Hóa rồng cho gốc tre
Với niềm đam mê chế tác nghệ thuật, suốt 30 năm qua, lão nông Trần Văn Hùng (63 tuổi, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) - người quen vẫn gọi ông là lão gàn - đã "thổi hồn" vào tre, lá dừa, "hô biến" chúng thành những vật dụng, hình dạng con vật tinh xảo thân thiện với môi trường.
Ngồi bên chiếc bàn tre, ông Hùng tâm sự, gia đình ông đã có ba thế hệ gắn bó với nghề làm tranh tre, lá dừa. Cũng vì thế ông đã được ông bà truyền dạy cái nghề "độc" này từ nhỏ, nhưng lúc đó ông chỉ làm những công đoạn đơn giản.
Đến năm 1986, sau khi xuất ngũ, ông quyết định trở về quê hương để vực dậy và phát triển nghề truyền thống của cha ông.
Bước đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn, vì không dễ để tạo nên các sản phẩm bằng tre thủ công hoàn hảo. Lão gàn kiên trì mày mò tìm hiểu, sau vài năm, những tác phẩm nghệ thuật của ông đã được đánh giá thẩm mỹ cao.
Từ đó, cơ sở chế tác tranh tre lá dừa của ông Hùng được nhiều người tìm đến mua sản phẩm về lưu niệm. Hơn thế, để phát triển đa dạng các sản phẩm chế tác, ông Hùng còn tìm tòi, sáng tạo thêm cách trang trí nội thất từ tre và một số sản phẩm khác.
"Việc chế tác các sản phẩm thủ công từ tre đến với tôi như một cơ duyên. Trong lần chẻ tre làm nhà, những gốc tre uốn lượn đẹp mắt làm tôi ấn tượng. Nên tôi mới nảy ra ý tưởng sẽ "biến" chúng thành những đồ vật lạ mắt", ông Hùng nói.
Sau khi chế tác thành công những vật dụng đơn giản từ tre như đèn ngủ, bộ ấm trà, đèn lồng, bàn ghế..., ông Hùng bắt đầu nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm đòi hỏi kỹ nghệ điêu luyện như hình dáng con tôm, con cá, cặp chim... Đặc biệt ông còn tạo hình những con rồng từ gốc tre trông rất bắt mắt.
"Tôi vẫn còn nhớ, để làm được một sản phẩm đầu tiên tốn rất nhiều thời gian và đã trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại. Sản phẩm này sau khi hoàn thành đã được một du khách thích thú mua với giá 600.000 đồng", ông Hùng cho hay.
Đưa tre Việt đến với thế giới
Sau khi có những sản phẩm mỹ nghệ từ tre được bán ra thị trường, nhận thấy tiềm năng nên ông quyết định dành nhiều thời gian hơn cho việc chế tác các sản phẩm thủ công từ tre.
Theo ông Hùng, nguyên liệu tre được cung cấp chủ yếu từ địa phương. Ngoài ra, ông còn nhập một số tre từ các tỉnh khác. Nhiều gốc độc, lạ được ông tình cờ sưu tập được trong những lần đi công tác.
Để sản phẩm bền đẹp thì tre phải được ngâm bùn ít nhất nửa năm. Ngoài làm tre, ông Hùng còn tự chế tác cho mình một khu hàng quán ở phía trước cơ sở, để khách dừng chân nghỉ ngơi và thưởng lãm.
Đến nay ông đã có hàng trăm tác phẩm, mỗi tác phẩm mỗi kích thước, hình dáng khác nhau, tác phẩm nào cũng sống động. Có thể nói, ông đã thổi hồn vào những gốc tre vô tri, vô giác để tạo ra những tác phẩm độc đáo.
Những sản phẩm như con tôm, ấm trà... mất ít công sức được ông bán giá 300.000 - 500.000 đồng. Còn xe nước tinh xảo hơn được bán với giá 4 triệu đồng. Những bộ bàn ghế tre đặc sắc có giá vài chục triệu đồng.
Đặc biệt, gốc tre được ông hóa rồng, có du khách đã ra giá vài chục triệu nhưng ông vẫn quyết không bán. Những tác phẩm nghệ thuật từ tre đã giúp ông Hùng thu nhập mỗi tháng từ 30-50 triệu đồng.
Để quảng bá sản phẩm, ông Hùng đã liên kết với các công ty lữ hành đưa khách đến cơ sở của mình tham quan, mua sản phẩm lưu niệm góp phần phát triển du lịch địa phương.
Hiện đang có doanh nghiệp nước ngoài muốn hợp tác để đưa sản phẩm tre của ông Hùng chế tác ra nước ngoài vì nó tinh xảo, thân thiện với môi trường nên thị trường tiêu thụ sẽ rất lớn. Tuy nhiên, ông đang suy nghĩ vì sợ sức của mình không thể kham nổi.
Theo Dân trí
Người Việt ở châu Phi, Á, Âu đón Tết: Nâng niu lọ dưa hành, chiếc bánh tét
Dù đang sinh sống ở nơi đâu trên thế giới, người Việt vẫn luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về Tết như một hương vị không thể thay thế.