4 phương án linh hoạt
Theo Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án.
Theo đó, phương án 1 là tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ-ăn tại chỗ-nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
Phương án 2 là tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường-2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường-2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).
Phương án 3 là cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường-2 địa điểm.” Cuối cùng là phương án 4 là tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như dựa trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (Huba) và các Hội ngành nghề, UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành kế hoạch "Hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh."
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp |
Kế hoạch này đặt ra mục tiêu khẩn trương huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh những nơi có nhu cầu, đảm bảo điều kiện an toàn theo tiêu chí của UBND thành phố.
UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo dõi sát tình hình hoạt động; đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người lao động.
Cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố phụ trách các lĩnh vực cập nhập những chính sách hỗ trợ mới. Từ đó, đề xuất triển khai ngay với những hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động tiếp cận chính sách hỗ trợ này.
UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương phối hợp liên ngành tham mưu phân loại doanh nghiệp theo mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đề xuất tiêu chí xác định doanh nghiệp cần tập trung hỗ trợ.
Hơn nữa, Sở Công Thương và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cùng đơn vị liên quan sớm tham mưu, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quy chuẩn hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch để doanh nghiệp quay lại hoạt động với lộ trình cụ thể.
Trước mắt, sở, ngành TP Hồ Chí Minh có thể nghiên cứu, triển khai thí điểm đối với một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 2.
Doanh nghiệp đồng lòng
TP Hồ Chí Minh đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Cả hệ thống chính quyền cùng với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư vốn nước ngoài và người dân đang nỗ lực, tận dụng từng ngày, từng giờ để thực hiện các biện pháp vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; quyết tâm kiểm soát dịch bệnh.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền TP Hồ Chí Minh tiếp tục linh hoạt kịp thời những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết dịch bệnh đã làm cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với ngư dân, các doanh nghiệp chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy;…
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng điều quan trọng nhất thời gian tới với ngành du lịch là làm sao mở rộng được các “vùng xanh” an toàn và biện pháp kết nối các vùng này với nhau. Cùng với đó, chuẩn bị, thí điểm cho việc mở cửa với thế giới khi Việt Nam tiêm đủ vaccine cho đa số người dân.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), cho biết hội đã có báo cáo nhanh và kiến nghị giải pháp hỗ trợ sản xuất, lưu thông ổn định trong thời gian tới cho ngành lương thực thực phẩm.
Đặc biệt, FFA đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh thành lập “Tổ phản ứng nhanh của Thành phố Hồ Chí Minh” trên cơ sở có sự tham gia của Lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế, Sở Công Thương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC).
Tổ tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp và ưu tiên kết hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc Ủy ban Nhân dân quận, huyện triển khai hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc.
Vượt qua những khó khăn, báo cáo của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2021 tăng 2,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp.
Còn ngành công nghiệp cấp II có 22/30 ngành đạt chỉ số đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, nhóm ngành có mức tăng cao như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất kim loại; công nghệ chế biến, chế tạo khác; sản xuất thiết bị điện; sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính và sản phẩm quang học.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Bảo An