Xã Thục Luyện thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một khu vực thuần nông, nơi cư dân chủ yếu sống nhờ nông nghiệp với các cây trồng truyền thống như lúa, ngô, và một số loại rau quả khác. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện nay, nhu cầu thị trường ngày khác xưa, cách làm ăn lối cũ, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, được sự khuyến khích của địa phương trong triển khai thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xoá đói, giảm nghèo, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi những câytrồng cũ, không mang lại năng suất, không được thị trường ưa chuộng để tập trung cho những giống cây trồng không những được thị trường trong nước ưa chuộng, mà còn có thể xuất khẩu.

Một trong những người nông dân tiên phong ấy là lão nông Trần Ngọc Sơn. Trước kia, phần nhiều trên 30ha đất được giao, gia đình ông Trần Ngọc Sơn canh tác lúa, ngô, khoai cùng một số loại cây ăn quả như vải, nhãn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy tiềm năng của cây thanh long ruột đỏ–một giống cây rất mới ở vùng đất Thục Luyện, ông Trần Ngọc Sơn đã mạnh dạn từ bỏ các cây trồng truyền thống để đầu tư vào loại cây mới này. Năm 2007, sau những chuyến tập huấn, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông Sơn quyết tâm đầu tư vào cây thanh long ruột đỏ theo phương pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quá trình canh tác. Vào thời điểm đó, đây là một bước đi táo bạo.