"Mỗi ngày tôi lo xoay tiền để trả nợ"
Kể từ tháng 5, hầu như đêm nào Jane Zeng cũng lo lắng đến mất ngủ khi chồng cô nói về khoản nợ "khủng" mà gia đình cô đang gánh.
Trong những năm qua, chồng của Zeng đã liên tục vay tín dụng để mua một căn hộ 3 phòng ngủ rộng 70 m2, 2 căn hộ condo ở Thâm Quyến và một khoản vay thế chấp bằng chính các tài sản trên cho các khoản đầu tư tài chính khác.
Mặc dù tổng giá trị thị trường các bất động sản của gia đình Zeng đã vượt quá 18 triệu nhân dân tệ (tương đương 63,6 tỷ đồng), khoản tiết kiệm của họ chỉ còn 200.000 nhân dân tệ (hơn 700 triệu đồng). Trong khi đó, mỗi tháng họ cần đến 60.000 nhân dân tệ (210 triệu đồng) để trả lãi ngân hàng cho các khoản vay gần 10 triệu nhân dân tệ (35 tỷ đồng).
"Nợ nần đã làm chất lượng cuộc sống gia đình tôi đi xuống. Ngoại trừ những khoản học phí cho các con ở trường quốc tế, tôi đang cố hết sức để giảm chi phí sinh hoạt xuống còn 5.000 nhân dân tệ/tháng (17,5 triệu đồng/tháng)", người phụ nữ ở độ tuổi 40 cho hay.
"Các bất động sản đang tăng giá nhưng tôi vẫn cảm thấy không ổn chút nào. Mỗi ngày tôi đều lo làm sao để xoay đủ tiền trả nợ cho tháng tới", Zeng nói.
Tình trạng của gia đình Zeng là dấu hiệu cho thấy mức nợ của các hộ gia đình ngày càng tăng ở Trung Quốc. Điều này có nguy cơ làm suy yếu đà hồi sinh chi tiêu tiêu dùng mà chính phủ Trung Quốc kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong nửa cuối năm nay.
Đua vay nợ để đầu tư chứng khoán
Có nhiều lý do khiến nợ hộ gia đình ở Trung Quốc tăng mạnh, nhưng lý do chính là nhiều hộ gia đình trung lưu ở nước này đang vay nặng lãi để đầu tư vào thị trường chứng khoán khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục từ đại dịch.
Việc tái thế chấp các tài sản hiện hữu cho các khoản đầu tư đã khiến nhiều người rơi vào tình trạng mất khả năng trả lãi các khoản vay, buộc họ phải bán các tài sản hiện có với giá rẻ để có tiền trả nợ.
Một lý do khác nữa là nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch, đang phải sử dụng các khoản vay cá nhân để duy trì hoạt động kinh doanh. Còn những người khác lại vay để trang trải cuộc sống trên các ứng dụng cho vay.
Cho dù là lý do gì thì việc trả lãi cho các khoản vay này đang bào mòn thu nhập của họ, tác động đến chi tiêu tiêu dùng - một yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, chính phủ Trung Quốc đã tăng gấp đôi kế hoạch chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư sang mô hình tập trung hơn vào thị trường nội địa. Nhưng khi nợ hộ gia đình tăng lên, nhiều lo ngại cho rằng kế hoạch có thể gặp khó.
Báo động nợ tăng nhanh trong các thành phần kinh tế
Nợ hộ gia đình tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Trung Quốc đang ở mức 62% vào cuối quý II, giảm nhẹ so với quý I và mức đỉnh lịch sử 62,2% vào cuối năm ngoái. Cuối năm ngoái, nợ hộ gia đình của nước này tính theo phần trăm thu nhập khả dụng đã đạt mức cao kỷ lục 130,9%.
Nhiều gia đình tại Trung Quốc thừa nhận dòng tiền của họ đã đến mức báo động, họ đang rất chật vật để giảm bớt nợ nần.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tháng trước đã bất ngờ thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng, đưa khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 154,6 tỷ USD) vào lưu thông. Theo giới phân tích, động thái này cho thấy Bắc Kinh đang hành động khẩn cấp để giảm chi phí vay và giảm áp lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với các doanh nghiệp tư nhân, khu vực sử dụng lao động lớn nhất nước này, việc cắt giảm RRR được coi như là một nỗ lực nhằm giải quyết thị trường việc làm đang khó khăn và nợ hộ gia đình đang ngày gia tăng.
Đối với Zeng, việc cắt giảm RRR là một tin tốt. Cô hy vọng điều này sẽ gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường bất động sản Thâm Quyến, giúp gia đình cô bán được căn hộ 3 phòng ngủ ở đây với giá 8-9 triệu nhân dân tệ để trang trải nợ nần.
"Trong 2 năm qua, những gia đình giàu có và thượng lưu mà tôi biết đều gia tăng đòn bẩy tài chính đối với bất động sản và chứng khoán", chồng của Zeng cho hay và nói thêm: "Những khoản vay và đòn bẩy đang chồng chất lên nhau. Nếu bạn không gia tăng tài sản, bạn sẽ tụt hậu. Tất nhiên, rủi ro cũng tăng lên nhưng không ai dám hạ tỷ trọng đòn bẩy, kể cả những người giàu".
Một số nhà phân tích cho rằng, tình trạng nợ hộ gia đình tăng vọt có thể sẽ giảm dần trong nửa cuối năm nay, đặc biệt sau khi chính phủ Trung Quốc ban hành các biện pháp giảm thiểu những rủi ro tín dụng.
Tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm nay được hầu hết các nhà phân tích dự báo sẽ dễ dàng đạt trên 8%, nhưng một số yếu tố có thể khiến tốc độ chậm lại như tình trạng già hóa dân số, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng giảm và tình trạng nợ xấu ở các địa phương và doanh nghiệp. Nợ của các hộ gia đình tăng vọt ảnh hưởng đến tiêu dùng cũng là điều đáng lo ngại.
Theo báo cáo phân tích tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc năm 2021 và dự báo giữa năm của Viện nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải, nợ hộ gia đình của Trung Quốc, kể cả các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, tiếp tục tăng cao với khoản tín dụng mới được cấp cho khu vực hộ gia đình lên tới 3.700 tỷ nhân dân tệ trong 5 tháng đầu năm. Con số này tăng 1.100 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 700 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước đại dịch.
Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trong khối doanh nghiệp của nước này cũng đạt mức cao nhất trong những năm gần đây và không thay đổi kể từ năm 2020, theo báo cáo. Giá hàng hóa tăng cao đã bào mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn.
Theo Công ty chứng khoán Hongta Securities, biên lợi nhuận hoạt động - một hệ số cho biết một đồng doanh thu tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận trước thuế và lãi vay - của các công ty tư nhân đã giảm từ 5,33% vào cuối năm ngoái xuống còn 4,94% trong tháng 3.
Ông Raymond Hu (50 tuổi) đang điều hành một công ty in ấn và dịch thuật ở Quảng Châu là một trong những người đang phải oằn lưng gánh nợ để vượt qua khó khăn do đại dịch. Hồi tháng 6, ông đã phải thế chấp căn hộ 3 triệu nhân dân tệ của mình để cứu doanh nghiệp .
"Nếu không làm vậy, tôi sẽ phải đóng cửa công ty đã hoạt động hơn một thập kỷ này", ông Hu nói và cho biết thêm công ty ông đã lỗ hơn 1 triệu nhân dân tệ kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Thế hệ trẻ cũng nợ nần chồng chất
Không chỉ các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa mà những người lao động nhập cư, những người thuộc thế millennial, thế hệ Z cũng đang nợ nần chồng chất.
Wang Yan - một người chế tạo máy chế biến ngũ cốc - cho biết: "Hầu hết công nhân nhập cư trong nhà máy của chúng tôi đều mắc nợ vì mua nhà hoặc sắm của hồi môn cho đám cưới".
"Chi phí để sắm của hồi môn cho đám cưới ở quê tôi và các làng quê nông thôn ở Đông Bắc Trung Quốc thường ngốn ít nhất 250.000 nhân dân tệ. Đó là một gánh nặng lớn đối với số đông các gia đình ở nông thôn", Wang nói.
Không giống như các thế hệ trước, thế hệ trẻ Trung Quốc hiện đang sử dụng các ứng dụng cho vay trên điện thoại di động và thẻ tín dụng để vay tiền.
Tháng 6/2020, các khoản thanh toán thẻ tín dụng quá hạn trên 6 tháng đã tăng lên 85,4 tỷ nhân dân tệ, gấp 10 lần so với một thập kỷ trước. Khoảng một nửa trong số này là do những người thuộc thế hệ sinh năm 1990 sử dụng, theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Tang Ying, một người dân sống tại Quảng Châu với mức thu nhập 4.800 nhân dân tệ mỗi tháng đã nợ khoảng 18.000 nhân dân tệ thông qua các nền tảng cho vay chỉ trong 4 tháng thất nghiệp năm ngoái. Hiện hàng tháng cô phải chật vật trả cả gốc lẫn lãi với lãi suất 16%/năm. "Tôi đã cố gắng cắt giảm chi tiêu nhưng các khoản nợ vẫn chồng chất", cô nói.
Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro tài chính do nợ nần gây ra, các hộ gia đình khi được hỏi đều cho biết họ tin tưởng vào tình hình kinh tế của đất nước, đặc biệt là sau khi đã hồi phục trở lại sau đại dịch.
"Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn đang tốt nhất, điều đó mang đến cho chúng tôi sự tự tin dù mắc nợ rất nhiều", Zeng nói.
(Theo SCMP/ Dân Trí)
Trung Quốc sắp đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu nhân lực
Theo chính phủ Trung Quốc, lực lượng lao động của nước này sẽ giảm 35 triệu người trong vòng 5 năm tới.