Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm tổ trưởng.
Theo quyết định, tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với TP.HCM và các địa phương phía Nam, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan trong công tác quản lý của Bộ Xây dựng.
Bệnh viện dã chiến số 6 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) là nơi thu dung hơn 4.000 ca F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được phát hiện, sàng lọc đưa đến điều trị vừa được đưa vào hoạt động |
Bên cạnh đó, tổ công tác hỗ trợ các địa phương chuẩn bị phương án, xây dựng các bệnh viện dã chiến, thiết lập các khu cách ly để phòng chống dịch COVID-19.
Đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp để duy trì hoạt động xây dựng trên địa bàn được liên tục; nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp bảo đảm việc cung ứng dịch vụ công ích đô thị, tránh bị gián đoạn.
“Tuỳ tình hình thực tế có thể huy động lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ hoặc các tổ chức, chuyên gia để tham mưu, triển khai những vấn đề cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tổ công tác được phép trưng dụng các phương tiện hiện có trong các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đóng tại các địa phương để phục vụ công tác” – quyết định nêu.
Tổ công tác đặc biệt được Bộ Xây dựng thành lập trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19. Từ 0h ngày 9/7 toàn TP.HCM đã thực hiện Chỉ thị 16 trong 15 ngày.
Hiện các địa phương phía Nam đã và đang xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến, đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, riêng TP.HCM đã thiết lập 12 bệnh viện dã chiến với hơn 34.500 giường. Dự kiến trong những ngày tới, nhiều bệnh viện sẽ tiếp tục đi vào hoạt động.
Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng các bệnh viện dã chiến đã có hướng dẫn cụ thể, do Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, Viện khoa học Công nghệ Xây dựng biên soạn.
Trong đó, phương án thứ nhất là xây dựng bệnh viện dã chiến trong điều kiện tận dụng, cải tạo các công trình có sẵn. Phương án thứ hai áp dụng khi xây mới trên nền đất trống.
Các khu chức năng trong bệnh viện dã chiến được bố trí theo nguyên tắc một chiều, đáp ứng nhu cầu thu dung, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho các người bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình nhằm giúp giảm tải cho các cơ sở y tế tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng và rất nặng.
Bệnh viện dã chiến có thời gian thi công, lắp đặt không quá 14 ngày, thời gian sử dụng trong khoảng thời gian từ 4 - 5 tháng. Trường hợp cần kéo dài thời gian sử dụng thì tổng thời gian sử dụng không quá 12 tháng, đảm bảo chịu được mọi điều kiện thời tiết các mùa.
Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu 7 bộ thành lập tổ công tác đặc biệt phía Nam để hỗ trợ các tỉnh trong phòng chống dịch COVID-19 và giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền.
Hồng Khanh
Bên trong nơi điều trị hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM
Hơn 200 nhân viên y tế căng mình chăm sóc hơn 4.000 ca F0 tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM).