Cụ thể, các tổ chức tín dụng đã đầu tư 115 máy ATM (trong đó có 17 máy CDM gửi, rút tiền tự động); 1.200 thiết bị chấp nhận thẻ (POS); có 17.624 điểm chấp nhận thanh toán quét mã QR; 1 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng.
Ước tính đến hết tháng 9/2023, tổng doanh số thanh toán trên địa bàn là 1.215.699 tỷ đồng, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt đạt 923.931 tỷ đồng, chiếm 75,9% so với tổng doanh số thanh toán trên địa bàn.
Các ngân hàng đã mở rộng hệ sinh thái số để phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích mới, hiện đại, đẩy mạnh thanh toán trong lĩnh vực hành chính công, dịch vụ công (điện, nước, y tế, bảo hiểm xã hội...).
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy thanh toán số là “cửa ngõ” để kết nối với các dịch vụ ngân hàng khác, như huy động, cho vay, đầu tư, bảo hiểm... Điều này không chỉ giúp ngân hàng tăng sức cạnh tranh, mà còn mang đến lợi ích to lớn cho người dùng, như tiết kiệm thời gian, tiền bạc, giảm bớt rủi ro giao dịch, đồng thời đảm bảo tính bảo mật và tiện lợi cho khách hàng.
Một trong những ngân hang tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai (Agribank Lào Cai), tính đến hết tháng 10/2023, Agribank Lào Cai đã đầu tư 27 máy ATM, trải đều các địa điểm giao dịch trong toàn tỉnh, trong đó có 4 máy CDM (Autobank - ngân hàng tự động). Cùng với đó, đơn vị đã phát triển trên 250 điểm QRcode và POS, hầu hết khách hàng là hộ kinh doanh có tài khoản của Agribank được trang bị mã VietQR miễn phí. Thông qua các điểm chấp nhận thanh toán, mã QR khách hàng sử dụng tài khoản và thẻ ATM, sử dụng dịch vụ Agribank E-Mobile Banking, eBanking để thực hiện thanh toán, nhanh chóng, thuận lợi.
Hiện Agribank Lào Cai đã phát hành hơn 200.000 thẻ ATM; có hơn 215.000 khách hàng sử dụng dịch vụ E-Banking; dịch vụ E-Mobile Banking, eBanking, thanh toán mua bán hàng hóa qua ví điện tử…