Đơn vị nhận trông giữ xe tại cơ sở 1, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), 131 Lương Nhữ Hộc, đã mạo danh nhà trường để ăn chặn của mỗi sinh viên số tiền lên tới vài trăm ngàn đồng.
Thông báo thu tiền trông giữ xe của ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cơ sở 1. Ảnh: Thanh Niên |
Thu tiền trái quy định
Từ cuối tháng 8/2012, sinh viên học tại cơ sở 1, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), 131 Lương Nhữ Hộc, đã nghe râm ran bãu trông giữ xe sẽ thu tiền giữ xe cả năm. Khi sinh viên vẫn còn hồ nghi thì đúng ngày 1/9, sinh viên đến trường đưa xe vào bãi giữ đều nhận được một tờ thông báo khổ giấy A6 từ nhân viên giữ xe. Theo đó, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) thông báo đến toàn thể sinh viên hệ chính quy hiện đang học tại cơ sở 1 ở 131 Lương Nhữ Hộc nộp tiền giữ xe máy, xe đạp năm học 2012 – 2013 từ ngày 1 đến 5/9. Nhưng điều khiến sinh viên nghi ngờ là hướng dẫn “nộp tiền cho nhân viên giữ xe tại cổng bãi xe” nhưng trên thông báo không có chữ ký và con dấu của lãnh đạo trường hoặc cán bộ có thẩm quyền.
Theo thông báo mập mờ này, số tiền giữ xe cả năm mà sinh viên năm thứ nhất phải nộp là 192.000 đồng/ xe đạp, 384.000 đồng/ xe máy. Sinh viên năm thứ hai và năm thứ ba có cùng mức nộp cao nhất trong các khóa là 216.000 đồng/ xe đạp, 432.000 đồng/ xe máy. Mức nộp của sinh viên năm tư là 168.000 đồng/ xe đạp, 336.000 đồng/ xe máy, được các sinh viên nhận định là thấp nhất trong tất cả các khóa. Tuy nhiên, chỉ cần nhẩm tính cũng biết mức giá thấp nhất này vẫn cao hơn quy định từ 1,5 tới 2 lần.
Bạn Lê Văn Thanh (quê Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam), sinh viên năm cuối, lớp CNPDL01 cho biết: “Suốt ba năm học vừa qua, tiền giữ xe là 1.000 đồng/ lượt/ xe máy hoặc 500 đồng/ lượt/ xe đạp. Nếu đến trường vào thứ Bảy, Chủ Nhật thì tiền giữ xe cao gấp đôi ngày thường”. Mặc dù số tiền không quá lớn nhưng nếu bắt sinh viên nộp một lần vài trăm ngàn đồng thì với sinh viên vùng nông thông như Thanh quả là rất khó. Đặc biệt, với tân sinh viên hay sinh viên cuối khóa đang cần chi trả rất nhiều khoản đầu năm (tiền đồ án, tài liệu, sách vở, chuẩn bị thực tập…) thì yêu cầu này càng khiến các bạn phải “đau đầu”.
Theo tính toán của sinh viên, nếu tính tối đa đi học 7 buổi/ tuần, thì tiền giữ xe đạp, xe máy lần lượt là 5.000 đồng và 10.000 đồng/ tuần, tương ứng 20.000 đồng và 40.000 đồng/ tháng. Sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ có 3 tháng nghỉ hè và một tháng nghỉ Tết. Như vậy, cả năm, mỗi bạn cần chi 160.000 đồng/ xe đạp và 320.000 đồng/ xe máy. “Vậy lý do gì bãi trông giữ xe lại đưa ra mức giá quá cao và bất hợp lý như vậy? Đó là chưa kể sinh viên năm thứ tư còn nghỉ thêm hai tháng rưỡi để đi thực tập”, nhiều sinh viên đặt câu hỏi.
Trong khi đó, thử lấy số tiền thu vượt mức nhân với hơn 4.000 sinh viên đang theo học tại cơ sở 1, trường ĐH Ngoại ngữ thì sẽ thấy lợi nhuận chênh lệch quá khổng lồ.
Vẫn giữ nguyên mức thu cũ
Ngay sau khi nhận được phản ánh, Sinh viên Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) để làm rõ vấn đề sinh viên phản ánh. Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Phan Văn Hòa tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi nhận thông tin từ Sinh viên Việt Nam. Ông Hòa cho biết, nhà trường không hề thông báo thu tiền giữ xe của sinh viên cả năm học và cũng không có chủ trương thực hiện việc đó.
Sau khi trao đổi với Công đoàn nhà trường, người phụ trách công tác hợp đồng với đơn vị trông giữ xe, ông Hòa cho biết, đơn vị trông xe đã mạo danh nhà trường khi phát hành thông báo. Ngay lập tức, Hiệu trưởng Phan Văn Hòa đã mời đại diện bãi xe lên làm việc và buộc chấm dứt ngay việc thu tiền của sinh viên.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn trường ĐH Ngoại ngữ cũng cho biết, nhà trường sẽ làm rõ đơn vị giữ xe đã thu bao nhiêu tiền của sinh viên và buộc phải hoàn trả toàn bộ. Đồng thời, trường ĐH Ngoại ngữ cũng tiến hành thông báo lại: Trong năm học 2012 – 2013, nhà trường vẫn giữ nguyên giá tiền giữ xe 1.000 đồng/ lượt/ xe máy và 500 đồng/ lượt/ xe đạp, theo quy định.
(Theo Gia Huy/ Sinh viên Việt Nam)