Mới đây, bài viết Chồng kiên quyết không cúng bố mẹ vợ trong nhà, chỉ đặt ban thờ ở góc sân đã thu hút nhiều ý kiến bình luận của độc giả.

Đa số không ủng hộ cách làm của người chồng vì cho rằng, đã là vợ chồng thì nên tôn trọng bố mẹ cả hai bên. Nhiều người còn "bày" cách giúp người vợ sắp xếp chuyện thờ cúng bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng một cách vẹn toàn. 

thocung.jpg
Chuyện thờ cúng bố mẹ hai bên khiến vợ chồng mâu thuẫn. Ảnh: AI

Giữ tròn đạo hiếu với cả hai bên nội, ngoại

Độc giả Nguyễn Hưng bình luận: "Con cái phải giữ tròn chữ hiếu với bố mẹ. Bạn là con gái duy nhất thì càng nên làm việc đó.

Nếu đó là nhà thờ dòng tộc bên chồng bạn thì hơi khó. Còn nếu đó là nhà riêng của vợ chồng bạn thì việc này không liên quan gì cả. Bạn phải thờ bố mẹ cả hai bên mới đúng đạo làm con".

"Là đàn ông, bạn nên coi cha mẹ vợ cũng là cha mẹ mình vì họ đã có công dưỡng dục vợ bạn. Huống hồ họ còn giúp đỡ bạn lập nghiệp. Nhờ đó, bạn mới có được thành công như hiện tại. 

Chuyện thờ cúng là để tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Ai cũng có cội nguồn... Nếu làm ngơ, không thờ cúng bố mẹ thì con cái là người bất hiếu. Bạn muốn biến vợ thành người bất hiếu sao mà hành xử như vậy", độc giả Xuân Vụ Hà chia sẻ.

Không ít người cho biết mình đang thờ cúng họ nhà ngoại trên bàn thờ chung của gia đình. 

Độc giả Thấy Lê Văn chia sẻ: "Tôi đang cúng cụ ngoại trên ban thờ chung của gia đình, ai bảo không được? Ông nội tôi từng cúng bố vợ vì cụ không có con trai. Sau này bố tôi tiếp tục cúng ông ngoại, đến nay tôi cúng cụ ngoại, có sao đâu".

Cách làm này cũng nhận được sự tán đồng của không ít người.

Bạn Lê Thảo viết: "Mình là con một trong gia đình. Mình lấy chồng từ 7 năm trước. Khi bố mẹ mình mất, mình bàn với chồng đưa ảnh ông bà về thờ, hàng năm tổ chức giỗ chạp. Chồng mình rất thoải mái với việc đó.

Sau bố mẹ chồng mình cũng qua đời, dù có bàn thờ ở quê nhưng mình vẫn nói với chồng làm một bàn thờ cạnh bàn thờ bố mẹ mình. Ngày rằm, mùng 1 hay giỗ chạp đều cúng bái đàng hoàng.

Năm nào chúng mình cũng về quê giỗ bố mẹ chồng nhưng ở nhà riêng vẫn làm cỗ trước hoặc thắp hương. Bố mẹ đẻ chỉ có mình là con gái duy nhất nên mình làm giỗ to hơn. Chồng không ý kiến còn rất cảm phục vợ".

Mỗi người có một quan điểm khác nhau về chuyện thờ cúng và nhiều người cho rằng, người chồng yêu thương vợ thì nên tôn trọng bố mẹ vợ ngay cả khi họ đã khuất. 

“Nếu thực sự đã yêu vợ thì nên tôn trọng bố mẹ vợ. Ai cũng có cha có mẹ, mình được tưởng nhớ bố mẹ, tại sao lại không cho vợ làm điều đó?

Không lẽ mỗi dịp giỗ chạp, ngày rằm, mùng 1, Tết lại để vợ khóc hết nước mắt nhớ bố mẹ mà không biết thắp hương ở đâu sao?”, độc giả Nguyễn Bình chia sẻ. 

Một số người khuyên cô vợ nên tìm cách nói chuyện để chồng hiểu ra vấn đề. Nếu không thể đặt bàn thờ chung một gian với bố mẹ chồng thì có thể lập thêm một gian thờ khác, tránh để bàn thờ ngoài sân. 

“Nhà là của chung, là công sức của hai người mới có được, không phải là nhà của bố mẹ chồng bạn để lại. Vậy nên, bạn hãy thể hiện mình cũng là chủ nhà và cũng có quyền quyết định mọi việc.

Bạn thử nghĩ xem, để bàn thờ của bố mẹ bạn ngoài sân, đến lúc họ hàng đến chơi, họ sẽ nghĩ gì về chồng bạn? Lựa lời nói với nhau để chồng hiểu và nhất quyết phải ‘đưa’ bố mẹ vào trong nhà thờ dù bằng cách nào đi chăng nữa.

Đừng để đến lúc bạn lại cảm thấy áy náy với vong linh của cha mẹ. Tâm không yên thì không thể làm việc hanh thông được. Chữ hiếu đặt lên đầu để con cái bạn nhìn vào noi gương”, bạn Nguyễn An viết.

Thông gia không nên "ở" cùng nhau

Không ít độc giả ủng hộ suy nghĩ của người chồng và cho rằng phụ nữ lấy chồng thì phải theo chồng. Độc giả Kiến An bình luận: "Bạn lấy chồng thì phải theo tục nhà chồng và tôn trọng chồng.

Nhiều người có quan niệm bố mẹ chồng, bố mẹ vợ thờ chung một nhà là không nên vì xưa nay thông gia không 'ở' cùng nhau. Việc thờ chung nhà sẽ 'phạm' và gia đình dễ nảy sinh mâu thuẫn". 

Đồng quan điểm với độc giả Kiến An, độc giả Mai Như Nguyễn chia sẻ: "Tôi là phụ nữ nhưng tôi nghĩ không nên chỉ trích người chồng. Ai cũng có lý lẽ riêng và anh chồng cũng vậy. Bạn nên xem xét chuyện hôn nhân của mình từ nhiều góc độ chứ không nên vì một chuyện này mà chán nản, nghĩ đến chuyện ly hôn.

Quan trọng trong quá trình chung sống, anh ấy có phải người tốt, yêu thương vợ con không. Nếu không có vấn đề gì thì đừng vì chuyện thờ cúng cha mẹ mà bỏ đi người chồng tốt.

Quan điểm là ở mỗi người và chồng không thích như vậy thì bạn nên tìm cách giải quyết khác thay vì phá vỡ hạnh phúc vì chuyện này". 

"Tôi cũng cho rằng 'thông gia không nên 'ở' cùng nhau'. Dù có lập bàn thờ riêng thì vẫn ở chung nhà. Bạn có thể đưa ảnh bố mẹ lên chùa để thờ cúng là chuyện hợp lý.

Tôn trọng tổ tiên, người đã khuất là việc tốt nhưng không có nghĩa là vì người đã khuất mà ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của bạn", độc giả Nguyễn Thịnh bày tỏ quan điểm. 

"Xưa nay con gái đi lấy chồng thì phải theo nhà chồng, hiếm khi được làm theo ý mình. Thời nay tư tưởng có hiện đại hơn nhưng có lẽ chồng bạn vẫn giữ suy nghĩ cũ, không muốn thờ bố mẹ vợ khi trong nhà có bàn thờ bố mẹ chồng.

Bạn cần tôn trọng chồng cũng là tôn trọng cuộc sống của bạn. Bạn có thể không đưa ảnh của bố mẹ đẻ về thờ nhưng ngày cúng, giỗ nhớ đến bố mẹ mà thắp nén nhang là được", độc giả Thanh Mai bình luận. 

(Tổng hợp)

Mời độc giả chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này qua bình luận phía cuối bài hoặc gửi về địa chỉ email: [email protected].