Theo Quyết định 1819 thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020 được Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ký ban hành ngày 18/10/2016, bên cạnh Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Hội đồng còn có 1 Ủy viên thường trực là Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Ngọc Hải và 6 Ủy viên Hội đồng gồm các ông: Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT; Đinh Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ hoa học và Công nghệ; Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin; Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa; Hồ Sỹ Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin; Nguyễn Hoàng, chuyên viên Vụ Kế hoạch - Tài chính.
Hội đồng có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Bộ trưởng Bộ TT&TT kết quả thực hiện.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020 được thông qua khi có ít nhất 2/3 thành viên nhất trí.
Hội đồng có tổ giúp việc gồm 9 thành viên, với Tổ trưởng là Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Ngọc Hải.
Quyết định cũng nêu rõ, nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng và thành viên Tổ giúp việc do Chủ tịch Hội đồng phân công.
Trước đó, ngày 26/8/2016, Chính phủ đã ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Chương trình mục tiêu CNTT do Bộ TT&TT làm chủ chương trình.
Tổng vốn thực hiện Chương trình là 7.920 tỷ đồng, trong đó 2.960 tỷ đồng là vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương; 370 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương; 2.540 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương; và 2.050 tỷ đồng là nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Với phạm vi triển khai là các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án thuộc đối tượng hỗ trợ đầu tư của chương trình, chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất từ trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin quốc gia và xác thực điện tử; phát triển ngành công nghiệp CNTT thông qua việc phát triển các khu CNTT trọng điểm và các sản phẩm CNTT trọng điểm.
Được thực hiện trong 5 năm từ 2016 - 2020, chương trình mục tiêu CNTT do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức triển khai có các mục tiêu cụ thể tập trung phát triển 3 lĩnh vực: Ứng dụng CNTT, An toàn thông tin (ATTT) và Công nghiệp CNTT.
Theo đó, về ứng dụng CNTT, phấn đấu đến năm 2020, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung; Đáp ứng kết nối trên 50% các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đồng thời, chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, 30% hồ sơ thủ tục hành chính của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng; hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương để kết nối các hệ thống dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng.
Về ATTT, Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2020, hơn 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án bảo đảm ATTT phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế; 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung; và tối thiểu 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giám sát ATTT mạng, trong đó ưu tiên cho các tỉnh ở địa bàn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách.
Với lĩnh vực Công nghiệp CNTT, các mục tiêu cụ thể được đề ra cho chặng đường 5 năm tới gồm có: xây dựng ít nhất 7 khu công nghiệp CNTT tập trung; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển tối thiểu 3 sản phẩm phần cứng điện tử thuộc lĩnh vực vi mạch, chíp bán dẫn; 6 sản phẩm nền tảng dùng trong cơ quan nhà nước và xã hội; 1 sản phẩm nội dung số phục vụ cơ quan nhà nước.
Phải công khai thông tin chương trình mục tiêu quốc gia
Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 41 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/11/2016. Dựa trên nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Quy chế yêu cầu chủ Chương trình, cơ quan chủ trì dự án thành phần và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia có trách nhiệm công khai thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ bằng một hoặc một số hình thức như: Phát hành văn bản đến cơ quan liên quan; Đăng trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan liên quan; Thông báo trên phương tiện đại chúng.
Nội dung công khai thông tin gồm: Quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn; tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; các chỉ tiêu kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 5 năm và hàng năm ở mỗi cấp; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, các vụ tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức tham gia quản lý, điều hành và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; các ý kiến phản hồi từ nhân dân và kết quả xử lý ý kiến phản hồi…