Trong bàn tròn trực tuyến tại VietNamNet, GS Võ Tòng Xuân đã chỉ ra nghịch lý: ở các nước tiên tiến, những người được đào tạo đầy đủ mới làm được nông nghiệp còn ở Việt Nam phần lớn vẫn sản xuất theo lối ‘lão nông tri điền’.
Nghịch lý khiến nông dân khổ dài
Tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội cuối tháng 10/2014, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra một điều đáng suy ngẫm: kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam 2013 đạt 19,8 tỷ USD, nền nông nghiệp Việt tự hào có 12 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất sinh học thuộc vào loại cao nhất thế giới. Thế nhưng thu nhập của nông dân vẫn thấp và không ổn định, tình trạng được mùa mất giá xảy ra thường xuyên.
'Con trâu đi trước cái cày theo sau' - Phương pháp sản xuất truyền thống khiến nông dân Việt khó thoát nghèo |
Nguyên nhân được chỉ ra là người nông dân cá thể không thể chi phối được thị trường đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Hai thị trường này thiếu tính cạnh tranh, có dấu hiệu thỏa thuận giữa các doanh nghiệp để tăng giá đầu vào và hạ giá đầu ra. Đầu vào giá cao và chất lượng kém vẫn phải mua, đầu ra giá thấp vẫn phải bán đang là hai gọng kìm giữ chặt thu nhập thấp của người nông dân.
Trong một bàn tròn trực tuyến tại VietNamNet, GS Võ Tòng Xuân, nhà nông học, Hiệu trưởng ĐH Tây Đô cũng chia sẻ một nghịch lý khác: “Ở các nước tiên tiến, những người được đào tạo đầy đủ mới làm được nông nghiệp. Còn ở nước ta thì ngược lại, vì thế mà người làm nông dễ hài lòng với kinh nghiệm "lão nông tri điền", sản xuất không theo đúng khuyến cáo khoa học, khiến giá thành sản xuất cao, chất lượng sản phẩm kém, thậm chí không an toàn vệ sinh thực phẩm.”
Điều này khiến nông sản Việt giảm giá trị khi xuất khẩu ra thế giới, thậm chí còn khó cạnh tranh ngay trên sân nhà. Cũng vì thế mà nông nghiệp Việt dù có nhiều kì tích nhưng nông dân vẫn nghèo, vẫn khổ.
Giúp nông dân thoát khổ bền vững
Hiến kế giải quyết những nghịch lý của nền nông nghiệp Việt Nam, một chuyên gia chia sẻ: “Việc tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam, ngoài những biện pháp hành chính, những giải pháp về điều tiết thị trường, điều tiết nguồn lực và thu hút đầu tư, cũng cần ý thức tự lực tự cường của người dân. Khả năng tự sản xuất, tự làm đối trọng với doanh nghiệp của người dân… là cực kỳ quan trọng. Nhà nước cần chú trọng nâng cao năng lực cho họ trong vấn đề này”.
Để thay đổi ý thức người dân đồng thời tăng cường năng lực tự sản xuất cho họ, từ 2010, Chính phủ bắt đầu triển khai chương trình Dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956.
Trong 5 năm, thay vì sản xuất theo phương thức ‘lão nông tri điền’, hàng vạn lao động Việt đã ‘cắp cặp tới trường’ học kĩ thuật ‘làm nông dân’. Đặc biệt, sau khi nhiều địa phương chuyển hướng dạy nghề nông dân cần thì ngày càng có nhiều nông dân làm chủ quá trình sản xuất, tăng năng suất hiệu quả.
Sau những lớp học nghề, nông dân tự tin vận hành máy móc hiện đại trong sản xuất |
Như ở Vũ Thư, Thái Bình, nhiều nông dân có thể tự tin vận hành máy cày, máy cấy, máy tuốt; tự ‘bắt bệnh’ và sửa chữa khi máy có hỏng hóc mà không còn phải sản xuất thủ công hay ‘đắp chiếu’ máy chờ thợ như trước đây.
Ở Quảng Ninh, qua các lớp học kĩ thuật trồng trọt, nhiều nông dân đã từ bỏ cây lúa chuyển đổi trồng hoa, trồng nấm chuyên nghiệp cho năng suất và thu nhập cao hơn hẳn.
Ở Bình Định, nông dân cũng học được cách chẩn bệnh cho cây con, biết thêm các kĩ thuật gieo trồng, chăn nuôi mới và đặc biệt là nâng cao khả năng vận hành trong đánh bắt thủy hải sản.
Áp dụng thành công các kiến thức học được trong lớp học nghề vào trồng ớt xuất khẩu và chăn nuôi lợn, nhưng theo anh Lò Văn Hóa ở bản Pá Làng, xã Nghĩa Phúc, Nghĩa Lộ, Yên Bái: “Cái được nhất từ chương trình đào tạo nghề cho các hộ nông nghiệp là sự thay đổi từ tư duy chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi, sản xuất hàng hóa”.
Còn Đà Lạt, nông dân thành công với mô hình trồng trọt nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP, đủ tiêu chuẩn cạnh tranh với nông sản thế giới.
Như vậy, công tác dạy nghề đã giúp nông dân Việt từng bước tiếp cận với khoa học kĩ thuật, các quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất lao động.
Đề án 1956 sẽ còn tiếp tục kéo dài đến năm 2020 với mục tiêu đào tạo nghề cho hơn 1 triệu nông dân mỗi năm. Với việc chuyển đổi theo hướng dạy nghề nông dân cần, nông dân muốn, đề án sẽ góp sức vào mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, làm chủ của nông dân Việt, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
D.Minh (tổng hợp)