
Trong quá trình vận hành, ô tô thường phát sinh điện tích tĩnh do ma sát với không khí, bụi bẩn và mặt đường. Lượng điện tích này có thể tạo ra tia lửa điện, tiềm ẩn nguy cơ gây hư hại cho các thiết bị điện tử trên xe, và đặc biệt nguy hiểm khi xe di chuyển trong môi trường dễ cháy nổ. Một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả được nhiều tài xế lựa chọn là lắp dây tiếp địa chống tĩnh điện cho xe.

Phụ kiện này thường được quảng bá với nhiều công dụng như chống giật điện, giảm bám bụi và thậm chí cải thiện cảm giác lái. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của dây tiếp địa chống tĩnh điện vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Hãy cùng VietNamNet tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

Dây tiếp địa tĩnh điện – còn gọi là dây chống tĩnh điện ô tô – thường được chế tạo từ cao su pha carbon hoặc kim loại có khả năng dẫn điện. Một đầu dây được gắn cố định vào phần khung kim loại của xe, phổ biến nhất là gần khu vực ống xả, trong khi đầu còn lại được thả tự do, chạm hoặc gần chạm mặt đất. Thiết kế này cho phép dây liên tục xả điện tích tĩnh xuống đất trong suốt quá trình xe vận hành.
Theo anh Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ HZ Auto (Nam Từ Liêm, Hà Nội), trong một số điều kiện nhất định, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô, tĩnh điện có thể khiến người dùng bị "giật nhẹ" khi chạm vào tay nắm cửa hoặc phần thân kim loại của xe. Đây là hiện tượng khá phổ biến và thường gây cảm giác khó chịu.

Bên cạnh khả năng ngăn ngừa hiện tượng giật điện, một số ý kiến cho rằng dây tiếp địa còn có thể bảo vệ các thiết bị điện tử nhạy cảm trên xe – như ECU, cảm biến hay hệ thống giải trí – khỏi tác động của tĩnh điện.
Tuy nhiên, cũng có không ít quảng cáo đã thổi phồng công dụng của phụ kiện này, chẳng hạn như khả năng giảm bụi bẩn bám vào thân xe, cải thiện chất lượng thu sóng radio hay thậm chí giúp tài xế bớt mệt mỏi khi lái xe đường dài. Theo anh Nguyễn Văn Hà, đến nay những tuyên bố này vẫn thiếu cơ sở khoa học rõ ràng và chưa được kiểm chứng một cách thuyết phục.
Hiệu quả thực tế ra sao?
Dây tiếp địa chống tĩnh điện hiện vẫn là trang bị bắt buộc đối với các loại xe chuyên dụng như xe chở xăng dầu hay xe bồn hóa chất – những phương tiện hoạt động trong môi trường có nguy cơ cao phát sinh tia lửa điện dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với các dòng ô tô con hiện đại, tính cần thiết của phụ kiện này đang bị đặt dấu hỏi.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Văn Hà, các mẫu xe đời mới ngày nay đã được thiết kế để chủ động hạn chế tĩnh điện ngay từ đầu. Lốp xe hiện đại thường chứa carbon đen – chất có khả năng dẫn điện nhẹ – giúp tiêu tán điện tích tĩnh xuống mặt đường.
Bên cạnh đó, thân vỏ và các linh kiện điện tử trên xe cũng được xử lý để chống nhiễu và chống tĩnh điện hiệu quả. Nhờ vậy, lượng điện tích phát sinh rất nhỏ, không đủ để gây ảnh hưởng đáng kể đến người dùng hay các hệ thống điện tử của xe.

Anh Hà khẳng định: "Việc lắp thêm dây tiếp địa tĩnh điện không mang lại sự khác biệt đáng kể nào mà chỉ phí tiền và công sức, dù chi phí cho phụ kiện này không quá đắt."
Vị giám đốc Trung tâm Dịch vụ HZ Auto cũng chỉ ra rằng, dây tiếp địa thường được thả lủng lẳng dưới gầm xe, vừa ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, gây tiếng động khi xe di chuyển, vừa dễ bị đứt hoặc va quệt khi đi qua các địa hình gồ ghề. Đối với các xe ô tô cá nhân vốn ưu tiên sự gọn gàng, đây là một điểm trừ lớn.
Tuy nhiên, anh Hà cũng khuyến cáo rằng, đối với những chiếc xe đời cũ hoặc có hiện tượng giật điện liên tục, đặc biệt là trong mùa đông, người dùng có thể lắp thêm dây tiếp địa như một giải pháp tạm thời. Nhưng cần lưu ý chọn loại chất lượng tốt và lắp đặt đúng cách để tránh ảnh hưởng đến xe.
Dây tiếp địa tĩnh điện không phải là thiết bị vô dụng, nhưng cũng không phải là "phép màu" như một số quảng cáo thổi phồng. Việc chăm sóc và bảo dưỡng ô tô đúng cách, sử dụng các bộ phận chất lượng mới là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành.
Thực tế, đối với các mẫu xe con hiện đại, dây tiếp địa chỉ nên được xem như một phụ kiện tùy chọn, hỗ trợ chứ không phải là yêu cầu bắt buộc.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
