Lễ hội Minh Thề có nguồn gốc cách đây gần 500 năm, có ý nghĩa giáo dục nhân cách với những yếu tố tín ngưỡng, lấy của công làm việc công sẽ được thần linh ủng hộ. Nếu có lòng tham lấy của công làm việc tư thì các chư thần sẽ khước từ. Những lời thề có ý nghĩa sâu sắc đó vẫn phát huy tác dụng trong cuộc sống hôm nay.
Sử sách lưu truyền, lễ hội Minh Thề do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung đề xướng. Vào thế kỷ 16, bà chính là người đã tiếp thu lễ thề của các đời trước, xây dựng nên Lễ hội Minh thề. Bà tự bỏ tiền và vận động hoàng thân, quốc thích, quan lại Triều Mạc cùng nhân dân địa phương mua ruộng đất mở rộng khuôn viên và tu tạo lại ngôi chùa cổ của làng (chùa Hòa Liễu).
Thái Hoàng Thái Hậu cũng xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo. Nhiều người theo gương bà tậu ruộng cúng chùa. Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và lập quỹ giúp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ…
Để không bị hụt tài sản công, Thái Hoàng Thái Hậu và dân làng lập ra Hội Minh Thề và Hịch văn thề quy định lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công. Không phân biệt giàu - nghèo, đẳng cấp xã hội, những người đứng đầu trong làng (Lý trưởng, Phó lý, Chánh hội, Phó hội, Trương tuần) và dân làng gồm những người từ 18 tuổi trở lên đều tham gia hội thề.
Các nghi lễ trong Lễ Minh Thề được tiến hành trang trọng. Cho dù "vật đổi, sao dời", đến nay, lễ hội Minh Thề vẫn giữ nguyên những nghi thức độc đáo.
Theo đó, một Đài thề được dựng lên trong khuôn viên di tích đền và chùa Hòa Liễu, nơi thờ Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Phần lễ diễn ra trang nghiêm, chủ lễ là bậc cao niên, gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, chấp hành quy định của pháp luật được dân làng tin tưởng, bầu chọn. Những người cao tuổi, có uy tín trong làng đại diện cho các chức sắc thời xưa cùng tham gia nghi thức thề nguyện.
Các nghi lễ được tiến hành trang trọng từng bước: Lễ Hội bắt đầu bằng nghi thức dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm réo rắt, chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn ôn lại công đức của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung.
Tế thần xong các bô lão, quan khách và nhân dân trong làng, các chức dịch trong làng quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ lễ dùng động tác “Chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2 mét ở giữa sân miếu trước Đài thề. Ba vị đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng do Ban tổ chức hội thề và hội đồng bô lão tuyển chọn bước lên Đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất, bách thần.
Đại diện tư văn đọc hịch văn “Minh thề”… Nội dung chính là: “Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ, còn ai lấy của công về làm của tư cầu xin thần linh đả tử… Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu xin thần linh tru diệt”.
Sau khi mọi người cùng hô vang “Y như lời thề” hoặc “Y như miệng thề”, vị chủ lễ cầm dao bầu cắm mạnh xuống đất trong vòng tròn đài thề để biểu thị sự quyết tâm.
Tiếp theo là nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề diễn ra rất cầu kỳ theo quy định truyền thống từ ngàn đời. Mỗi người truyền tay nhau uống một ngụm rượu khẳng định sự đoàn kết, quyết tâm thực hiện đúng lời thề.
Gần 500 năm đã trôi qua, lời thề vang lên trong Hội thề làng Hòa Liễu hàng năm như hồn cốt góp phần tạo dựng lên đạo lý “Chí công vô tư”, sự đoàn kết, tập trung để dân làng Hòa Liễu đứng vững trước mọi thử thách cam go trong lịch sử trường tồn.
Gần 5 thế kỷ đã trôi qua, những lời thề thiêng liêng tại lễ hội Minh Thề vẫn mang tính thời sự nóng hổi, vẹn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau. Lễ hội Minh Thề là lời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên nhất là những cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân...cần nhận thức đầy đủ vai trò tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn, đến năm 1993 Cụm di tích đền, chùa Hòa Liễu ở xã Thuận Thiên được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, nhân dân địa phương đã phục dựng các lễ hội truyền thống. Đến năm 2002, Lễ hội Minh thề chính thức được khôi phục, tổ chức vào dịp lễ hội truyền thống đền, chùa Hòa Liễu trong ba ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm.
Với ý nghĩa sâu sắc vẫn phát huy tác dụng trong cuộc sống hôm nay, năm 2017, Lễ hội Minh thề đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người dân địa phương đang tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị để những nét đẹp của Lễ hội Minh thề được lan tỏa rộng rãi, góp phần giáo dục, định hướng nhân cách sống, phẩm chất đạo đức trung thực, chí công vô tư, tình yêu thương đùm bọc, tình thương nhân ái trong xã hội, trong cộng đồng làng xã việt Nam.
Văn Giáp
Ảnh: Diệu Bình, Thu Hằng
Video: Thu Hằng HP, Ngọc Trang, Quang Thậm
09/12/2021 13:49 (GMT+07:00)