấn đề tồn đọng của lễ hội, theo người đứng đầu Sở VHTT Hà Nội thì phải phân định rõ thế nào là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của BTC lễ hội như thế nào chứ không phải cái gì cũng đổ vào đầu Sở được.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng vấn đề ông Động nêu cần phải xem xét. "Anh Động cần chỉ rõ đích danh đoàn nào xuống kiểm tra mà toàn khen, nói chung chung không khắc phục được. Có thể cuộc họp này anh Động còn ngại nhắc đích danh, theo tôi là cứ chỉ luôn".
Lễ hội cướp phết Hiền Quan |
Góp ý tại cuộc họp, GS Đặng Văn Bài cho rằng: "Trong đám đông lễ hội, họ đặt cá nhân mình lên trên, không vì lợi ích cộng đồng. Đi cướp lộc, dẫm đạp vào người khác để lấy được lộc, chẳng thánh thần nào phù hộ cho người dẫm đạp, tranh cướp người khác. Những tiêu cực tại lễ hội vừa qua phản ánh hiện tượng suy thoái về văn hóa, đạo đức. Không thể một, hai năm có thể sửa được những hiện tượng tranh cướp, giành giật tại lễ hội mà cần xây dựng nếp sống văn hóa mới từ công sở, gia đình, nhà trường, tại mọi nơi và lễ hội chỉ là bề nổi".
Chốt lại buổi sơ kết, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, nhiệm vụ trước mắt, tồn tại yếu kém trong quản lý lễ hội phải được khắc phục ngay, nếu lỗi của ngành văn hóa thì ngành phải kiểm điểm, nếu lỗi của BTC thì chính quyền địa phương phải kiểm điểm. "Khen, thưởng, kỷ luật, kiểm điểm, phải nghiêm minh, rõ ràng, minh bạch"- Bộ trưởng nhận định.
T.Lê