Trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, một trong những chỉ tiêu quan trọng về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học, đó là 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần... Ngoài ra, 50% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi.

Tuổi vị thành niên là thời kỳ phát triển đặc biệt, được xem là phức tạp nhất, với hàng loạt những biến đổi nhanh chóng cả về thể chất, tâm lý và các mối quan hệ xã hội, giai đoạn được xem như "chuyển giao" từ trẻ em thành người trưởng thành. 

Trong giai đoạn này các em thích thử nghiệm điều mới mẻ, khám phá năng lực bản thân, mở rộng mối quan hệ. Vị thành niên liên tục đối mặt với những thách thức nếu không được quan tâm, giáo dục đúng cách sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ lệch lạc về đạo đức, lối sống, học tập...  

tuyentruyen-1.jpg
Tìm kiếm sáng kiến chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên, vị thành niên được nhiều tổ chức thực hiện. 

Trong nội dung về sức khỏe sinh sản, nếu không được tuyên truyền, giáo dục đúng cách, các em rất dễ có các nguy cơ quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn… 

Khảo sát vào năm 2021 của UNICEF cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỷ lệ này ở nữ giới cao hơn, khoảng 0,9%. Thậm chí, có đến 8,9% nữ từ 15-19 tuổi đã quan hệ tình dục với bạn tình hơn mình 10 tuổi.

Trong tất cả hơn 4.700 hồ sơ đình chỉ thai nghén tự nguyện trong năm 2022 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có 51 hồ sơ là trẻ vị thành niên, chiếm hơn 1% tổng số ca phá thai tại viện trong năm. Tuổi thai trung bình của 51 ca này là 13,5; thấp nhất là 6 tuần, cao nhất là 25. Trong số 51 trẻ vị thành niên phá thai này, 27 trường hợp thai 3 tháng đầu, chiếm gần 53%, số còn lại là phá thai to trên 12 tuần.

Thực tế, tại nhà trường, mặc dù đã có các môn học như Sinh học, Giáo dục công dân, sinh hoạt ngoại khóa nhưng những kiến thức về giáo dục giới tính, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản mới dừng lại ở lý thuyết. Những khoảng trống chưa được lấp đầy trong nhận thức, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người chưa thành niên gây ra nhiều hệ lụy.

Những năm gần đây, tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên gia tăng. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy tỷ lệ này ở Hà Nội là 0,4%, trong khi năm 2022, con số là 1,08%. 

Theo bác sĩ Hà Duy Tiến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tác giả chính của nghiên cứu trên đây, tỷ lệ phá thai to trên 12 tuần vẫn ở mức cao, phản ánh việc trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, phát hiện có thai muộn khi thai đã lớn hoặc do tâm lý lo sợ nên phân vân, chần chừ. Phá thai ở tuổi thai muộn làm tăng nguy cơ thất bại và các tai biến của thủ thuật, đặc biệt ở trẻ vị thành niên. 

Độ tuổi trung bình của các "thai phụ nhí" trong nghiên cứu là 15,7; tuổi nhỏ nhất là 12 tuổi, lớn nhất là gần 18; có 2 trẻ không đi học. Trong 51 trẻ này, một trường hợp từng có tiền sử phá thai.

Chỉ 3 trẻ vị thành niên (6%) sử dụng biện pháp tránh thai, điều này cho thấy trẻ thiếu kiến thức tránh thai. Nhóm nghiên cứu cho rằng giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên không chỉ dừng ở giáo dục giới tính, mà còn cần tuyên truyền tình dục an toàn, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sinh sản sớm và phá thai an toàn...

Mục tiêu quan trọng trong truyền thông, giáo dục sức khỏe sinh sản đối với trẻ vị thành niên đó là trang bị cho các em học sinh nữ kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi tâm sinh lý, cách tránh bị lạm dụng tình dục, hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm, cách quan hệ tình dục an toàn, phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn…

Lương Bằng và nhóm PV, BTV