Lấy cảm hứng từ tháp Eiffel ở Paris, "London Stump" hay Đại tháp London lúc bấy giờ được kỳ vọng sẽ lập kỷ lục với chiều cao hơn 365 mét.

Tuy nhiên, công trình này đã bị phá bỏ gần 120 năm trước, để giấc mơ phá kỷ lục của tháp Eiffel mãi mãi bị bỏ ngỏ. Năm 2002, khi chính quyền thành phố London tiến hành phá dỡ để xây dựng sân vận động mới, họ đã tình cờ phát hiện ra những móng bê tông lớn, được cho là dấu tích còn sót lại của London Stump năm nào.

{keywords}
Edward Watkin được mệnh danh là ông trùm đường sắt Anh

Tòa tháp này là công trình của Edward Watkin, một chính trị gia người Anh đồng thời là ông trùm đường sắt, người góp công trong việc xây dựng một đường hầm dưới eo biển Manche, hơn 100 năm trước khi Đường hầm hiện đại ngày nay bắt đầu được xây dựng.

'Càng lớn càng tốt'

Christopher Costelloe, chuyên gia về kiến ​​trúc thời Victoria và là người kiểm tra các công trình lịch sử tại tổ chức di sản Anh cho biết: “Watkin là một doanh nhân luôn có những ý tưởng lớn. Với ông, ý tưởng càng lớn càng tốt. Theo tôi, ông ấy thường hào hứng với những ý tưởng của mình đến nỗi lao vào thực hiện chúng ngay mà suy xét tính khả thi hoặc các vấn đề khác như tài chính".

Tháp Eiffel, chính thức mở cửa vào năm 1889 và nhanh chóng trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch trên khắp thế giới. Chi phí xây dựng công trình này đã có thể thu về chỉ trong vài tháng.

Thời điểm đó, Watkin cũng đang tìm cách thu hút thêm hành khách sử dụng tuyến Đường sắt Metropolitan của mình, mà sau này trở thành tuyến Metropolitan của hệ thống Tàu điện ngầm London.

{keywords}

Tuyến đường sắt này đi qua Wembley, sau đó là một ngôi làng bình yên phía tây bắc trung tâm London, nơi Watkin đã mua đất để xây dựng một công viên giải trí được ví như "Disneyland" thời bấy giờ.

{keywords}
Chiều cao tòa tháp Watkin định xây so với các công trình khác thời bấy giờ

Ông trùm đường sắt này cho rằng còn gì tuyệt hơn việc xây dựng một tòa tháp cao hơn Eiffel để thu hút du khách đi tàu. Ngay lập tức, Watkin đã táo bạo đề nghị chính Gustave Eiffel thiết kế công trình mới này cho mình, nhưng kỹ sư người Pháp đã từ chối vì tình yêu dành cho nước Pháp. Bởi vậy, ông phải chuyển hướng sang "kế hoạch B" là tổ chức một cuộc thi thiết kế quốc tế, với giải nhất là 500 guineas, tương đương với 80.000 đô la Mỹ ngày nay.

{keywords}
Một trong những thiết kế 'nhái' tháp Eiffel không được Watkin lựa chọn

Watkin đã nhận được tổng cộng 68 bài dự thi nhưng không phải bản vẽ nào cũng thực tế. Cuối cùng, tác phẩm của nhóm kiến trúc sư gồm Stewart, McLaren và Dunn ở London đệ trình đã được Watkin lựa chọn để triển khai xây dựng.

{keywords}
Bản vẽ chiến thắng của nhóm 3 kiến trúc sư gồm Stewart, McLaren và Dunn 

Ông Costelloe cho biết: "Đề xuất chiến thắng là một phiên bản tháp Eiffel mảnh mai hơn. Nhìn chung rất giống với cấu trúc tòa tháp của Pháp, nhưng cấu trúc thì mỏng hơn". Với độ cao 365 mét, nếu được xây dựng thành công thì London Stump sẽ là tòa tháp cao nhất thế giới thời điểm đó.

Bom tấn 'xịt'

Tất cả các tài liệu có liên quan được xuất bản năm 1890, đều mô tả chi tiết dự án và tiết lộ rằng tháp London sẽ "rộng rãi hơn nhiều" so với Eiffel khi công trình này còn bao gồm "nhà hàng, rạp hát, các cửa hàng, phòng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, lối đi dạo, khu vườn mùa đông và nhiều trò chơi giải trí khác, "tất cả du khách đều có cơ hội trải nghiệm một phát minh mới gần đây chính là thang máy điện. Một đài quan sát có tầm nhìn toàn cảnh sẽ là điểm nhấn của tòa tháp có chiều cao khổng lồ này".

Tuy nhiên, sau sự phô trương ban đầu, thiết kế được đề xuất đã được thu nhỏ lại để giảm thiểu chi phí xây dựng. Bên cạnh đó từ 8 chân, tháp London cũng giảm xuống còn 4 chân, giống với tháp Eiffel.

{keywords}
45 mét đầu tiên của tòa tháp được hoàn thành sau 3 năm xây dựng

Việc xây dựng bắt đầu được tiến hành vào năm 1892 và 45 mét tháp đầu tiên của giai đoạn 1 đã được hoàn thành 3 năm sau đó.

Công viên Wembley mở cửa vào 1894 cũng đã thu được những thành công ban đầu, nhưng tòa tháp vẫn còn một chặng đường dài phía trước và có điều gì đó bất ổn đã xảy ra.

"Khi kết thúc giai đoạn đầu tiên, tòa tháp bắt đầu xuất hiện dấu hiệu sụt lún. Không đến nỗi họ không thể sử dụng tiếp phần đã xây, nhưng chắc chắn họ cũng nhận ra rằng phát sinh những vấn đề lớn hơn nếu tiếp tục xây dựng nó cao hơn", ông Costelloe cho biết.

Mặc dù, phần tháp này đã được mở cửa cho công chúng tham quan và thang máy cũng đã được lắp đặt, nhưng kỳ vọng về một "công trình thế kỷ" đã chấm dứt tại đây.

{keywords}
Vấn đề sụt lún đã khiến công trình này không thể tiếp tục xây lên cao

Costelloe cho biết thêm: “Một trong những vấn đề chính là Watkin qua đời vào năm 1901. Ông được coi là "linh hồn" của công trình này, nhưng sau khi ông mất, tất cả những gì còn lại là các chi phí phát sinh. Họ đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên, nhưng phần tháp này không đủ cao để bao quát được toàn cảnh như khi đứng từ đỉnh Tháp Eiffel, trong khi khu vực xung quanh cũng không có gì đặc sắc. Chính vì vậy, lợi nhuận thu được từ lượng khách tới tham cũng không đủ để bù vào chi phí xây dựng".

Tòa nhà cao nhất

Một năm sau cái chết của Watkin, tòa tháp buộc phải đóng cửa vì không đảm bảo an toàn. Ngay sau đó, nó bị chính quyền London cho phá hủy bằng thuốc nổ. Tuy nhiên, khu vực Wembley xung quanh vẫn tiếp tục phát triển và trở thành một khu công nghiệp và dân cư ngoại ô London.

{keywords}
Phần chân tháp cũng bị cho phá bỏ chỉ một năm sau khi Watkin qua đời

Năm 1923, một sân vận động, tiền thân của Sân vận động Wembley ngày nay, được xây dựng trên vị trí cũ của tòa tháp. Phần móng còn sót lại như lời nhắc nhở muộn màng về công trình được xây dựng từ một quyết định nóng vội. Tuy nhiên, một công trình khác của ông trùm đường sắt năm nào, Watkin's Tower vẫn sẽ là tòa nhà cao nhất London cho tới ngày hôm nay.

Đỗ An (Theo CNN)