Vấn nạn say xỉn đã làm cho cái đói, cái nghèo của đồng bào vùng dân tộc thiểu số thêm phần dai dẳng. Để chấm dứt tình trạng này, bản Mò O Ô Ồ xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đã lập hương ước quyết tâm đuổi “con ma rượu” ra khỏi bản.
Mò O Ồ Ồ là bản nằm gần biên giới Việt - Lào thuộc xã Thượng Hóa, toàn bản có 73 hộ, 318 nhân khẩu người Rục (nhánh địa phương của dân tộc Chứt) sinh sống. Do điều kiện địa hình nằm biệt lập nên điều kiện phát triển kinh tế của đồng bào nhiều năm về trước có nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, “con ma men” đã làm cho nhiều người bỏ vườn, quên cả rẫy nên cái đói thêm dai dẳng, tình trạng này diễn ra khá phổ biến.
Trước đây, ông Cao Xuân Vinh (60 tuổi) ngày ngày sau xỉn nên sức khỏe sa sút, không làm vườn, làm rẫy được nên cuộc sống gia đình lâm vào cảnh túng quẫn.
Cuối năm 2023, bản hương ước với quyết tâm đuổi “con ma rựơu” ra khỏi bản Mò O Ồ Ồ được lập. Thời điểm đó, già làng, trưởng bản, cấp ủy, cùng với sự giúp sức của Đồn biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã họp, tuyên truyền rất nhiều cho bà con.
Bằng sự bền bỉ, các chiến sĩ Đồn biên Phòng Cà Xèng cùng với già làng, trưởng bản và người có uy tín đã thuyết phục được đồng bào, ông Cao Xuân Vinh cũng bắt đầu từ bỏ rượu.
"Khi cán bộ biên phòng và già làng, trưởng bản khuyên răn, tôi không uống rượu nữa. Bây giờ bản lại có hương ước, ai say xỉn không chấp hành là bị phạt. Tôi phải tập trung làm ruộng, nuôi con bò, con dê để lo cho con cái học hành tốt hơn", ông Vinh nói.
Ngoài gia đình ông Vinh, nhiều hộ đồng bào ở Mò O Ồ Ồ đã mạnh dạn vay vốn trồng rừng, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình mang lại thu nhập cao. Bà con không chỉ đủ ăn mà còn có tích lũy, nhiều hộ đã làm đơn tự nguyện thoát khỏi hộ nghèo. Đến nay, toàn bản Mò O Ồ Ồ đã có hơn 40 hộ gia đình thoát nghèo.
Nếp nghĩ và cách làm của đồng bào Rục có nhiều đổi mới. Cùng với sự hỗ trợ của chiến sĩ Đồn biên Phòng Cà Xèng, đồng bào Rục ở Mò O Ồ Ồ đã làm chủ canh tác được 5,3ha lúa nước, 4,7ha ngô.
Cơ bản bà con đã làm chủ được lương thực tại chỗ, sau khi kết thúc mùa vụ, nhiều người còn tham gia làm nghề bốc vác gỗ keo tràm, phụ hồ để có thêm thu nhập. Chính nhờ những nguồn thu đó, nhiều gia đình đồng bào Rục đã mua sắm được xe máy, ti vi, nâng cao cuộc sống.
Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, bà con người Rục tự hào đã nuôi được con em vào đại học, cao đẳng. Có người đi bộ đội để chung tay bảo vệ đất nước. “Em Cao Thị Lệ Hằng là nữ sinh dân tộc thiểu số đầu tiên ở xã Thượng Hóa thi đậu đại học. Ngoài ra còn có nam sinh theo học Trường Trung cấp Biên phòng, các em đều được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đỡ đầu từ khi còn bé”. ông Cao Xuân Long, Bí thư Chi bộ bản tâm sự.
“Con ma rượu” ở Mò O Ồ Ò đã bị hương ước đuổi ra khỏi bản, giờ đây không còn cảnh say xỉn nằm lăn lóc trên đường, bà con rất chăm chú ruộng vườn, vì thế mà nhiều hộ gia đình đã thoát được nghèo. Đó là thành quả sau chính sách tái định cư nói riêng và những chính sách dân tộc nói chung mà Đảng, Nhà nước ta dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua.
Và chính người Rục cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong nếp nghĩ cách làm để rồi hôm nay, ở Mò O Ồ Ồ đã có những thửa ruộng, rừng keo, đàn gà, con trâu... hiện hữu làm cho đời sống kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.