Quyết sách đúng đắn đưa du lịch Lào Cai “cất cánh”
Năm 1992, sau 1 năm tái lập tỉnh, Lào Cai chỉ đón được 8.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 1,3 tỷ đồng.
Thị trấn Sa Pa những ngày xưa cũ |
Nhiệm kỳ 1996 - 2000, Đảng bộ tỉnh Lào Cai ra Nghị Quyết 03 về phát triển du lịch nêu rõ quan điểm: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, quan trọng của tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh tập trung xây dựng cơ sở vật chất, phát triển các sản phẩm du lịch, từng bước đưa doanh thu từ du lịch tăng bình quân 2%/năm.
Năm 2000, doanh thu từ ngành công nghiệp không khói này đạt 36,45 tỷ đồng. Du lịch phát triển mang lại nguồn thu không nhỏ, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo và đóng góp đáng kể GDP của tỉnh.
Thành quả 10 năm đầu tái lập tỉnh tạo tiền đề cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lào Cai đề ra mục tiêu nhiệm vụ phát triển 10 năm tiếp theo: Khai thác hiệu quả kinh tế du lịch ở Sa Pa, Bắc Hà, TP. Lào Cai.
Với quan điểm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển", tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo hành lang pháp lý và mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.
Đặc biệt, ngày 21/9/2014, Lào Cai đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giảm thời gian lưu thông tuyến đường này từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ, mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế và du lịch các địa phương vùng Tây Bắc.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai như một dải lụa vắt ngang núi rừng Tây Bắc |
Cùng với tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam Nội Bài - Lào Cai, tỉnh phát triển hàng loạt dự án lớn như dự án Cảng hàng không Lào Cai, dự án cáp treo mang 2 kỷ lục thế giới Fansipan, sân Golf Bát Xát, dự án cột cờ Lũng Pô, các dự án suối khoáng nóng, thung lũng hoa Bắc Hà và nhiều khách sạn, resort cao cấp như Aristo, Sapaly, Ngôi Sao, Mường Thanh, Đông Dương, Amazing...
Mới đây, khu du lịch Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia. Trước đó, TP. Lào Cai cũng đã được công nhận thành Đô thị loại II, tiếp tục phấn đấu lên Đô thị loại I để trở thành "thành phố đáng sống".
Lào Cai - Du lịch Tây Bắc “3 nhất”
Sau 30 năm tái lập tỉnh, Lào Cai từ 1 địa danh vùng biên ải hẻo lánh, nay trở thành một “ngôi sao” trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.
Sở hữu “kho báu” về bản sắc văn hóa các dân tộc, cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, kết hợp với núi non hùng vỹ, cảnh quan hoang sơ, đến nay Lào Cai đã khẳng định vị trí số 1 trên bản đồ du lịch Tây Bắc, với “3 nhất”: Lượng khách đến tham quan, trải nghiệm đông nhất; doanh thu từ du lịch đạt cao nhất; thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất.
Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2020 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch Lào Cai với 5,1 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 19.200 tỷ đồng (năm 2019). Du lịch Lào Cai phát triển nhanh, toàn diện ở cả 3 nhóm: địa bàn, sản phẩm, chất lượng, trở thành mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều sản phẩm, địa danh du lịch Lào Cai trở thành lựa chọn thường xuyên của du khách trong nước và quốc tế.
Trên đà phát triển, Lào Cai đã và đang đón nhận một “làn sóng” đầu tư phát triển du lịch mạnh mẽ. Hàng loạt nhà đầu tư chiến lược: SunGroup, VinGroup, Accor, The Manor Bitexco, Sa Pa Land… đã đầu tư phát triển du lịch tại Lào Cai.
Cáp treo Fansipan - một trong những lời giải về “chất” cho du lịch Sa Pa |
Ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Du lịch Lào Cai đã, đang và sẽ là một trong những trụ cột chính trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu đạt 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách nước ngoài; tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 44.500 tỷ đồng; thu nhập từ du lịch chiếm từ 15% đến 17% GRDP của tỉnh; toàn tỉnh có 1.400 cơ sở lưu trú với 10.000 buồng khách sạn từ 3 đến 5 sao…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch Lào Cai đã chủ động ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch, sẵn sàng bước vào cuộc đua phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Minh Ngọc