- Cả hai quốc gia láng giềng của Việt Nam là Lào và Campuchia cũng đang lên kế hoạch xây dựng những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Lào: Nga ký thỏa thuận xây dựng nhà máy

Từ tháng 8/2015, đã có những thông tin rằng Cơ quan Nguyên tử Nga Rosatom và các quan chức Lào đã đàm phán để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á. Cuộc đàm phán được thiết lập theo hướng Nga sẽ xây cho Lào hai lò phản ứng hạt nhân 1000 MWe trên cơ sở nguyên tắc xây dựng-vận hành-chuyển giao.

Và mới đây, ngày 14/4/2016, theo Sputniknews, một Bản ghi nhớ đã được ký kết tại Moscow giữa Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyên tử Nga Rosatom, ông Kirill Komarov và Thứ trưởng Bộ năng lượng Lào, ông Sinava Souphanouvong. Bản ghi nhớ được ký kết dưới sự chứng kiến của Tổng giám đốc Rosatom Sergei Vladilenovich Kiriyenko và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad nhân dịp ông ở thăm nước Nga.

Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ vừa ký kết, các bên dự kiến thiết lập hợp tác trong lĩnh vực thiết kế, trang bị và vận hành lò phản ứng điện hạt nhân. Trước hết là tiến hành các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, an toàn hạt nhân và phóng xạ, hạt nhân phục vụ y học và đào tạo nhân lực chuyên môn. Và, đồng thời, các bên cũng có kế hoạch chuẩn bị cho việc ký kết Thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; bao gồm điện hạt nhân.

{keywords}

Đập thủy điện Nặm Ngừm (Lào) xả nước cứu hạn tại hạ lưu sông Mekong. Ảnh: TTXVN.

Lào hiện nay là một trong những nước dẫn đầu Đông Nam Á về thủy điện và cung cấp điện cho các nước láng giềng, cụ thể là Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Trước đó, Lào đã ký thỏa thuận cung cấp điện cho Việt Nam với tổng công suất 5 GW (Ghêga Oát). Mức xuất khẩu sang Thái Lan dự kiến sẽ lên tới 10 GW. Cả Singapore cũng có thể là khách hàng tiềm năng mua điện của Lào.

Không dừng ở đó, nước Lào đang có hơn 80 dự án xây dựng các nhà máy điện mới, để sau khi hoàn thành sẽ đưa tổng công suất xuất điện của Lào lên mức khoảng 22 GW.

Và bây giờ, với sự hợp tác cùng nước Nga - một siêu cường hạt nhân, điện hạt nhân cũng là nguồn điện hấp dẫn mà nước Lào đang hướng tới.

Campuchia: Điện hạt nhân Nga xây, tiền vay Trung quốc

Theo tin Reuter, cuối năm vừa rồi, ngày 25.11.2015, trong chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, người đứng đầu Tập đoàn Nguyên tử Nga Rosatom Sergei Kirienko cho biết: nước này sẽ giúp Campuchia xây dựng một nhà máy điện hạt nhân.

Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Nga hỗ trợ Campuchia về kinh nghiệm chuyên môn, nghiên cứu và đào tạo. Ông Sergei Kirienko cho rằng tốt nhất là bắt đầu với một lò phản ứng nghiên cứu và một trung tâm nghiên cứu ở Campuchia, tương tự với một bản thỏa thuận với Bolivia.

Campuchia là một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu và năng lượng nhập khẩu. Giá điện tại Campuchia đắt nhất trong khu vực Đông Nam Á, và thường khiến nhiều nhà đầu tư vào nước này phàn nàn. Theo Reuter, ông Kirienko nói với báo giới: “Chính phủ Campuchia đang xem xét việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trong tương lai”. Ông còn cho biết thêm: "Những nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với một vấn đề quan trọng đó là sử dụng nguồn năng lượng giá rẻ và đảm bảo".

Hiện nay, đất nước Đông Nam Á này đang tìm kiếm nguồn đầu tư nước ngoài khoảng 3 tỷ USD để xây dựng 6 nhà máy thủy điện vào năm 2018 nhằm mục đích đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong nước tăng cao. Đồng thời, Campuchia theo đuổi tham vọng tiến hành nghiên cứu công nghệ năng lượng hạt nhân, nhằm theo kịp các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.

{keywords}

Nhà máy thủy điện Kirikom III công suất 18 MW ở tỉnh Koh Kong (Campuchia). Ảnh: Sac-world.com.

Nhưng, với tiềm năng nhân lực, Campuchia cũng không dễ dàng tiếp cận ngay loại công nghệ phức tạp và hiện đại này. Ngoài ra, tiềm năng tài chính cũng là câu hỏi khó đối với đất nước Chùa Tháp.

Vậy lối ra ở đâu? Theo Khmer Times ngày 23.12.2015, sau khi sơ bộ bàn chuyện hợp tác với Nga về công nghệ hạt nhân, Thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ tài chính. Và nước lớn này đã tỏ rõ sẵn sàng cho vay khoản tiền lớn để trang trải cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân!

Sự kiện hai nước nhỏ thuộc “Liên bang Đông Dương” cũ trên đây háo hức bước vào con đường điện hạt nhân cũng khiến cho những người quan tâm thời cuộc không khỏi ngạc nhiên. Dĩ nhiên con đường mới này không hẳn chỉ có trơn tru, bằng phẳng.

Một cựu thành viên khác của “Liên bang” nói trên đã đặt chân trước trên con đường ấy, đã trải qua Quy hoạch Điện VII và nay đang tiếp tục với Điện VII điều chỉnh.

Ba nước láng giềng sẽ học tập kinh nghiệm của nhau.

Trần Minh