Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 28/11, lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã trả lời những vấn đề liên quan đến việc mở hai ngành Y đa khoa và Dược học của nhà trường, gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua.

“Chúng tôi chưa đút lót ai cả"

“Tại sao sau 20 năm hoạt động chúng tôi lại xin phép mở ngành y, dược?” – đặt câu hỏi và tự trả lời, ông Phương cho biết việc này đã được lãnh đạo trường suy nghĩ và quyết định từ năm 2012. “Lý do là tỉ lệ bác sĩ còn quá thấp. Tỉ lệ dược sĩ cũng chỉ là 1,5 người/ 1 vạn dân, 90% thuốc là nhập khẩu…”.

{keywords}
GS Trần Phương (Ảnh Văn Chung)

Ông Phương nói trường đã xin phép Bộ từ 2,5 năm trước; còn quá trình chuẩn bị gần 3,5 năm để thỏa thuận với gần 100 GS, PGS, TS, ThS; đồng thời bỏ ra vài chục tỉ đồng sửa sang cơ sở vật chất. 

Trước thắc mắc tiêu cực vì đang tạm dừng cấp phép mà Bộ GD-ĐT lại có quyết định cho trường mở ngành, ông Phương khẳng định “Từ khi mở trường đến nay, chúng tôi chưa đút lót ai cả. Thậm nhà trường còn có quy định cấm sinh viên tặng quà cho giảng viên. Chúng tôi chống tiêu cực triệt để bằng việc không cho ai đút lót mình và mình không đút lót ai".

“Tôi ngoại đạo, nhưng trưởng khoa thì không”

Ông Trần Phương cũng giải thích những ý kiến cho rằng trường là "ngoại đạo" trong đào tạo y dược.

"Với ngành y, dược, đúng là tôi và cả ban giám hiệu hiện nay là ngoại đạo. Nhưng nhìn vào các khoa thì không phải thế. Các khoa thực chất là trường con của một trường lớn. Với khoa y, dược, hiệu trưởng như tôi chỉ lo hậu cần, hay nói nôm na là điếu đóm. Dạy như thế nào là việc của các trưởng khoa.

Trưởng khoa Y của chúng tôi có chủ nhiệm khoa là GS. TSKH Lê Anh Tuấn, nguyên giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Các Phó chủ nhiệm khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội kiêm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế; GS.TS Phạm Vinh Quang, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Phẫu Thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện 103, Học viện Quân y.

Chủ nhiệm khoa Dược là PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế. Phó chủ nhiệm khoa là TS Lê Ngọc Phan, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2”.

{keywords}
Từ trái sang: PGS Lê Văn Truyền, PGS Nguyễn Văn Tường (Ảnh Văn Chung)

"Không khó tìm thêm 3 tiến sĩ"

Ông Trần Phương cũng đưa ra lý giải vì sao chưa đủ số lượng GS, TS, bác sĩ để đảm bảo mở ngành y đa khoa như yêu cầu của Bộ Y tế.

Theo quy định của Bộ Y tế, để mở ngành Y đa khoa cần có 50 giảng viên, trong đó có 6 người là GS, PGS, TS thuộc 6 bộ môn quan trọng nhất. “Chúng tôi đã chuẩn bị, thảo thuận với 47 người và GS, PGS, TS, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ chuyên khoa I, ThS.

Có người bảo 47 là chưa đủ. Đúng là chưa đủ. Nhưng để dùng được hết 50 người này phải cần tới 6 năm. Nên nếu tôi mời về đủ, dù có trả lương họ cũng không nhận vì có làm gì đâu.

Chúng tôi chuẩn bị đủ lực lượng cán bộ giảng viên trong 2 năm trước mắt, và sẽ tiếp tục mời trong quá trình hoạt động. Đã mời được 47 người rồi, mời thêm 3 người nữa với chúng tôi không phải là việc khó”.

Ông Phương cũng dẫn ra các biên bản thẩm định, quy định mở ngành với những dòng "về cơ bản, nhà trường đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện về đội ngũ".

{keywords}
Một phòng thí nghiệm của Khoa Dược (Ảnh Văn Chung)

Tại sao lại 20 điểm?

“Tôi không cho rằng 20 điểm là thấp. Học sinh phổ thông phải học rất nghiêm túc mới đạt được. Đầu vào 20 điểm so với ngưỡng 15 điểm của Bộ là tương đối cao” – ông Phương đưa ra lý giải.

Để ra trường sau 4 năm học, mỗi sinh viên phải thi từ 50 – 60 lần. Vậy thì học y tới 6 - 7 năm mới ra trường, số lần thi còn nhiều hơn nữa. Đầu vào quan trọng nhưng không quan trọng bằng quá trình dạy và học, và quá trình kiểm tra để có đầu ra.

Trường ĐH Y Hà Nội lấy 27,5 điểm do họ chỉ có 500 chỉ tiêu bác sĩ đa khoa với hàng nghìn hồ sơ đăng ký xét tuyển. Những người bị loại ra không phải vì các em quá dốt mà nhà trường chỉ có thể lấy ngần đấy người thôi. Chúng tôi mới bắt đầu, nên 20 điểm là điểm nhận hồ sơ, chúng tôi sẽ xét từ trên xuống”.

PGS Lê Văn Truyền cho rằng “Đầu vào còn phụ thuộc vào mục đích công việc khi người tốt nghiệp”.

“Chúng tôi không đào tạo như Khoa Y dược của ĐHQG Hà Nội. Ở đó, họ chỉ tuyển 50 sinh viên/ năm, đào tạo dược sĩ chủ yêu nghiên cứu và chế tạo thuốc mới, lấy thí sinh từ 24 điểm trở lên. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không nhằm đào tạo lực lượng đó. Cần phải phên tầng xem các dược sĩ làm những công việc gì.

Ông Truyền đề nghị dư luận "có cái nhìn uyển chuyển hơn. Có số lượng mới tạo ra chất lượng, chứ chất lượng không bắt đầu từ con số 0".

Ông cũng cho rằng "có những người chí ít là đã được đào tạo 6 năm, còn hơn để người dân rơi vào tay lang băm" và không thể so sánh với bác sĩ tuyến xã với giáo sư ở bệnh viện Bạch Mai.

"Nên nghĩ tới việc 30.000 nhà thuốc thì không phải nhà thuốc nào cũng có dược sĩ, hơn là đòi hỏi các dược sĩ đều làm trong các phòng nghiên cứu khoa học" - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế biện thêm lý do.

Ngoài ra, ông Truyền cũng dẫn dự thảo Luật Dược sắp tới sẽ quy định có chứng chỉ hành nghề (thời hạn 5 năm) và khẳng định đây sẽ là rào cản của nhà nước để sinh viên tốt nghiệp mới được tiếp xúc với bệnh nhân.  

{keywords}
Một góc thư viện của hai khao y, dược (Ảnh Văn Chung)

Tại sao học phí là 5 triệu?

Về mức học phí của 2 ngành mới này, Ông Trần Phương cho biết qua khảo sát các trường ngoài công lập đang đào tạo ngành dược có học phí từ 1,8 – 3,5 triệu đồng/ tháng. Trường ĐH Duy Tân đào tạo ngành y đa khoa có học phí 5 triệu đồng/ tháng.

“Tham khảo một tài liệu của Nhật Bản để xác định tỉ lệ, chúng tôi thấy ngành kinh tế có học phí 9 nghìn USD/ năm, ngành dược gần 16 nghìn USD/ năm, bằng 1,5 lần ngành kinh tế. Ngành y là 33,5 nghìn USD/ năm, bằng 2,1 lần ngành dược. Vì vậy, chúng tôi xác định học phí dựa trên các số liệu tham khảo này.

Y là một nghề phức tạp, tinh vi, liên quan đến con người nên đào tạo rất công phu, học phí phải cao. Nhưng con số này không mãi như thế mà có thể thay đổi. Chủ trương của chúng tôi không thu học phí cao để con em công nông đều có thể vào học được”.

"Chúng tôi sẽ có bệnh viện thực hành trực thuộc"

Trước câu hỏi “Phần lớn những trường đào tạo lớn đều có bệnh viện thực hành trực thuộc, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội giải quyết như thế nào với nhu cầu thực hành của sinh viên?”, PGS Nguyễn Văn Tường cho biết cơ sở thực hành là các phòng thí nghiệm với 28 phòng, cơ sở thực tập là tại bệnh viện đã ký hợp đồng nguyên tắc là Bệnh viện đa khoa Đức Giang, ngoài ra còn có Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Tràng An.

Ông Trần Phương bổ sung: Việc chuẩn bị thành lập bệnh viện thực hành đang được tiến hành nhưng chưa công bố, vì là việc lâu dài. “Chúng tôi đã mời Trung tướng Chu Tiến Cường, nguyên Cục trưởng Cục quân y làm trưởng phòng khám đa khoa của trường. Nguyên lãnh đạo cao nhất của ngành y tế cũng đã hứa sẽ giới thiệu cho chúng tôi những giáo sư giỏi tham gia phòng khám. Nếu chỉ để mở phòng khám đa khoa, chúng tôi không cần đến cỡ đó. Nhưng đó sẽ là những người giúp chúng tôi xây dựng bệnh viện trực thuộc trường".

  • Ngân Anh Ghi