Vườn quốc gia Bandipur (Ấn Độ) có diện tích 912km2 và 418 hố nước. Với nhiệt độ hàng ngày vượt 30 độ C, Bandipur có thảm thực vật lá khô. Các hố nước xuất hiện theo mùa mưa và dần biến mất khi hè đến. Năm ngoái, không có gió tây nam và hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều loài động vật hoang dã thiếu nước uống.
Một giải pháp cung cấp nước cho động vật là xây dựng các giếng khoan chạy bằng năng lượng mặt trời. Ban quản lý đã lắp đặt 47 giếng khoan chạy bằng năng lượng mặt trời, cung cấp nước cho động vật trong vườn quốc gia.
Với nhiệt độ hàng ngày dự kiến sẽ tăng, lượng nước bốc hơi cao hơn và nhiều hố nước sẽ khô cạn. Các bể chứa nhỏ hoặc hố nước được bơm bằng năng lượng mặt trời sẽ giúp động vật hoang dã khỏi khát.
Ramesh Kumar, Giám đốc Khu bảo tồn hổ Bandipur, cho biết nếu cần, có thể lắp đặt thêm các giếng khoan để tăng nguồn cung cấp nước. Máy bơm chạy bằng năng lượng mặt trời phát huy tác dụng trong việc bổ sung nước, giúp động vật giải cơn khát và vượt qua thời kỳ khó khăn vào mùa hè.
Những giếng khoan chạy bằng máy bơm năng lượng mặt trời này được lắp đặt thêm ở những khu vực có xu hướng thiếu nước nghiêm trọng như Omkar, Kundgere, Hediyala,...
Tương tự, ở Vườn quốc gia Nagarahole, mặc dù không nghiêm trọng như Bandipur, chính quyền lắp đặt 26 máy bơm chạy bằng năng lượng mặt trời để giúp động vật khỏi bị thiếu nước.
Tuy nhiên, việc lắp đặt các máy bơm năng lượng mặt trời trong khu bảo tồn ghi nhận một số ý kiến trái chiều. Các nhà bảo tồn cho rằng điều này ảnh hưởng tới quần thể động vật hoang dã.
Còn về phía chính quyền lại có ý kiến rằng, nếu thiếu nước động vật hoang dã sẽ di chuyển tới các khu vực con người sinh sống để kiếm nước. Cơ quan lâm nghiệp khuyến khích xác định các điểm cấp nước và lắp đặt giếng khoan cho động vật hoang dã trong rừng.
(Theo The Hindu)