Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ với Góc nhìn thẳng, mẫu trầm tích biển Vũng Áng sẽ chỉ ra, Formosa có gây chết cá hay không?

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung vẫn chưa dừng lại, trong khi các cơ quan quản lý vẫn loay hoay đi tìm nguyên nhân, ai, tổ chức nào gây ra thảm hoạ môi trường này. Mọi nghi vấn đều đang đổ dồn vào Formosa, một nhà sản xuất gang thép đến từ Đài Loan.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet có cuộc trao đổi với PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học và kỹ thuật biển Việt Nam về vấn đề này.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, cho đến thời điểm này, các bộ ngành đã công bố kết luận sơ bộ về hiện tượng cá chết hàng loạt là do nhiễm phải một loại độc tố cực mạnh. Trong khi đó, những DN bị nghi vấn như Formosa luôn luôn khẳng định họ đảm bảo an toàn về chất thải ra môi trường. Ông có nhận định thế nào về khả năng liên quan của Formosa với hiện tượng cá chết hàng loạt?

PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Thực ra theo nhiều nguồn tin, có nhiều nghi vấn đổ dồn vào Formosa về vấn đề xả thải. Nhưng để xác định được chuyện này, chúng ta phải xác định rõ nguyên nhân cá chết là do đâu và từ đâu.

Muốn thế, trước hết phải lấy mẫu cá, mẫu trầm tích đáy, mẫu nước ngay cửa thải của ống dẫn ra biển đó. Và ở các vùng lân cận,chúng ta phải lấy theo các mặt cắt giữa các vuông góc với đường bờ ra những độ sâu khoảng 20 m nữa, và lấy suốt từ vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Mỗi một tỉnh lấy một mặt cắt. Riêng ở khu vực chúng ta nghi vấn thì mặt cắt có thể dầy hơn để phân tích xử lý cả về mẫu cá, mẫu trầm tích đáy cũng như mẫu nước.

Trên cơ sở đó hoàn toàn chúng ta có thể xác định được nơi nào bị ô nhiễm nặng nhất, nguy hiểm nhất, sau đó nó phát tán dần xuống các vùng càng xa nguồn phát thải đó, từ đó truy tìm được thủ phạm một cách tương đối chính xác.

Nhà báo Phạm Huyền: Theo kinh nghiệm của ông việc phê duyệt một đường ống xả thải như trường hợp Formosa ở tận dưới đáy biến có là hợp lý hay không?

PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Việc đó chúng ta phải xem xét thiết kế trong cấp phép, cho phép. Thường trước khi qua xử lý và xả thải ra biển chúng ta phải có một vị trí có thể dễ dàng kiểm tra, kiểm soát, giám sát chất lượng của nguồn thải đó trước khi đổ thải ra biển.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông nói cụ thể hơn vị trí đó như thế nào?

PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Chúng tôi không được biết rõ thiết kế kỹ thuật của đường ống đó có cửa mở nào để chúng ta có thể kiểm tra bất kỳ lúc nào về lượng thải cũng như chất lượng nước thải đó đổ ra biển.

Nhà báo Phạm Huyền: Hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 6/4, tuy nhiên cơ quan chức năng phải sau khoảng 10 ngày mới bắt đầu vào cuộc. Sự chậm trễ vào cuộc của các cơ quan chức năng ảnh hưởng thế nào đến việc truy tìm ra thủ phạm gây ra vụ ô nhiễm này?

PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Sự chậm trễ đó cũng ảnh hưởng đến việc tìm ra thủ phạm. Nếu như người ta thải cấp tập ra trong một vài ngày rồi sau đó, được pha loãng dần trong nước biển cũng như trong môi trường trầm tích, đến khi chúng ta lấy mẫu của trầm tích đáy cũng như mẫu nước của cửa thải đó, độ độc hại đã được phân hủy và phát tán ra các vùng lân cận. Cho nên , việc đánh giá mức độ nguy hiểm của nó cũng chưa hoàn toàn chính xác.

Nhà báo Phạm Huyền: Theo ông, 5-10 ngày nữa mới có kết quả phân tích mẫu thì có quá muộn không?

PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Mẫu phẩm đã lấy về trong phòng thí nghiệm phân tích thì phải có thời gian. Tôi có thể nói thời gian lấy mẫu là quá chậm trễ. Dù sao chậm cũng còn hơn không. Thực ra các chất phát tán trong môi trường nước thì nhanh hơn nhưng trong môi trường trầm tích thì có thể kéo dài hơn, thì vẫn có thể chứng minh được nguồn gốc của việc xả thải.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông hiện nay hệ thống quan trắc tự động ở khâu xử lý nước thải của Formosa là do DN này đầu tư vào quản lý và hệ thống này cũng chưa được kết nối với hệ thống giám sát của cơ quan chức năng, ở đây là Sở tài nguyên môi trường tỉnh. Nếu muốn kiểm tra thì cơ quan chức năng lại phải báo cho DN biết trước. Với cơ chế như vậy, hiện trạng như vậy, giả dụ DN có vi phạm thì chúng ta cũng bó tay. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Đây là vấn đề chúng ta cũng cần phải có điều chỉnh, bổ sung trong các điều luật để bảo vệ môi trường. Các DN xả thải bao giờ cũng tính đến lợi ích kinh tế là trên hết. Để xử lý nước thải cũng như chất thải trước khi đổ ra biển rất tốn kém. Nếu như mỗi lần vào kiểm tra đều phải xin phép như vậy thì tôi cho rằng nó sẽ không đảm bảo được tính khách quan cũng như độ tin cậy của các số liệu do chính DN đó cung cấp.

{keywords}
Cần lấy mẫu trầm tích mới chứng minh Formosa liên quan vụ cá chết miền Trung hay không? (ảnh: theo VietNamNet)

Cho nên việc tuân thủ ấy phải có sự giám sát thường xuyên và chủ động của cơ quan chức năng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông từ câu chuyện này có thể nhìn rộng ra câu chuyện đầu tư ở VN. Nhiều nhà đầu tư đến VN nhìn vào 2 yếu tố là giá nhân công rẻ và sự dễ dãi trong vấn đề quản lý môi trường. Nếu như vậy chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt. Ông có bình luận gì về vấn đề này? Chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm như thế nào trong vụ việc này?

PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Bất cứ dự án đầu tư nào chúng ta cũng phải xem xét kỹ lưỡng đánh giá tác động môi trường của dự án đó đối với môi trường xung quanh. Đã xảy ra rất nhiều sự cố, đặc biệt sự cố môi trường ở đâu đó gây ra từ cái sự việc sản xuất bột ngọt Vedan, rồi sự cố tràn dầu, rồi một số sự việc gây ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số khu công nghiệp, nhà máy.

Cho đến nay nhiều vấn đề gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta cũng phải rà soát lại toàn bộ các nguồn thải từ các khu công nghiệp tập trung ở các vùng bờ biển ở nước ta đổ thải ra biển. Vì xưa nay một số nhà quản lý, DN vẫn cho rằng biển cả là rất mênh mông cho nên nó như một bãi rác thải khổng lồ có thể thải gì ra cũng được. Cái đó rất nguy hiểm, cái này đổ thải ra biển cũng là đổ thải ra vùng nước, vùng đất mà chúng ta hiện nay đang sinh sống,là không gian sinh tồn của cả DN. Vì vậy, chúng ta phải hết sức thận trọng trong các dự án đầu tư, nhất là khu công nghiệp ở các vùng ven biển trải dài dọc đất nước của chúng ta.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông rất nhiều!

VietNamNet

Tin liên quan: