Đường đi tạo ra điện
Các quốc gia như Mỹ, Pháp và Hà Lan đang thử nghiệm lắp tấm pin mặt trời trên đường, tận dụng vỉa hè thành nơi sản xuất điện. Khi đó, đường không chỉ kết nối giao thông mà còn tạo ra năng lượng tái tạo.
Năm 2016, Pháp đã có con đường năng lượng mặt trời đầu tiên, tuy nhiên mức độ hiệu quả chưa cao do các tấm pin không có độ nghiêng tối ưu theo hướng mặt trời và không có thông gió khi quá nóng. Mặc dù địa phương có nhiều mây, nhưng con đường năng lượng mặt trời dài gần 10km đã sản xuất 150.000 kWh/năm, đủ để cung cấp điện cho gần 400 tủ lạnh quanh năm.
Kem từ điện gió
Hãng kem Ben & Jerry’s nổi tiếng với những hương vị độc đáo. Tuy nhiên, sữa là tác nhân lớn gây ra khí thải nhà kính (GHG). Với hãng kem này, sữa chiếm tới 53% lượng khí thải.
Năm 2011, nhà máy tại Hà Lan đã lắp các tua-bin gió để tận dụng nguồn năng lượng táo tạo. Từ đó, khi khách hàng thưởng thức kem họ không còn lo về vấn đề tác động tới môi trường.
Cá cần thang
Để đảm bảo sinh vật dưới nước có thể phát triển, một số nhà máy thủy điện đã lắp đặt thang để cá di chuyển trên thành đập. Sáng kiến này giải quyết vấn đề tiềm ẩn của thủy điện gây tác hại tới động vật. Đập có thể phá vỡ các mô hình di cư và là lý do chính khiến quần thể cá giảm 81%.
Thang dưới đập nước giúp cá di cư ngược dòng để sinh sản, bảo tồn các hệ sinh thái trong khi vẫn tạo ra năng lượng. Điều này chứng minh rằng phát triển bền vững có thể cùng tồn tại với sản xuất năng lượng.
Xứ sở địa nhiệt Iceland
Mặc dù có cái tên lạnh lẽo, Iceland vẫn nóng. Thực tế 90% nhà cửa của đất nước này được sưởi ấm bằng năng lượng địa nhiệt. Nguồn tài nguyên tái tạo này không chỉ sưởi ấm nhà cửa mà còn cung cấp năng lượng cho các suối nước nóng, cho phép người dân và du khách thư giãn trong làn nước nóng tự nhiên.
Iceland lấy toàn bộ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó 25% là địa nhiệt. Địa chất độc đáo của Iceland đã cho phép quốc gia này dẫn đầu về năng lượng tái tạo.
Máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời
Solar Impulse 2 đã đi vào lịch sử khi trở thành máy bay đầu tiên bay vòng quanh thế giới hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời.
Hoàn thành hành trình năm 2016 với đôi cánh có lắp các tấm pin mặt trời, chiếc máy bay mà không đốt một giọt nhiên liệu hóa thạch nào. Trong tương lai, hàng không một ngày nào đó có thể trở nên sạch.
Diều thủy triều tạo ra điện
Tại quần đảo Faroe, Minesto, công ty kinh doanh năng lượng biển Thụy Điển, khai thác dòng chảy dưới nước, tạo ra lực nâng thủy lực trên cánh, sau đó đẩy nó lên trên. Một bánh lái điều khiển con diều theo hình 8 quỹ đạo và khi nó quay, nước sẽ chảy qua tua-bin, tạo ra điện.
Hệ thống được lắp đặt vào cuối năm 2019. Theo Ủy ban châu Âu (EC), đại dương là nguồn năng lượng tái tạo vô tận.
(Theo Earthday)