- Câu chuyện phát ấn nơi Đền Trần (Nam Định) diễn ra nhiều năm rồi. Giờ là lúc nhà quản lý và nhà Đền tỉnh táo quyết định ngừng việc phát ấn lợi ít hại nhiều này.

Từ hơn mười năm trước, nhiều người trong cơ quan, cứ vào dịp Đền Trần (Nam Định) phát ấn là rủ nhau về.

Họ đi từ tối hôm trước. Nhờ mối quan hệ thân quen với lãnh đạo ban, ngành của tỉnh mà họ được vào nơi hành lễ, được nhận tờ ấn mà không phải chen lấn, xô đạp. Nhiều người xem tờ ấn như lá bùa may mắn, giúp hanh phát trên bước đường quan lộ, họ lồng khung kính, đặt trên ban thờ gia tiên hoặc treo trang trọng nơi phòng làm việc. Có người không chỉ một, mà sở hữu hai, ba “lá bùa may mắn”, với hy vọng, đường quan chức thêm rộng mở, hanh thông(!)

{keywords}
Thực hiện nghi lễ khai ấn năm 2017. (Ảnh: VietNamNet)

 Dịp lễ hội Đền Trần đầu năm, hầu như năm nào cũng có một hoặc nhiều lãnh đạo cấp cao từ Trung ương về, tham dự lễ khai ấn, phát ấn. Truyền thông đưa tin tưng bừng. Có phải vì thế mà lễ hội Đền Trần, với tục lệ chính như đã diễn ra là khai ấn, phát ấn, ngày càng kích thích sự tò mò, gây sự chú ý, hút khách thập phương ngày một đông?

Có lần, tôi về Đền Trần phường Lộc Vượng dịp đầu năm, vừa qua ngày phát ấn. Nhà Đền vẫn hào phóng với khách thập phương, khi vẫn còn hàng chồng ấn, khách thập phương có nhu cầu, bỏ ra 50 ngàn đồng là có một tờ.

Hiện tượng ăn theo việc phát ấn cũng bùng phát, khi người ta in ấn từ bên ngoài tuồn vào. Không chỉ quan chức hay công chức, viên chức, mà cả giới sỹ, nông, công, thương, trẻ em, người già cũng nuôi hy vọng đổi đời bằng đường quan lộc, đua chen tờ ấn cầm tay.

Cả chục năm rồi, không có năm nào lễ phát ấn Đền Trần không gây sự cố chen lấn, giẫm đạp, ẩu đả. Người ta đạp lên đầu nhau, xéo lên ban thờ để cướp hoa, giành lộc... Không còn là xin ấn, phát ấn, thụ lộc, mà là cướp lộc, cướp ấn, giành ấn, mua bán ấn. Tờ ấn rộng đường quan lộ mà phải giành, phải cướp, phải mua, thì quan đấy, loại quan gì?

Người ta biện hộ cho những biểu hiện lộn xộn này, đại loại, lễ hội nó phải thế, thế mới là lễ hội...

Nhưng, lễ hội cũng có năm, bảy loại lễ hội.

Lễ hội Đền Trần, diễn ra hàng năm tại nơi thờ 14 vị vua thuộc Vương triều Trần hào khí ngất trời, cần sự tôn nghiêm, trật tự, không chấp nhận sự phàm tục, nhốn nháo, xô bồ; càng không chấp nhận hội chứng đám đông với những hành vi cướp giật, mua bán, bạo lực, cuồng tín, phản văn hoá... Lại càng không chấp nhận những biểu hiện thương mại hóa lễ hội, bịa đặt, thêm thắt lễ tục theo cái nhìn của người đời phàm tục mà phương hại đến lịch sử, phiền lòng tiền nhân.

Các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hoá đã nhiều lần lưu ý, cảnh báo về sự bịa tạc, biến tướng thái quá của cái tục lệ khai ấn, phát ấn nơi Đền Trần Nam Định và một vài nơi khác nữa. Các nhà nghiên cứu khẳng định, chưa tìm thấy nguồn thư tịch nào nói về việc khai ấn, phát ấn nơi đền miếu. Từ một tục lệ trong phạm vi nhà đền, nhà phủ, khi nhận ra nguồn cầu dồi dào từ tâm lý khủng hoảng đức tin của một bộ phận công chúng, họ đã thêm thắt, mở rộng, nâng cấp, thổi vào đó yếu tố linh thiêng, mê hoặc công chúng.

{keywords}
Lễ dâng hương và khai ấn đền Trần (Nam Định) năm 2017. Ảnh: VietNamNet

Cái ấn khắc 4 chữ “Tích phúc vô cương” không liên quan đến công việc triều chính thời nhà Trần, không liên quan đến nghi lễ ban phát chức tước, quyền lực, cũng không có dấu hiệu ban phát tài lộc... Thế mà phút chốc chuyển hoá thành tục lệ nghi lễ khai ấn, phát ấn của triều đình, lại khiến người ta nghĩ đến ấn chỉ thăng quan tiến chức! Đây là một sự biến thái, lợi ít hại nhiều.

Lợi, là mỗi năm khách thập phương đến địa phương thêm đông, ngành du lịch, dịch vụ có cơ hội tăng trưởng, nhà đền, ban quản lý lễ hội có thêm nguồn thu, từng cá nhân có đồng ra đồng vào.

Hại, thì nhiều. Không chỉ làm xấu xí gương mặt lễ hội, nó còn làm sai lệch lịch sử, khiến người ta hoài nghi về lịch sử. Nó kích thích lòng tham, thói ham hố quan trường, sự ngộ nhận, ảo tưởng về con đường tiến thân không cần học hành, lao động, tu thân, tề gia...Hội chứng “ấn hoá”từ đây lan sang những lễ hội địa phương khác, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng,(không chừng cả Hoàng thành Thăng Long?), gây biết bao chuyện chẳng giống văn hoá chút nào.

Không biết sau mỗi mùa lễ hội, địa phương, nhà đền thu được bao nhiêu tiền, đóng góp cho tăng trưởng được mấy phần trăm, nhưng xem chừng giá trị di sản, hồn cốt văn hóa hư hao nhiều phần; những thói hư tật xấu như mê tín, tranh cướp, giành giật, chỉ biết mình, bất chấp luật lệ... trong xã hội, có cơ gia tăng.

Tôi đoan chắc, trong hàng loạt cán bộ từ cấp cao đến cấp thấp bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy tố, xử tù trong vài năm lại đây, có một tỷ lệ kha khá từng được biếu không tờ ấn Đền Trần. Tôi cũng đoan chắc, những người giật lộc, cướp ấn hàng năm ở lễ hội Đền Trần hay một số lễ hội khác, thuộc đủ loại thành phần, họ chẳng thể thành quan, càng không thể thành người. Ai đó, bằng con đường nào đó để lên quan, cũng không bao giờ thành quan tử tế.

Lễ hội cứ lễ hội, cứ hồn nhiên như thuở ngày xưa. Khách thập phương cứ đến vãn cảnh đền, chiêm bái tiền nhân, dâng hương tưởng nhớ các vị Vua triều Trần anh minh, chiến công hiển hách...

Lễ hội cứ lễ hội. Quan chức Trung ương hay địa phương đến lễ hội thể hiện thái độ tôn vinh mỹ tục, tôn kính tiền nhân, cứ việc. Nhưng, đến để đóng ấn, phát ấn, thì không nên.

Hoạt động lễ hội là một phần của văn hoá.

Văn hoá là ánh sáng, dẫn con người thoát cõi u mê, đến bến bờ trí tuệ. Thứ lễ hội với tục lệ bịa tạc theo thói đời phàm tục, sai lệch lịch sử, phiền lòng tiền nhân, khiến con người chìm vào mê tín, mê muội, không thể là văn hoá, cần được dẹp bỏ.

Uông Ngọc Dậu