Chơi khăm (pranks) luôn là chủ đề được tìm kiếm nhiều trên những trang mạng xã hội, đặc biệt là YouTube: từ những trò DIY nho nhỏ, camera giấu kín đến những trò đùa rùng rợn và gây nguy hiểm thực sự cho người tham gia. Một trong những trò chơi khăm được yêu thích nhất, buồn thay, là cha mẹ chơi khăm chính con cái của họ
Hai vợ chồng Cole và Sav LaBrant gần đây đã gây ra cuộc tranh cãi trên kênh YouTube có 8,7 triệu người đăng ký khi đăng tải một video với tựa đề: “Tạm biệt cún cưng”. Trong đó, vợ chồng này nói với cô gái 6 tuổi Everleigh rằng chú chó Pomeranian của gia đình đã bị cho đi, khiến cô bé giàn giụa trong nước mắt. Thật ra tất cả chỉ là một trò chơi ngày Cá tháng Tư.
Cuối video, khi bố mẹ cô bé liên tục giải thích rằng đó chỉ là trò đùa, Everleigh vẫn một mực ôm lấy chú chó trắng không rời. Người bố Cole lúc đó quay sang camera và hỏi: “Hình như đùa hơi quá rồi, đúng không?”, và những nhà nghiên cứu hành vi trẻ em đã hồi đáp: “Đúng vậy”.
Stephanie Zerwas, giáo sư tâm lý học trị liệu tại Đại học Bắc Carolina, cho biết mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là rất đặc biệt: “Đây là khuôn mẫu cho tất cả các mối quan hệ khác trong cuộc sống của trẻ. Xây dựng niềm tin giữa cha mẹ và con cái là rất quan trọng”.
Bà cho biết thêm: “Khi cha mẹ chơi khăm con cái, họ đang làm xói mòn niềm tin đó. Họ đưa ra thông điệp rằng những người gần gũi và quan trọng nhất với trẻ có thể rất khó đoán và tàn nhẫn”.
Trẻ em trở thành đối tượng giải trí
Vài năm trở lại đây, gameshow lấy trẻ em làm đối tượng chính đã và đang chiếm sóng truyền hình nhiều hơn bao giờ hết. Những chương trình đó không nhằm mục đích giáo dục cho trẻ mà ngược lại, dùng trẻ em như mục tiêu giải trí cho người lớn. Nhiều nhà sản xuất tìm mọi cách để khai thác tính cách trong sáng, những câu nói ngây ngô và đặc tính không phản kháng của trẻ em để phục vụ cho công việc thu hút sự chú ý trong dư luận.
Khi công nghệ phát triển và bất cứ bậc phụ huynh nào, với chiếc smartphone, cũng có thể trở thành một nhà sản xuất, hình ảnh về những đứa trẻ đang xuất hiện trên Internet nhiều hơn bao giờ hết. Khi những hình ảnh ngây thơ, đẹp đẽ của trẻ con không còn sức hấp dẫn, người lớn ra sức khai thác mọi khía cạnh khác để con mình trở thành một “hiện tượng” trên mạng xã hội.
Cách đây vài tháng, video về một bé trai với vẻ mặt hoang mang khi liên tục nghe thấy những câu doạ dẫm từ “chị Google” đã nhanh chóng trở thành xu hướng trên Facebook. Nhiều bậc phụ huynh khác cũng lập tức “cập nhật xu hướng” và không biết bao nhiêu đứa trẻ đã bị giọng nói eo éo của Google dọa vào thời điểm đó.
Một người dùng Facebook bình luận: “Phụ huynh ác quá… Mãi rồi (đứa trẻ) khi lớn sẽ nhận ra ngày xưa bố mẹ đã lừa chúng độc ác thế nào. Và chúng sẽ lại lừa những thế hệ kế tiếp”.
Hàng năm vào mỗi dịp Halloween, người dẫn chương trình nổi tiếng Jimmy Kimmel lại tìm kiếm và chiếu những video về phản ứng của trẻ em khi cha mẹ nói rằng số kẹo chúng xin được đã bị ăn hết. Những đứa trẻ trong clip khóc lóc, tức giận và thể hiện nhiều cảm xúc tiêu cực khác nhau, nhưng át đi tất cả vẫn là tiếng cười sảng khoái của các bậc cha mẹ và những người xem clip.
Trò chơi khăm trẻ em bấy giờ không chỉ dừng lại ở chuyện bông đùa, Một cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ đã mất quyền nuôi hai đứa con và bị buộc tội bỏ bê con cái sau khi đăng video lên YouTube, trong đó người cha đập vỡ chiếc Xbox mà cậu con trai nghĩ là của mình. Trong những video khác, cặp vợ chồng này đã nhiều lần chơi khăm hai cậu con trai của mình.
Hậu họa khôn lường
Những trò đùa của các bậc cha mẹ hiện nay không khác mấy với câu dọa “ông kẹ” mà ông bà ta đã dùng qua bao thế hệ. Ông kẹ ác độc, khó đoán, gây sợ hãi và có thể tạo chấn động tâm lý, dẫn đến những nỗi sợ của trẻ em trong tương lai. Những ấn tượng mà trẻ có được trong giai đoạn 0-6 tuổi sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý sau này và có thể gây ra những căn bệnh như trầm cảm trong tương lai.
Ở thời đại thông tin, việc đăng tải quá nhiều hình ảnh con cái lên mạng còn đặt ra câu hỏi về quyền cá nhân của đứa trẻ. Cây viết trẻ Sonia Bakhari, chỉ mới học lớp tám, đã chia sẻ câu chuyện về hình ảnh lúc nhỏ của cô thường xuyên bị mẹ và chị chia sẻ trên Facebook.
Cô cho biết: “Giới trẻ thường nhận lời khuyên về việc sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng, nhưng chính cha mẹ cũng nên xem lại cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của mình, và quan trọng nhất là những hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến con cái thế nào khi chúng lớn lên”.
Cô đưa ra ví dụ 20 năm sau, khi đứa trẻ đi xin việc và nhà tuyển dụng tìm thấy đoạn clip về một em bé khóc lóc, nói những lời vô nghĩa trên mạng xã hội, họ sẽ nghĩ gì? "Những thứ trên mạng xã hội sẽ không bao giờ mất đi", Sonia nói.
Nhà tâm lý học Kennedy Moore cung cấp thêm thông tin: “Những người thích chơi khăm thường có một mức độ hung hăng trong họ để chuyển hoá thành tiếng cười, nhưng đó không phải thứ nên làm giữa cha mẹ với con cái. Đừng dùng sự buồn bã của trẻ em để phục vụ cho mục đích giải trí của chúng ta”.
Và hãy nhớ, một đứa trẻ bị chơi khăm có thể trở thành người đi chơi khăm người khác. Điều này sẽ mang đến nhiều thách thức khác cho những mối quan hệ gia đình và xã hội của trong tương lai.
Chấm dứt sự tàn nhẫn
Trẻ em phát triển khiếu hài hước từ độ tuổi 2 đến 7. Từ 7 đến 11 tuổi, trẻ bắt đầu hiểu những trò chơi chữ và bông đùa. Nhưng cũng như người lớn, không phải đứa trẻ nào cũng thích một trò chơi khăm, bất kể độ tuổi của chúng.
“Trẻ em là những người nhỏ bé với những cảm xúc lớn lao. Đừng giẫm đạp lên những cảm xúc đó và khiến trẻ nghĩ rằng sự tàn nhẫn của những trò chơi khăm là một điều bình thường”, nhà tâm lý Kenny Moore kết luận.
Nhu cầu được chú ý là nhu cầu căn bản của con người. Ở thế giới phẳng, con người có thể có được sự chú ý bằng nhiều cách khác nhau, nhưng một lần nữa, xin đừng dùng những đứa trẻ để thoả mãn mong muốn của người lớn dù với bất cứ cách nào.
Theo Zing