Ngày cuối tháng 4, ông Huỳnh Văn Cập (ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) hái chục ký thanh trà ngọt bán cho khách với giá 160.000 đồng/kg.
Khu vườn thanh trà của ông Cập rộng 2 hecta, trồng 200 gốc thanh trà ngọt. "Lẽ ra, thời điểm này, thanh trà đã hết trái nhưng do năm nay tôi quyết định thử nghiệm xử lý ra trái nghịch vụ nên đến giờ còn trái” ông Cập nói.
Lão nông này hiện là Giám đốc hợp tác xã thanh trà ngọt Đông Thành và Chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân tỷ phú Bình Minh.
Hơn chục năm trước, ông Cập đi khắp nơi để tìm giống cây giống thanh trà ngọt. Trong dịp tình cờ ông Cập ấn tượng với một cây thanh trà ngọt, trái to, cơm dày nên quyết định lựa chọn cây giống về trồng để “khởi nghiệp”.
“Giống thanh trà ngọt này có nguồn gốc ở vùng núi Hà Tiên (Kiên Giang), người dân ở đó gọi là ‘xoài rừng’. Sau 3 năm trồng, cây cho khoảng 5kg trái. Khi ăn tôi thấy trái thanh trà có vị ngọt tương đương xoài cát hòa lộc, trái to, hạt nhỏ…”, ông Cập nói và quyết định trồng thanh trà ngọt.
Ông Cập cho biết, mùa thuận của thanh trà là từ sau Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết không thuận lợi nên sản lượng thanh trà giảm rất nhiều, khoảng 70%.
“Nguyên nhân thanh trà giảm sản lượng nhiều là do thời tiết nắng nóng từ đầu vụ, trời lạnh trễ, khiến cây ra hoa muộn nên tỷ lệ đậu trái rất thấp, trái chưa chín đã rụng đầy vườn.
Lâu nay, nhà vườn trồng thanh trà theo lối quảng canh, không đầu tư phân thuốc, chủ yếu ra hoa, đậu trái tự nhiên nên phụ thuộc vào thời tiết. Năm nào thời tiết thuận lợi thì cây cho trái nhiều, trúng mùa; năm nào trời lạnh muộn thì cây không ra hoa coi như thất thu”, ông Cập nói.
Để "khắc chế" thời tiết, xử lý thanh trà ra trái nghịch vụ và hướng đến cây không bỏ vụ, ông Cập quyết định cùng các giảng viên Trường Đại học Cần Thơ nguyên cứu loại cây đặc sản của xứ Bình Minh ra trái đúng theo ý của mình.
“Năm nay, tôi kết hợp với các giảng viên Trường đại học Cần Thơ làm thử nghiệm cho cây ra trái nghịch vụ, bước đầu khá thành công. Cây 13 năm tuổi cho khoảng 70kg trái, cây nhỏ hơn thì 40kg trái...", ông Cập nói.
Ông tiết lộ, để cây thanh trà ngọt ra hoa, đậu trái nghịch vụ cần rất nhiều yếu tố, kỹ thuật khá phức tạp.
“Đầu tiên tôi phải bón phân cho cây ra lá mới, sau đó tưới thuốc tạo mầm, xiết nước… Sau khi cây ra hoa thì bón phân, phun thuốc theo định kỳ...", ông Cập nói về cách giúp cây thanh trà ra hoa nghịch vụ.
Ông nói thêm, thanh trà ngọt mùa thuận có giá hơn 120.000 đồng/kg, nhưng giá nghịch vụ đến 160.000 đồng/kg.
“Hiện nay, vườn thanh trà của tôi và các thành viên trong hợp tác xã không đủ trái cung ứng ra thị trường. Rất nhiều người, thương lái gọi mua nhưng chúng tôi phải hẹn lại năm sau” ông Cập nói thêm.
Trái thanh trà ở Bình Minh được trồng nhiều nhất ở các ấp Đông Hưng 1, Đông Hưng 2, Đông Hòa của xã Đông Thành. Thanh trà Bình Minh là đặc sản nổi tiếng ở Vĩnh Long hàng chục năm nay.
Cứ sau Tết âm lịch đến tiết thanh minh, thanh trà Bình Minh lại chín vàng cây, trái căng tròn đẹp mắt. Thương lái đến vườn mua thanh trà mang ra quốc lộ 1, đoạn dưới chân cầu Cần Thơ để bán.