Hơn nửa đời người gắn bó với nhiều công việc khác nhau, ông Trần Công Vinh (sinh năm 1963), trú tại thị trấn Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đã tìm thấy niềm đam mê đặc biệt với những quả bầu hồ lô.

Từ xa xưa, hồ lô là một thứ quả có hình dạng rất đẹp. Quả non ăn ngon và ngọt, người xưa thường dùng những quả bầu hồ lô già làm đồ đựng rượu, đựng nước hoặc một số đồ để chuẩn bị cho những chuyến đi xa.

“Tôi tìm hiểu thì thấy bầu hồ lô còn được coi là biểu tượng linh thiêng của sức khỏe và trường thọ, mang ý nghĩa phong thủy nên đi khắp nơi tìm mua những quả bầu hồ lô với đầy đủ kích cỡ về để tự do sáng tạo”, ông nói.

{keywords}
Những trái bầu "khổng lồ", nặng từ 14-15kg được ông Vinh mắc võng trên giàn.
{keywords}
Vườn bầu trĩu trịt hàng nghìn quả được ông trồng để làm đèn hồ lô.

Bắt tay vào làm nhưng do chưa có kinh nghiệm nên lần lượt hàng chục quả bầu phải vứt đi vì hỏng. Tiếc của, tiếc công, ông lại đi tìm hạt về rồi tự gieo trồng, tự nghiên cứu.

Góp nhặt, trồng thử nghiệm tất cả những loại bầu hồ lô ông biết tới, đến nay, vườn bầu hồ lô của ông đã có 4 loại, từ nhỏ xíu bằng ngón tay để làm móc chìa khóa đến loại bầu to nhất nhì Việt Nam, nặng đến 15kg để làm những chiếc đèn bàn, đèn trang trí trị giá hàng triệu đồng.

{keywords}
Để những quả bầu đạt chất lượng tốt nhất phải để thật già mới thu hoạch.

Ông cho biết, đối với dây bầu bình thường thì mỗi dây cho thu hoạch tầm 10-20 quả tốt, đạt chất lượng tùy vào điều kiện chăm sóc nhưng với giống bầu siêu to “khổng lồ” thì không để nhiều được, chỉ nên giữ lại 3-4 quả/dây vì giống to đòi hỏi dinh dưỡng rất lớn.

“Tôi phải mắc võng cho từng quả kẻo rơi. Giống bầu này lớn nhanh lắm, sáng ngủ dậy thấy nó lớn trông thấy, khác hẳn chiều ngày hôm trước. Hàng ngày ra ngắm vườn bầu cũng thấy vui rồi”, ông Vinh nói.

Trồng bầu hồ lô rồi tự mày mò, sáng tạo với từng quả. Ông kể, để quả bầu đạt chất lượng tốt nhất, dùng được lâu không bị mối mọt thì phải để quả bầu thật già mới thu hoạch. Sau đó đánh thật sạch vỏ, bỏ ruột rồi mang phơi khô. Sau này do nhu cầu sản xuất nhiều nên ông phải xây dựng lò sấy để sấy bầu. Mỗi lò có thể sấy được 1.600 quả bầu/lần, dùng nhiệt gián tiếp sấy mỗi mẻ khoảng 1 tuần.

{keywords}
Từ những quả bầu hồ lô đơn thuần, ông Vinh làm ra những chiếc đèn với nhiều kiểu dáng được chạm khắc độc đáo.
{keywords}
Mỗi chiếc đèn có giá bán từ 300-500.000 đồng.
{keywords}
Thậm chí lên đến cả triệu đồng.

Mới đầu chưa biết cách làm, ông tự mày mò, lấy dao rọc giấy ngồi tỉ mẩn khắc từng chút một. Sau dần mới biết sử dụng máy móc, bút khắc điện để làm cho nhanh hơn, điêu luyện hơn.

“Làm cái này mê lắm, có thể tự do sáng tạo theo ý mình nhưng khó nhất và lâu nhất là khắc thư pháp. Đôi khi làm cả ngày rồi, tối đến lại vừa xem tivi vừa vẽ phác họa trên trái bầu. Cũng may là bà xã tôi luôn ủng hộ, giúp tôi cuốn đế đèn hay cùng tôi đóng gói sản phẩm mang đi giới thiệu sản phẩm, vậy nên đỡ cực mà vui”, ông Vinh bày tỏ.

 

{keywords}
Những sản phẩm đèn ngủ, đèn trang trí được ông Vinh làm từ quả bầu hồ lô.

Hiện tại, mỗi sản phẩm làm từ hồ lô có giá từ 20.000 đồng cho đến cả triệu đồng tùy theo kích cỡ, mẫu mã, công năng như móc chìa khóa, bình đựng rượu hay đèn bàn, đèn ngủ hay đèn chùm trang trí. Riêng sản phẩm đèn hồ lô có giá từ 300-500.000 đồng/chiếc. Với những chiếc đèn được làm từ loại bầu "khổng lồ", điêu khắc tỉ mỉ và công phu hơn sẽ có giá lên tới cả triệu đồng.

Hơn 5 năm bắt tay vào làm bầu hồ lô và hơn 2 năm mang sản phẩm làm từ bầu hồ lô đi khắp các hội chợ vùng miền trên cả nước. Ông hy vọng rằng, với sự đam mê và nỗ lực của mình, những sản phẩm làm từ hồ lô này sẽ có mặt nhiều hơn trong mỗi gia đình, góp phần nâng cao tiềm năng du lịch của tỉnh và vươn ra thế giới.

(Theo Dân Việt)