Những ngày đầu tháng 6, nhiều người tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Phúc (67 tuổi, ngụ huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) để tham quan, tìm hiểu về hai giống nhãn: nhãn siêu trái và nhãn xuồng tím.
Ông Phúc xuất thân từ nông dân nghèo. Hồi năm 1992, thấy làm lúa không hiệu quả, ông cải tạo đất, lên liếp trồng nhãn Ido. Nhờ cây nhãn mà ông Phúc có "của ăn của để". Đến nay, ông đã có 4ha đất trồng cây ăn trái.
Về cơ duyên tìm ra giống nhãn siêu trái, ông Phúc kể, năm 2016, ông sưu tầm được giống nhãn Ido cổ. Theo ông Phúc, giống nhãn Ido này khác với giống nhãn Ido đang được trồng rộng rãi trên thị trường.
Ông Phúc cho biết, cây nhãn siêu trái phần chột rất lớn, mỗi chùm nhãn từ 3-4kg quả. Loại nhãn này vỏ dày, cùi dày, hột nhỏ, ít trái đeo... Đặc biệt, thời gian trái chín bằng với nhãn Ido thông thường, nhưng có thể “neo” đợi giá bán lên đến 1,5 tháng mà quả không nứt, không nhạt.
“Cây nhãn 3 năm tuổi của tôi mỗi năm cây cho 150kg trái. Trái có cơm dày, hột nhỏ, cơm và hạt dễ tách. Đặc biệt, nhãn siêu trái đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu là đường kính từ 2,5 phân trở lên”, ông Phúc nói.
Ông nói, nhãn siêu trái có giá bán 100.000 đồng/kg. Cây giống nếu mua lẻ thì giá 1,5 triệu đồng/cây.
Khác với giống nhãn tím ở Sóc Trăng, nhãn tím của ông Phúc là kết quả lai tạo từ nhãn tím và nhãn xuồng. Còn nhãn tím ở Sóc Trăng là cây nhãn đột biến trên cây nhãn long - thơm ngọt, nhưng cơm mỏng.
“Nhãn xuồng tím của tôi trái to, cơm vàng và dày, vị ngọt thơm nên được nhiều người yêu thích. Nhãn này cho trái quanh năm, năng suất tương đương nhãn xuồng bình thường”, ông Phúc chia sẻ.
Ưu điểm là cây ra trái tự nhiên, không cần phải xử lý, kích thích ra hoa như giống nhãn thường khác. Tuy nhiên, khi trồng loại nhãn này phải chú ý đến “nhất nước nhì phân” thì cây mới cho trái quanh năm. Theo đó, sử dụng 80% phân hữu cơ, 20% phân vô cơ, cách ngày tưới nước 1 lần.